Đường dẫn truy cập

VN gấp rút cứu thủy sản khỏi nguy cơ từ ‘thẻ vàng’ sang ‘thẻ đỏ’


Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn đề xuất xin tham gia vào đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) để sang làm việc với EU và Hàn Quốc về “thẻ vàng” mà EU đã phạt thủy sản Việt Nam hồi năm ngoái, trước thời hạn chỉ còn khoảng 2 tháng để EU quyết định đưa ra “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 23/10, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.

EU ra hạn cho Việt Nam 6 tháng để khắc phục thiếu sót. Sau thời hạn này, EU sẽ quyết định ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.

Trong công văn gửi cho Bộ NNPTNT, VASEP đưa ra một loạt đề xuất để “khắc phục thẻ vàng IUU”. Cơ quan này đề nghị được phối hợp xử lý ngay từ đầu các yêu cầu xác minh của EU, tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ về các hoạt động khắc phục “thẻ vàng” trước ngày 15/3, phối hợp chuyển ngữ và rà soát việc chuyển ngữ các báo cáo và văn bản pháp lý, và có biện pháp tuyên truyền chống lại việc khai thác thủy sản bất hợp pháp.

EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá của Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ - 19 tỷ euro.

Kể từ năm 2012, EU cho biết đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.

Theo đánh giá của VASEP, “thẻ vàng” của EU đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 100% container hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, dẫn tới mất 3-4 tuần/container và phải trả phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ tại cảng và các hệ lụy khác, trong đó có nguy cơ sản phẩm bị trả về.

EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Mỗi thị trường chiếm từ 16% - 17% trong tổng giá trị xuất khẩu 1,9 – 2,2 tỷ USD hàng năm của Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG