Đường dẫn truy cập

Đài Loan lo ngại về bang giao Trung Quốc-Gambia


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay với Ngoại trưởng Gambia Neneh Macdouall-Gaye tại Bắc Kinh, ngày 17/3/2016.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay với Ngoại trưởng Gambia Neneh Macdouall-Gaye tại Bắc Kinh, ngày 17/3/2016.

Gambia, một quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi, mới đây đã loan báo thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc, diễn tiến này làm cho Đài Loan lo ngại về một cuộc chiến mới với Bắc Kinh để duy trì mối bang giao chính thức với một số ít ỏi các nước trên thế giới và phát huy ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Ngày 17 tháng 3 vừa qua, Gambia loan báo thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Việc này gây tức giận cho chính phủ Đài Loan và người mới được bầu vào chức vụ tổng thống. Họ lo ngại là một cuộc hưu chiến không chính thức với Trung Quốc trên đấu trường ngoại giao đã kết thúc.

Tháng 11 năm 2013, Gambia đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan, một trong những nền dân chủ bị cô lập nhất trên thế giới, khiến cho đảo quốc này chỉ còn có quan hệ chính thức với 22 nước.

Trung Quốc có bang giao với hơn 170 nước và luôn tìm cách gây sức ép để các nước này không cho Đài Loan theo đuổi những mối quan hệ quốc tế, kể cả việc gia nhập Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Cộng Sản ở Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc chứ không phải là một quốc gia có quyền thiết lập quan hệ với các nước khác.

Đài Loan dựa vào việc duy trì quan hệ với các đồng minh, hầu hết là những nước nghèo ở Mỹ châu La tinh, vùng Caribe và Nam Thái Bình Dương, để có tiếng nói tại Liên Hiệp Quốc và để chứng tỏ tính chất hợp pháp của chính phủ của họ, có tên chính thức là Trung hoa Dân quốc.

Bà Vương Bội Linh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, cho biết vấn đề Gambia làm cho Đài Loan một lần nữa phải đề cao cảnh giác.

"Đối với việc Gambia quyết định thiết lập quan hệ với Trung Quốc Đại Lục, phía chúng tôi xem đó là một việc đáng tiếc. Bộ ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đối với những hành động gây áp lực của Trung Quốc Đại lục, toàn thể bộ ngoại giao và các văn phòng đại diện ở nước ngoài sẽ tiếp tục đề cao cảnh giác, chú ý theo dõi để bảo vệ quyền lợi quốc gia của chúng tôi một cách hữu hiệu."

Từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008, Đài Bắc và Bắc Kinh đã gạt qua một bên những vụ tranh chấp chính trị, và tạm ngưng cuộc cạnh tranh để giành quan hệ đồng minh với những nước nghèo thông qua việc gia tăng viện trợ phát triển, thường được gọi là ngoại giao kim tiền.

Đài Loan và Trung Quốc cũng đã bắt đầu tiến hành đối thoại và ký kết 23 hiệp định về du lịch, thương mại và đầu tư.

Việc thiết lập quan hệ giữa Gambia với Trung Quốc diễn ra khoảng 2 tháng trước khi ông Mã Anh Cửu chuyển giao quyền hành cho bà Thái Anh Văn, người được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng giêng.

Đảng Dân Tiến do bà Thái Anh Văn lãnh đạo lâu nay vẫn có những mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc và các giới chức Bắc Kinh đã yêu cầu bà tôn trọng những điều kiện của cuộc đối thoại mà giới lãnh đạo hiện thời ở Đài Loan đã chấp nhận. Bà Thái Anh Văn bác bỏ những điều kiện thường được gọi là sự đồng thuận là đôi bên tự xem là một phần của một nước Trung Hoa nhưng có quyền diễn dịch khác nhau.

Tuần trước, Trung Quốc yêu cầu Gambia thừa nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, với chính phủ ở Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất. Sự thừa nhận này buộc Gambia không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Gambia cắt đứt quan hệ với Đài Loan mà không thiết lập ngay quan hệ với Trung Quốc như các nước khác đã làm trước năm 2008. Việc đó được mô tả là một quyết định có tính chất cá nhân của Tổng thống Yahya Jammeh, người lãnh đạo quốc gia có 1,8 triệu dân ở Tây Phi.

Bà Lôi Tình, một nhà phân tích chính trị ở Đài Loan, cho rằng Trung Quốc dùng Gambia như một tín hiệu để báo trước những gì sẽ xảy ra sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào ngày 20 tháng 5.

"Cuộc hưu chiến giờ đây không còn hiệu lực nữa. Chúng tôi không thể nói là nó đã hoàn toàn chấm dứt, nhưng nó không có hiệu lực một cách đầy đủ. Họ đã lựa một nước để bang giao mà không làm giảm đi con số những nước có bang giao với Đài Loan. Điều này cho thấy những gì có thể sẽ xảy ra nếu trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 5 bà Thái Anh Văn không làm rõ vấn đề liên quan tới chính sách “một nước Trung Hoa.”

Bà Lôi cũng cho biết 5 hoặc 6 nước có bang giao với Đài Loan đang xem xét tới việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận một thị trường lớn hơn nhiều so với thị trường Đài Loan.

Việc thiết lập quan hệ giữa Gambia với Trung Quốc diễn ra khoảng 2 tháng trước khi ông Mã Anh Cửu chuyển giao quyền hành cho bà Thái Anh Văn, người được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng giêng.
Việc thiết lập quan hệ giữa Gambia với Trung Quốc diễn ra khoảng 2 tháng trước khi ông Mã Anh Cửu chuyển giao quyền hành cho bà Thái Anh Văn, người được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng giêng.

Ông Từ Vĩnh Minh, giáo sư chính trị học của Đại học Đông Ngô ở Đài Bắc, cho biết bà Thái Anh Văn có phần chắc sẽ dè dặt trong việc đối đầu với Trung Quốc trên trường ngoại giao.

"Bà ấy sẽ không khởi động một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên trường ngoại giao. Thay vào đó, bà ấy sẽ theo dõi phản ứng của người dân và giữ thái độ bình tĩnh. Cho nên phía Trung Quốc sẽ phải phán xét là những hành động như vậy của họ đối với các nước có bang giao với Đài Loan có tạo ra phản tác dụng đối với dân chúng Đài Loan hay không và nó có tác động tiêu cực tới các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan hay không."

Đài Loan cũng có những mối quan hệ mạnh mẽ, tuy không phải là quan hệ ngoại giao chính thức, với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Âu châu – đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG