Đường dẫn truy cập

Đặc sứ ASEAN cho Myanmar nói muốn được tiếp cận đầy đủ khi đến thăm


Bộ trưởng Ngoại giao thứ Hai của Brunei, Erywan Pehin Yusof, được ASEAN bổ nhiệm làm đặc sứ cho Myanmar.
Bộ trưởng Ngoại giao thứ Hai của Brunei, Erywan Pehin Yusof, được ASEAN bổ nhiệm làm đặc sứ cho Myanmar.

Nhà ngoại giao Brunei được Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bổ nhiệm làm đặc phái viên Myanmar của họ ngày thứ Bảy cho biết ông cần được tiếp cận đầy đủ tất cả các bên khi đến thăm nước này, nơi quân đội lật đổ một chính phủ dân cử hồi đầu năm nay.

Phát biểu vài ngày sau khi được ASEAN bổ nhiệm, ông Erywan Yusof không nêu ngày ông sẽ đi thăm Myanmar, nơi mà nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và các quan chức khác đã bị câu lưu kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Ông Erywan được giao nhiệm vụ giám sát viện trợ nhân đạo, chấm dứt bạo lực ở Myanmar và mở ra đối thoại giữa nhà cầm quyền quân sự và các đối thủ, những người đã tổ chức cuộc biểu tình và phát động một chiến dịch bất tuân dân sự nhưng bị đáp lại bằng bạo lực.

“Chuyến thăm dự kiến tới Myanmar đang được thu xếp, và những gì chúng tôi cần làm là bảo đảm rằng chúng tôi chuẩn bị tốt khi đến đó, không giống như chuyến thăm mà tôi đã thực hiện vào tháng 6,” ông Erywan, Bộ trưởng Ngoại giao thứ Hai của Brunei, nói với các phóng viên ở Bandar Seri Begawan, thủ đô của vương quốc nhỏ bé trên đảo Borneo.

Ông Erywan cho biết ông sẽ tìm kiếm một cuộc thảo luận có thực chất hơn trong chuyến thăm dự kiến tiếp theo của ông đại diện ASEAN tới Myanmar, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là ông phải được tiếp cận đầy đủ tất cả các bên.

Các tổ chức xã hội dân sự Myanmar đã bác bỏ việc bổ nhiệm ông, nói rằng ASEAN lẽ ra nên tham khảo ý kiến của những người phản đối chính quyền và các bên khác.

Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đã thúc giục ASEAN, khối 10 thành viên bao gồm Myanmar, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục sự ổn định.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, nói còn quá sớm để nói rằng nỗ lực của ASEAN thúc đẩy các cuộc đàm phán sẽ mất bao lâu, đồng thời nói rằng “các giải pháp chính trị, dù thiết yếu, là khó khăn và theo quan điểm của tôi, đã kéo dài các cuộc đàm phán và thảo luận.”

Ông nói thêm: “Vì vậy, tôi sẽ tránh cố gắng đưa ra các mốc thời gian không thực tế.”

Nhà cầm quyền quân sự của Myanmar, Min Aung Hlaing, người đã đảm nhận chức vụ thủ tướng lâm thời, trong tuần này cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2023.

Chính phủ của ông nói rằng họ đã hành động theo hiến pháp để loại bỏ chính phủ của bà Suu Kyi, và phản đối việc gọi hành động này là một cuộc đảo chính, và cũng bác bỏ mô tả họ là một chính quyền quân sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG