El Salvador vừa cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang quan hệ với Trung Quốc, góp phần tăng thêm áp lực của Bắc Kinh đòi quốc đảo tự trị này phải chấp nhận là một phần của Trung Hoa đại lục.
Mối quan hệ được thiết lập hôm 21/8 khi Bộ trưởng Ngoại giao El Salvador, Carlos Casteneda, ký kết một hiệp ước với người đồng cấp phía Trung Quốc, Vương Nghị, tại một buổi lễ ở Bắc Kinh. Ông Vương nói người dân El Salvador sẽ hưởng những lợi ích hữu hình từ mối quan hệ song phương mới được thiết lập này.
Chỉ còn lại 17 nước nhỏ và nghèo hiện đang công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Trong bài diễn văn công bố việc chuyển đổi mối quan hệ, Tổng thống El Salvador Sanchez Ceren nói chính phủ của ông tin chắc rằng “đó là một bước đi đúng hướng” phù hợp với “các xu hướng không thể tránh khỏi trong thời đại của chúng ta.”
El Salvador là quốc gia thứ 3 từ bỏ Đài Loan để thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc trong năm nay, theo sau Cộng hòa Dominica và quốc gia Tây Phi Burkina Faso. Chỉ còn lại 17 nước nhỏ và nghèo hiện đang công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Tại một buổi họp báo sáng ngày 21/8, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thề rằng đảo quốc của bà sẽ không chịu khuất phục khi đưa ra phản ứng về việc El Salvador thay đổi quan hệ ngoại giao với nước bà, và nói rằng Đài Loan càng quyết tâm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trước đó trong ngày 21/8, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu lên án chính sách “ngoại giao đô la” của Trung Quốc, ám chỉ các nỗ lực của Bắc Kinh tách Đài Loan ra khỏi cộng đồng quốc tế bằng việc dùng các lợi ích kinh tế để lôi kéo các nước. Ông nói rằng El Salvador trước đó liên tục yêu cầu Đài Loan tài trợ cho một dự án phát triển hải cảng, nhưng Đài Bắc đánh giá dự án đó không bền vững về mặt tài chính.
Đài Loan sẽ không chịu khuất phục và càng quyết tâm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan
Trung Quốc và Đài Loan chia tách vào năm 1949 sau khi các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch bị phe Cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại, phải chạy khỏi đại lục đến đảo Đài Loan. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn cần phải được thống nhất với đại lục – bằng vũ lực, nếu cần thiết.
Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để chia cắt Đài Loan với thế giới kể từ khi bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đảng Dân Tiến theo đường lối dân chủ, lên nhậm chức vào năm 2016 và từ chối chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” đã có từ lâu của Bắc Kinh. Hai quốc gia khác, gồm Sao Tome & Principe và Panama, cũng đã chuyển mối quan hệ của họ sang với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Thái Anh Văn, và Bắc Kinh đã thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan tham gia vào nhiều diễn đàn quốc tế và các tổ chức toàn cầu.
Trung Quốc gần đây cũng đã gây sức ép với nhiều hãng hàng không quốc tế phải hoặc là thay đổi cách viết tên Đài Loan sang “Đài Loan thuộc Trung Quốc” hoặc là xóa bỏ Đài Loan trong các kết quả tìm kiếm điểm đến của họ và thay vào đó dùng tên của thủ đô của quốc đảo này.