Đường dẫn truy cập

Vụ Nguyễn Xuân Anh: ‘Hàng trăm người chức quyền từng học ở SCUPS’


Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Người sáng lập một trường đại học ở Mỹ, hiện là tâm điểm trong “cơn bão chính trị” của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đã lên tiếng “bảo vệ danh dự” và cho biết “từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp bằng ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Donald Hecht, hiện còn là chủ tịch của California Southern University (CSU), nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi”, “nhất là hàng trăm cựu sinh viên đang sống ở Việt Nam”.

Chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi.
Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Trong thông báo gây “chấn động” dư luận hôm 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng một trong các vi phạm của ông Anh là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm”.

Theo báo Tuổi Trẻ, bí thư trẻ tuổi này từng học và lấy bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh của trường Humber College, Canada, từ năm 1995 tới 1998, rồi sau đó từ tháng 3/2001 đến 9/2002, ông học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh rồi từ tháng 3/2005 đến 12/2006, ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại trường của Mỹ là Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], trường chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận bằng.

Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập đồng chủ tịch California Southern University.
Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập đồng chủ tịch California Southern University.

Ông Hecht xác nhận với VOA Việt Ngữ về chuyện bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh:

“Chúng tôi có thể khẳng định rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh học tại SCUPS và nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006. Bằng của ông ấy và của các sinh viên Việt Nam khác đã được chứng thực bởi cơ quan chức năng của California và Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco. Ông ấy học một khóa liên kết giữa SCUPS và Đại học Bách khoa”.

Ph.D thường phải mất 4 hay 5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành vì nó thiên về nghiên cứu; trong khi DBA theo hướng thực hành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về quản lý và kinh doanh, nên một người có kinh nghiệm có thể hoàn thành sớm hơn.
Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Về bằng DBA do trường này cấp, đang gây tranh cãi ở Việt Nam, ông Hecht nói rằng mất “3 năm” và “dưới 30 nghìn đôla” để hoàn tất và lấy được bằng này. Ông cũng nói thêm rằng “không nên nhầm lẫn giữa DBA và Ph.D [bằng tiếng sĩ được nhiều trường cấp]”.

Ông nói tiếp: “Ph.D thường phải mất 4 hay 5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành vì nó thiên về nghiên cứu; trong khi DBA theo hướng thực hành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về quản lý và kinh doanh, nên một người có kinh nghiệm có thể hoàn thành sớm hơn”.

Tiến sĩ Hecht cho biết rằng tới nay, các chương trình của CSU “100% học trên mạng”. “Tuy nhiên, đối với các chương trình quốc tế, chúng tôi còn hướng dẫn trong lớp cho sinh viên. Chúng tôi cử các giáo sư Mỹ sang Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia hướng dẫn cho sinh viên”, ông nói thêm.

Ông Nguyễn Xuân Anh (trái), ông Huỳnh Đức Thơ (giữa) và nguyên bí thư Đà Nẵng Trần Thọ (phải) tại kỳ họp HĐND (Ảnh chụp từ báo Người Lao động)
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái), ông Huỳnh Đức Thơ (giữa) và nguyên bí thư Đà Nẵng Trần Thọ (phải) tại kỳ họp HĐND (Ảnh chụp từ báo Người Lao động)

Khi được VOA Việt Ngữ hỏi rằng trường có được các cơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chất lượng trong giai đoạn 2002 – 2007, tức thời gian ông Anh nhận bằng, ông Hecht nói rằng “trường chúng tôi được thành lập năm 1978 và trường với tên gọi khi ấy là Southern California University for Professional Studies (SCUPS)” và đã “được thông qua cho phép cấp bằng bởi California Bureau for Private Postsecondary Education (BPPE)”, một cơ quan đảm trách việc giám sát các trường đại học và cao đẳng tư ở California, theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt.

