Đường dẫn truy cập

Cảnh báo nguy cơ ‘thẻ đỏ’ cho VN vì đánh cá bất hợp pháp và lao động trẻ em


Ngư dân Việt Nam bị bắt vì khai thác hải sản lậu ở Palau.
Ngư dân Việt Nam bị bắt vì khai thác hải sản lậu ở Palau.

Một báo cáo mới công bố của Quỹ Công lý Môi trường (EJF) cho biết tình trạng người Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở các nước cũng như sử dụng trẻ em để lao động trong lĩnh vực này vẫn không thuyên giảm, dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể bị phạt “thẻ đỏ” – bị cấm hoàn toàn xuất khẩu thuỷ sản sang các nước châu Âu.

Trong báo cáo mang tên “Caught in the net: Illegal Fishing and child labour in Vietnam’s fishing fleet” (tạm dịch: “Mắc kẹt trong lưới: Nạn đánh cá bất hợp pháp và lao động trẻ em trong các đội tàu cá Việt Nam”) công bố hôm 11/11, EJF nhận định rằng mặc dù năm ngoái, Việt Nam có ban hành một số luật mới để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, nhưng các cuộc điều tra của tổ chức này trong năm nay cho thấy các quy định này vẫn chưa được áp dụng. Tình trạng ngư dân Việt Nam sang các nước khác đánh bắt trộm vẫn không được cải thiện.

“Cá ở biển Việt Nam ít đến mức chúng tôi buộc phải đánh bắt cá bất hợp pháp ở nơi khác để kiếm sống”, EJF dẫn lời các thuyền trưởng và thuyền viên người Việt cho biết.

Báo cáo mới của EJF được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 239 thuyền viên từ 41 tàu cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ khi đang đánh bắt trong vùng biển nước này.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng trẻ em Việt Nam đang được đưa vào làm việc trong điều kiện bẩn thỉu và không an toàn trên các tàu đánh cá dài ngày.

Trong số 41 tàu cá mà EJF tiến hành điều tra, có đến 7 tàu cá có trẻ em làm việc, trong số đó có em chỉ mới 11 tuổi.

“Đánh bắt quá mức, quản trị kém và tình trạng thiếu minh bạch đến mức gây sốc đã tạo ra thảm kịch về con người và sinh thái này”, báo cáo của EJF nói.

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có các đội tàu đánh cá phát triển nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng hơn 160% kể từ năm 1990 cho đến năm 2018. Lượng tàu bùng nổ đã dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức và làm cạn kiệt nhanh chóng số lượng cá.

“Trước khi rời bến tàu, chúng tôi đều biết trước là sẽ phải đến Thái Lan để bắt cá”, một chủ tàu và thuyền trưởng người Việt cho EJF biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 2018.

Báo cáo còn dẫn lời các thuyền trưởng cho biết họ thường được các chủ tàu khuyến khích đánh bắt cá ở các nước láng giềng, thậm chí mọi người nói chuyện công khai về kế hoạch sang Thái Lan đánh cá như thế nào.

EJF nói các tàu cá Việt Nam tiếp tục không treo cờ cũng như các dấu hiện nhận diện tàu, vốn nằm trong quy định mới sửa đổi của Việt Nam.

Tổ chức phi chính phủ cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam cũng chỉ kiểm tra sơ sài các tàu này trước khi ra khơi, dẫn đến tình trạng lạm dụng lao động trẻ em hoàn toàn không được kiểm soát.

Việt Nam hiện đang bị Uỷ ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” vì tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) kể từ năm 2017. EC cũng đã đưa ra các khuyến nghị và thời hạn để Việt Nam khắc phục tình trạng trên.

Tháng trước, báo chí trong nước đồng loạt ca ngợi nỗ lực khắc phục của Việt Nam, trong đó có việc triển khai Luật Thuỷ sản năm 2017.

Nhưng với báo cáo mới nhất, EJF cho rằng đã có “rất ít khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu được thực hiện hoặc thi hành thành công”. Do đó, tổ chức này cho rằng tình trạng hiện tại đang đặt Việt Nam trước nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ”, nghĩa là bị cấm hoàn toàn xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG