Hai Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam giải trình việc quân đội nước này tham gia các buổi diễn tập chống khủng bố và nổi dậy do Myanmar và Nga đồng đăng cai tổ chức vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực từ chối tham gia sự kiện này.
Các báo cáo viên LHQ bày tỏ sự “quan ngại” trước các tin tức cho rằng chính quyền Việt Nam đã tham gia hội nghị lập kế hoạch vào tháng 6/2023 tại Liên bang Nga, cuộc tập trận trên sa bàn ở Myanmar vào tháng 8, và diễn tập thực địa chống khủng bố tại Liên bang Nga vào tháng 9 vừa qua.
Bức thư công bố vào đầu tháng này nói rằng trong khi các nước như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã từ chối tham gia, Việt Nam và các quốc gia ASEAN vẫn tiến hành sự kiện này, được chính quyền quân quản Myanmar tận dụng như là một cơ hội nhằm tuyên truyền đả kích các nhóm dân chủ và đảng đối lập trong nước.
Các buổi diễn tập này được thực hiện theo cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM Plus hay ADMM +) giữa 11 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, và Hoa Kỳ. Việt Nam, quốc gia thành viên của ASEAN, khởi xướng cơ chế này vào năm 2010.
Việt Nam cho rằng ADMM Plus là một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh thiết thực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác “để ứng phó với các nguy cơ an ninh chung trong khu vực, trong khi vẫn bảo đảm vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN”.
Cơ chế ADMM-Plus về chống khủng bố hiện tại do “Hội đồng Hành chính Nhà nước” (SAC) - tên gọi của chính quyền quân quản Myanmar, cơ quan đã lật đổ chính phủ dân cử năm 2021 - và Liên bang Nga đồng chủ trì, theo bức thư của các báo viên LHQ.
“Việc tham gia vào các hoạt động của cơ chế này có thể nâng cao sức mạnh đấu tranh của những bên tham gia, bao gồm cả SAC. SAC được cho là đã lợi dụng cương vị của mình trong cơ chế này như một cơ hội tuyên truyền bằng cách tấn công đảng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) và các nhóm ủng hộ dân chủ ở Myanmar, các nhóm bị chính quyền coi là ‘những kẻ khủng bố’”, bức thư viết.
Trên một trang web mà SAC duy trì với tư cách là đồng chủ tịch của cơ chế này, họ thường xuyên cáo buộc các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Myanmar, trong đó có NUG, các tổ chức Cách mạng Dân tộc (ERO) và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) là “những kẻ khủng bố”.
Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Myanmar và Báo cáo viên đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong khi chống khủng bố gửi bức thư đến chính quyền Việt Nam ngày 7/8/2023 và cho đến ngày 6/10/2023, ngày công bố bức thư, phía Việt Nam vẫn chưa phản hồi.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay khi được VOA đưa ra đề nghị bình luận.
Hai cáo cáo viên cũng gửi thư tương tự yêu cầu chính phủ các nước ASEAN khác như Lào, Campuchia, Indonesia… và cả Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga giải trình.
Các tổ chức nhân quyền lên án việc tham gia cuộc tập trận chống khủng bố do chính quyền quân quản Myanmar và Nga đồng tổ chức.
Trao đổi với VOA qua email, bà Yadanar Maung, người phát ngôn của tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice For Myanmar) viết: “Chúng tôi vô cùng thất vọng về việc Việt Nam và Lào cũng như các thành viên khác của ASEAN đã tham gia cơ chế của các chuyên gia ADMM Plus về diễn tập chống khủng bố, do chính quyền quân sự Myanmar và Nga đồng chủ trì”.
“Chính quyền quân sự Myanmar đang sử dụng nền tảng ADMM để truyền bá tuyên truyền và nâng cao khả năng chiến đấu của họ khi họ phạm tội ác chiến tranh mà hoàn toàn không bị trừng phạt. Các nhà lãnh đạo ASEAN phải thể hiện sự lãnh đạo của mình và cấm chính quyền quân sự đó tham gia mọi hoạt động của ADMM”, bà Maung cho biết thêm.
“Việt Nam nên đình chỉ quan hệ quân sự và kinh doanh với chính quyền quân quản”, bà Maung nói. “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, bao gồm cả các nước thành viên ASEAN áp dụng các biện pháp trừng phạt có chủ đích đối với quân đội Myanmar, các doanh nghiệp và các đối tác quan trọng của nước này”.
Trước đó, vào tháng 7/2023, các nghị sĩ Đông Nam Á bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc diễn tập này. Họ kêu gọi khối ASEAN nên loại trừ chính quyền quân quản bất hợp pháp khỏi tất cả các cuộc tập trận quân sự chung do khối này tổ chức.
Theo quan sát của VOA, truyền thông và quân đội Việt Nam không đưa tin về đợt diễn tập khủng bố này.
Truyền thông nhà nước Mynamar cho biết cuộc diễn tập sa bàn diễn ra tại Nay Pyi Taw từ ngày 2/8 “nhằm chống khủng bố” và “tăng cường hiểu biết lẫn nhau”.
Trang tin Spuknit tiếng Việt dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga loan tin rằng khoảng 700 quân nhân đến từ 11 quốc gia ASEAN tham gia cuộc tập trận chung chống khủng bố với Nga tại vùng Primorye vào cuối tháng 9 với các quân nhân huấn luyện dùng máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay không người lái, xe tăng và xe bọc thép chở quân.
Các báo cáo viên LHQ cũng lo ngại rằng sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc tập trận do SAC đồng chủ trì sẽ tiếp tục giúp hợp pháp hóa hành động của quân đội thiếu tính chính danh về mặt dân chủ và hiến pháp và không thực hiện được quyền của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong thư gửi chính quyền Hà Nội, các báo cáo viên của LHQ nhắc nhở rằng “bất kỳ biện pháp nào được thực hiện để chống khủng bố đều phải tuân thủ mọi nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo và luật nhân quyền, và tuân thủ các nguyên tắc về tính hợp pháp, tính cần thiết, tính cân xứng và không phân biệt đối xử”.
Ngoài ra, các báo cáo viên yêu cầu chính quyền Việt Nam cho biết liệu nước này có ý định tiếp tục tham gia các cuộc tập trận quân sự trong tương lai theo cơ chế ADMM + về chống khủng bố nữa hay không, giải trình về cuộc tập trận vừa qua và các mối quan hệ với Myanmar, đồng thời hối thúc Hà Nội không nên dự các cuộc tập trận quân sự như vậy khi có chính quyền quân quản SAC tham gia.
Diễn đàn