Theo tìm hiểu thông tin trên trang web của BPPE, cơ quan này “chịu trách nhiệm chung về việc bảo vệ người tiêu dùng và các sinh viên trước nguy cơ lừa đảo”. Tin cho hay rằng những cơ quan giáo dục được cơ quan này công nhận vẫn cần được công nhận về năng lực và tín nhiệm bởi các cơ quan cấp quốc gia và cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

SCUPS cũng được Bộ Giáo dục Việt Nam chấp thuận cấp bằng ở Việt Nam với chữ ký của hai thứ trưởng khi chúng tôi liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình được chấp thuận này đã giúp hàng trăm người học thuộc nhóm chức quyền ở Việt Nam thời đó đạt mục tiêu học vấn là có được giáo dục kiểu Mỹ hợp lệ.
Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Ông Hecht nói tiếp: “Năm 2010, trường được Ủy ban Cấp chứng nhận Giáo dục Từ xa (DEAC), một cơ quan cấp giấy chứng nhận cấp quốc gia công nhận và chính thức đổi tên từ SCUPS sang California Southern University để phân biệt giữa giai đoạn không được thừa nhận trước đó và tình trạng được công nhận chất lượng hiện thời”. Ông nói thêm rằng năm 2015 trường cũng đã được công nhận chất lượng bởi WASC, một tổ chức cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

“SCUPS đã cung cấp các chương trình học từ xa ở Việt Nam, Trung Quốc và châu Á những năm 90. Vào thời gian đó, trường không được cấp chứng chỉ chất lượng nhưng được thông qua bởi BPPE”, Chủ tịch Hecht nói.

“SCUPS cũng được Bộ Giáo dục [và Đào tạo] Việt Nam chấp thuận cấp bằng ở Việt Nam với chữ ký của hai thứ trưởng khi chúng tôi liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình được chấp thuận này đã giúp hàng trăm người học thuộc nhóm chức quyền ở Việt Nam thời đó đạt mục tiêu học vấn là có được giáo dục kiểu Mỹ hợp lệ. Chúng tôi tin rằng chúng tôi nằm trong số các trường đầu tiên của Mỹ được cho phép liên kết với một trường hàng đầu tại Việt Nam”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác nhận thông tin này.

Trang chủ của trường CSU cho biết trường này thành lập năm 1978.
Trang chủ của trường CSU cho biết trường này thành lập năm 1978.

Ông Hecht nói tiếp: “Trong khi chúng tôi đã được chấp nhận ở hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, vốn có cùng một hệ thống chính trị tương tự như Việt Nam, chúng tôi tin rằng thật là không công bằng khi một số chương trình và trường quốc tế không được cấp chứng nhận chất lượng hay không được công nhận ở cấp vùng [tại Mỹ] lại được chấp nhận ở Việt Nam, trong khi California Southern University thì không”.

VOA Việt Ngữ cũng đã liên hệ với trường cao đẳng cộng đồng Humber College, Canada, nơi ông Nguyễn Xuân Anh được cho là học cử nhân Quản trị Kinh doanh, nhưng không nhận được hồi đáp.

Tìm hiểu trên trang web của trường về khóa quản trị kinh doanh, VOA tiếng Việt thấy có một khóa cấp chứng chỉ, không cấp bằng cử nhân.

Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận.

Ngoài việc đưa tin về những sai phạm khác liên quan tới ông Anh, như “sử dụng chiếc ô tô do doanh nghiệp tặng” hay “sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp”, báo chí trong nước “xoáy” nhiều vào chuyện bằng cấp, vốn từng nhiều lần gây “sóng gió” cho một số quan chức cao cấp khác trong đảng.

VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với ông Nguyễn Xuân Anh để hỏi ông những thông tin liên quan.

Viết trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết: “Chuyện bằng cấp, chuyện quản lý đô thị và đất đai, chuyện sắp xếp nhân sự, chuyện nguyên tắc đảng đều không phải là tình tiết chính trong câu chuyện chính trường đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó cũng chẳng phải là lý do để Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, bởi những sai phạm được liệt kê thật bình thường, và có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào”.

Cư dân Đà Nẵng này bình luận tiếp: “Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, Trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính…”

Vụ bằng cấp giả của bí thư thành ủy Đà Nẵng: Đại học Mỹ lên tiếng
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:09 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG