Tương lai của ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật thực thi chiến dịch chống tham nhũng gắt gao của Trung Quốc, người thường được xem là nhân vật quyền lực thứ hai của nước này, đang trở thành một trong những chủ đề được dư luận quan tâm trong lúc Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần. Hiện đang có những tin tức trái ngược nhau về tương lai của ông Vương.
Theo quy luật bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “7 vào, 8 ra” (67 tuổi ở lại, 68 tuổi về hưu) thì ông Vương, 68 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và là thành viên xếp hàng thứ sáu của Thường vụ Bộ Chính trị, đã quá tuổi để có thể ở lại Thường vụ Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, không có ai ở Trung Quốc có thể vượt qua quy định này.
Tuy nhiên, vai trò tối quan trọng của ông Vương Kỳ Sơn trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến nhiều người đồn đoán rằng ông Tập sẽ tận dụng ảnh hưởng của ông trong Đảng để vận động giữ ông Vương ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, kinh nghiệm về kinh tế của ông Vương – ông Vương là một nhà kinh tế được các nước phương Tây kính trọng và từng là phó thủ tướng trước khi chuyển sang làm kỷ luật Đảng – có thể giúp ông được Đảng giữ lại để giao nhiệm vụ về kinh tế.
Không những thế, việc ông Vương đi hay ở còn có quan hệ mật thiết với tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình. Mặc dù là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, nhưng ông Tập cũng bị ràng buộc bởi quy định “7 vào, 8 ra”. Nếu như ông Tập có thể phá vỡ quy định về tuổi tác để giữ ông Vương ở lại lần này, thì bản thân ông Tập cũng có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2022, cho đến chừng nào mà ông muốn.
Sau khi hội nghị không chính thức quy tụ các lãnh đạo và nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà kết thúc, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hồi cuối tháng 8 đã dẫn ‘một nguồn tin có liên quan’ cho biết các lãnh đạo Đảng đã quyết định để cho ông Vương về hưu.
Ngoài ra nhật báo Nhật này cũng dẫn ‘một nguồn tin nội bộ Đảng và có liên hệ với chính quyền và các nguồn tin ngoại giao’ cho biết hội nghị Bắc Đới Hà đã quyết định những ai được vào Thường vụ Bộ Chính trị mới – cơ quan lãnh đạo tối cao của Trung Quốc sẽ được bầu tại Đại hội 19.
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ở lại một nhiệm kỳ nữa, năm thành viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị đã đến tuổi về hưu và cần được thay thế.
Cũng theo danh sách mà tờ báo này có được, thì danh sách các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới sẽ gồm Hồ Xuân Hoa, Bí thư Quảng Đông và là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ, Trần Mẫn Nhĩ, người thân cận với ông Tập Cận Bình vừa được cất nhắc làm Bí thư Trùng Khánh, phó Thủ tướng Uông Dương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư, trợ lý thân cận của ông Tập, và Hàn Chính, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Theo đó, Uông Dương sẽ được phân công làm Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội), Hàn Chính sẽ được điều về phụ trách Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (tức Chính hiệp), Hồ Xuân Hoa làm phó Chủ tịch nước, Lật Chiến Thư làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ làm trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Theo danh sách này thì cơ cấu của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ là 4/3 nghiêng về ông Tập (Trần Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư, Hàn Chính và ông Tập) còn ba người còn lại (Lý Khắc Cường, Hồ Xuân Hoa và Uông Dương) đều thuộc Đoàn phái, tức đi lên từ Đoàn Thanh niên cộng sản, của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Nếu danh sách của tờ Yomiuri Shimbun đưa ra là chính xác thì ông Hồ Xuân Hoa, 54 tuổi, và Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, sẽ trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc sau khi các ông Tập và ông Lý về hưu. Ông Hồ Xuân Hoa đã được quy hoạch từ lâu còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ vượt hai cấp từ Trung ương nhảy thẳng vào Thường vụ Bộ Chính trị mà không thông qua Bộ Chính trị. Đây là việc rất hiếm khi xảy ra.
Như vậy thì danh sách này, theo Yomiuri Shimbun đã được sự thỏa thuận giữa các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, không có tên ông Vương Kỳ Sơn. Tuy nhiên, rất khó kiểm chứng thông tin này do tính chất khép kín của chính trị Trung Quốc. Cho đến nay thì ngoài tờ báo của Nhật này ra chưa có nguồn nào đưa ra danh sách tương tự.
Tuy nhiên, việc ông Vương Kỳ Sơn, người ít khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông đảm nhiệm công tác chống tham nhũng, mới đây có những cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Steve Bannon, người từng là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ở Bắc Kinh để bàn về kinh tế đã làm dấy lên những đồn đoán rằng ông sẽ ở lại trong Thường vụ Bộ Chính trị, và sẽ được giao nhiệm vụ về kinh tế, thậm chí sẽ thay ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng Quốc vụ viện.
Mới đây nhất, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm 4/10 đã dẫn lời một số nhà phân tích dự đoán khả năng ông Vương ở lại hay ra đi.
Giáo sư Andrew Nathan thuộc Đại học Columbia ở New York thì cho rằng số phận của ông Vương hiện đang nằm trong tay ông Tập.
“Ông Tập dường như có đủ uy quyền trong tay để thay đổi luật lệ nếu muốn,” GS Nathan phân tích, “Theo như những gì tôi biết thì ông Tập vẫn tiếp tục tin tưởng ông Vương trong chiến dịch chống tham nhũng và điều đó khiến ông Vương trở thành một nhân tố quan trọng trong cơ sở quyền lực của ông Tập. Do đó tôi nghĩ rằng Tập muốn Vương tiếp tục tại vị.”
Còn Giáo sư Trang Đức Thủy ở Đại học Bắc Kinh thì cho rằng Vương Kỳ Sơn nghỉ hưu khi đến tuổi mới hợp lý hơn về chính trị.
“Xem toàn bộ cuộc chiến chống tham nhũng là công việc của một người là không công bằng,” giáo sư Trang được dẫn lời nói, “Chiến dịch sẽ vẫn tiếp diễn dù có còn ông Vương hay không – chỉ là nó không diễn tiến nhanh được như khi ông Vương cầm trịch thôi.”
“Cho dù ông Vương có năng lực như thế nào đi nữa thì một ngày nào đó ông ấy cũng phải về hưu. Chúng ta phải tôn trọng quy luật của tự nhiên. Mao Trạch Đông là người tài nhưng nếu ông ấy chịu từ bỏ quyền lực sớm hơn thì ông ấy có thể đã gây ra ít sai lầm hơn,” ông nói thêm.
Giáo sư Trần Đạo Anh thuộc Đại học Thượng Hải nhận định rằng việc ông Vương tiếp tục ở lại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công việc chống tham nhũng vì ông Vương từng nói chống tham nhũng ‘phải trị triệu chứng trước rồi mới từ từ trị dứt bệnh sau’.
Tuy nhiên, giáo sư Trần cũng cho rằng việc ông Vương ở lại cũng có những tác động tiêu cực.
“Chiến dịch chống tham nhũng đã leo thang trở thành chiến dịch bảo vệ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và nó đã lan đến mọi ngõ ngách của đời sống,” ông Trần nói. “Cho dù ông Vương có cố ý hay không thì cách làm của ông đã tạo ra một bầu không khí đàn áp trên khắp đất nước.”
Bên cạnh việc thanh trừng các quan chức tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới thời ông Vương còn tìm cách củng cố sự ủng hộ của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Hai năm trước, cơ quan này còn thậm chí cấm các đảng viên có ‘bình luận vô trách nhiệm’ về lãnh đạo Đảng, ngay cả những bình luận riêng tư.
Ba năm trước, sau khi một số luật sư đòi hỏi các quan chức bị điều tra tham nhũng phải có người đại diện pháp lý để làm việc với cơ quan kiểm tra, ông Vương đã viết trên Nhân dân Nhật báo là đảng viên có nghĩa là phải tự nguyện từ bỏ các quyền dân sự để đảm bảo lòng trung thành với Đảng.
Khả năng ông Vương thay ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng ít có khả năng xảy ra hơn nhưng lại được cộng đồng trí thức và doanh nghiệp Trung Quốc ủng hộ do những hiểu biết sâu rộng của ông Vương về kinh tế và trước những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng làm việc nhiều lần với ông Vương, mô tả ông là “người rất có năng lực”. Ông Paulson từng nói với tờ Wall Street Journal: “Ông Vương hiểu thị trường. Ông ấy hiểu con người. Ông ấy cũng biết cách giao tiếp.”
Ông Vương Kỳ Sơn còn được xem là người chuyên xử lý các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người xem ông là ứng cử viên lý tưởng để giải quyết các vấn đề từ tăng trưởng giảm sút, năng suất công nghiệp dư thừa và các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ cho đến sự chống đối cải cách của các nhóm lợi ích.
Trong những năm 1980, ông là người giúp thúc đẩy cuộc cuộc cải cách nền kinh tế nông thôn vốn được các học giả cho là một trong những cuộc cải cách thành công nhất của Trung Quốc, vì đã giúp hàng triệu nông dân thoát khỏi đói nghèo.
Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng vào năm 2008 và đã tận dụng những hiểu biết kinh tế của mình để lãnh đạo một tổ công tác của Quốc vụ viện có nhiệm vụ giúp Trung Quốc tránh bị thiệt hại bởi cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu.
Giáo sư Viên Cương Minh thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thì ông Vương Kỳ Sơn “là người nổi bật với những am hiểu về kinh tế”.
Ông Viên nói ông Vương chịu ảnh hưởng của các học thuyết kinh tế cổ điển củaPreview phương Tây và ông có quan điểm thân thiện với thị trường hơn hầu hết những nhà lãnh đạo khác của Quốc vụ viện, kể cả cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người từng dẫn đầu nỗ lực cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990. Theo ông Viên thì ông Vương là người ở tuyến đầu của công cuộc cải cách và mở cửa theo kinh tế thị trường của Trung Quốc.
“Tôi hy vọng rằng ông Vương sẽ lên làm thủ tướng nhưng tôi cho rằng khả năng không cao lắm,” Giáo sư Viên được dẫn lời nói. “Nếu ông ấy làm thủ tướng thì kinh tế Trung Quốc sẽ không hỗn loạn như vậy.”
Ông Vương còn có biệt danh là “đội trưởng đội cứu hỏa” của Trung Quốc do khả năng của ông trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Hồi năm 2003, khi còn là thị trưởng Bắc Kinh, ông đã điều phối các nỗ lực chống lại dịch SARS vốn làm cho 190 người chết ở Bắc Kinh. Sau đó, ông được giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.
Ông Vương còn được cho là có giao tình thân thiết với ông Tập Cận Bình. Tình bạn giữa hai ông được cho là có từ thời Cách mạng Văn hóa khi cả hai ông đều được đưa về nông thôn để học tập.