Đường dẫn truy cập

Đà Nẵng quyết tiến hành dự án du lịch ở Sơn Trà


Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Chính quyền Đà Nẵng thể hiện quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà, tuy nhiên đồng ý giảm bớt quy mô xây dựng để đảm bảo an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học của nơi này trước sức phản kháng mạnh mẽ của dư luận.

Một nhà bất đồng chính kiến ở Đà Nẵng nói ông phản đối việc xây dựng ở Sơn Trà bất kể là ở quy mô nào, và bán đảo Sơn Trà nên được giữ nguyên trạng.

Báo chí trong nước đưa tin, trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 5/9, chính quyền Đà Nẵng đưa ra đề xuất năm điểm về cách xử lý đối với các khu du lịch ở Sơn Trà trước những ý kiến không đồng tình trong thời gian qua.

Theo báo cáo của chính quyền Đà Nẵng, thì thành phố này vẫn muốn phát triển Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia theo hướng du lịch sinh thái, thể thao và nghỉ dưỡng cao cấp. Lý do mà chính quyền Đà Nẵng đưa ra là vì dự án đó “phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam”, “góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương” và được nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép với phương châm “bảo tồn đi đôi với phát triển”.

Bán đảo Sơn Trà được cho là có vị trị trọng yếu về an ninh quốc phòng và nơi đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật đặc hữu, trong đó có loài voọc chà vá. Chính quyền Đà Nẵng đồng ý rằng phát triển du lịch tại Sơn Trà phải đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Để đảm bảo các mục tiêu này, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng đã đưa ra một số đề xuất, trong đó nổi bật là chỉ cho xây dựng từ độ cao 100 mét trở xuống và các công trình được xây dựng chỉ phục vụ mục đích lưu trú chứ không cho phép cư trú.

Ngoài ra Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu chỉ cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện để đảm bảo an ninh- quốc phòng. Các dự án đã hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động được Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cho phép giữ lại.

Xét trên các tiêu chí này thì trong số 18 dự án đã được Ủy ban nhân dân Đà Nẵng cấp phép xây dựng ở Sơn Trà đến thời điểm cuối năm 2012, có 6 dự án không phù hợp, 10 dự án cần phải cắt giảm quy mô và hai dự án được kiến nghị cho giữ nguyên, theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tuy nhiên, không rõ 6 dự án không phù hợp sẽ được xử lý như thế nào.

Trao đổi với VOA, blogger Huỳnh Ngọc Chênh ở Đà Nẵng, nói ông “phản đối hoàn toàn mọi công trình xây dựng ở Sơn Trà dù là 100 mét trở xuống”.

“Chỉ xây ở 100 mét trở xuống cũng làm hỏng Sơn Trà. Sơn Trà phải giữ cho nguyên vẹn. Ngoài đoạn đường bên giới được khai thác du lịch thì không cho xây dựng gì thêm. Giữa thành phố có một ngọn núi đẹp như vậy, một khu rừng đẹp như vậy thì cần phải giữ,” ông Chênh nói.

“Sơn Trà đúng nghĩa là để ngắm. Nếu xây dựng trên thì sẽ làm mất đi sự hấp dẫn đối với du khách,” ông nói thêm.

Ông Chênh nói rằng những người dân ở Đà Nẵng mà ông quen biết và tiếp xúc “hầu hết đều nói phải giữ Sơn Trà cho nguyên vẹn và phải dọn hết các công trình”.

Nhà hoạt động này nói rằng việc xây dựng trên bán đảo Sơn Trà là “của các nhóm lợi ích có thế lực rất mạnh” khiến cho Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng đá qua đá lại – không ai dám ‘đụng đến’.

“Chắc chắn một điều là các công ty hoạt động về địa ốc ở Việt Nam phần đông đều là các nhóm lợi ích, đều có vốn hoặc có sự đỡ đầu của ông này ông khác,” ông Chênh nói, “Các công ty mua được đất, lấy được dự án ở Sơn Trà chắc chắn phải có thế lực đỡ đầu.”

“Các dự án ở Sơn Trà là do từ thời ông Nguyễn Bá Thanh để lại. Chính quyền mới của Đà Nẵng mới lên không dám đụng đến các nhóm lợi ích.”

Ông Chênh cho biết chính ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, là người vận động để cho phép xây dựng đến độ cao 200 mét ở Sơn Trà, để “bán được nhiều đất” và thu được nhiều tiền.

VOA Express

XS
SM
MD
LG