Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Đài Loan, các chính khách tại đảo quốc này đang nghiên cứu những phương cách mới để tiếp cận đối thủ Trung Quốc, nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc đã kéo dài suốt 15 tháng nay, tác động tới nền ngoại giao cũng như nền kinh tế của Đài Loan.
Những cách để tiếp cận Trung Quốc
Những ý kiến như trao đổi học giả và một danh sách những điều không nên làm, được cả hai bên đồng ý, có thể được đưa ra thảo luận sau khi Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm Chủ nhật 24/9 kêu gọi đảng Dân Tiến đương quyền hãy tìm một phương pháp mới để tương tác với Trung Quốc.
Nhà lập pháp của đảng này, ông Lo Chih-cheng nói: “Quan điểm của cá nhân tôi là chúng ta nên soạn ra một danh sách những điều không nên làm.”
Ông đơn cử việc cạnh tranh (với Trung Quốc) để giành các đồng minh ngoại giao là điều nên tránh.
“Nói cách khác, có những điều mà cả hai bên nên tự chế, tránh làm để đừng gây bất ổn và phá vỡ nguyên trạng.”
Trong Đảng Dân Tiến có rất nhiều người ủng hộ mối quan hệ xa cách hơn giữa Đài Loan và Trung Quốc. Đảng này đang đứng trước thách thức là phải tìm những phương cách mới được Trung Quốc chấp nhận.
Quan hệ lạnh nhạt dưới quyền TT Thái Anh Văn
Trung Quốc hủy đàm phán một tháng sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào tháng Năm, 2016. Lý do là bởi vì bà Thái bác bỏ điều kiện tiên quyết của Trung Quốc để đối thoại, là mỗi bên trước tiên phải tự coi mình là một phần thuộc “Một Nước Trung Quốc.”
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, một đảo tự trị theo thể chế dân chủ, và nhấn mạnh hai bên rốt cuộc phải đi đến thống nhất, bất chấp các cuộc thăm dò cho thấy đa số cư dân Đài Loan chống, và không chấp nhận “số phận”.
Giới phân tích nói từ đó, Hoa lục, vốn hùng mạnh hơn về cả quân sự lẫn kinh tế, đã tỏ thái độ mất kiên nhẫn với Đài Loan bằng cách hạn chế du khách Trung Quốc tới Đài Loan, đưa tàu sân bay đi quanh đảo Đài Loan, và thuyết phục thêm hai nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang giao du với Bắc Kinh.
Ông Alexander Huang, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói:
“Vấn đề vì sao Đài Bắc và Bắc Kinh không thể kết nối với nhau là vì Bắc Kinh muốn trước hết, Đài Loan phải trấn an Bắc Kinh trước khi hai bên tương tác”.
Giáo sư Huang nhận định:
“Khung sườn mới cho quan hệ song phương không thể được xác định hoặc định trước bởi một bên. Thế cho nên cả hai nên ngồi xuống và đề ra một khung sườn mới để cùng nhau xác định lại một mối quan hệ mới.”
Tìm những phương thức sáng tạo
Các học già tin rằng trong phần lớn năm qua, bà Thái Anh Văn đã ráo riết chuẩn bị một đề xuất mới cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhiều người ở Đài Loan, dù không muốn thống nhất với nước cộng sản Trung Quốc, nhưng muốn Đài Loan có quan hệ gần gũi hơn với nền kinh tế khổng lồ trị giá 11,2 nghìn tỉ đôla này.
Hôm Chủ nhật 24/9, Tổng thống Thái Anh Văn nói trước Đại hội Đảng Dân Tiến lần thứ 17, rằng nên tránh ghét bỏ Trung Quốc hoặc ngược lại, “làm hài lòng Trung Quốc một cách mù quáng.”
Ông Lo Chih-cheng, một nhà lập pháp của đảng đương quyền, nói Tổng Thống Thái Anh Văn muốn tiến dần tới chỗ chấp nhận một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông Lo nói:
“Chúng ta phải làm điều đó một cách thực tế. Để chuyển sang hướng đó, chính phủ phải duy trì các quan hệ thương mại và du lịch.”
Trung Quốc và Đài Loan đã nằm dưới quyền cai trị của hai chính quyền riêng rẽ từ khi Quốc Dân Đảng do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất thế vào tay đảng cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến của những năm 1940, phải chạy sang Đài Loan, hòn đảo chỉ cách đó 160 km, để lập chính phủ. Từ đó hai bên hiếm khi đối thoại với nhau. Trung Quốc đã đe dọa sẽ dùng vũ lực quân sự, nếu cần, để thống nhất hai bên.
Quan hệ thân thiện hơn dưới thời Mã Anh Cửu
Hai bên liên lạc thường xuyên dưới thời cựu Tổng Thống Mã Anh Cửu, người đứng đầu Quốc Dân Đảng Đài Loan, vốn có lập trường thân thiện hơn với Trung Quốc. Chính quyền của ông Mã chấp nhận điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh, là chỉ có “Một nước Trung Quốc” trước khi mở đối thoại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông từ 2008-2016. Hai bên đã ký hơn 20 thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư.
Các chuyên gia ở Đài Loan cho biết trong số các ý kiến được đề nghị lên đảng đương quyền bây giờ, có chương trình trao đổi học giả không chính thức, được chính quyền hai bên hậu thuẫn để tìm hiểu những lợi ích cốt lõi của mỗi bên.
Ông Lin Chong-pin, một giáo sư về hưu từng nắm chức Phó Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, cho biết giới học giả đang thăm dò để đề ra các ý kiến của chính họ về những cách mới mà hai bên có thể tương tác.
Ông Lin nói:
“Những gì sẽ giúp ích không phải là những tuyên bố công khai, mà là những hành động kín đáo, đó mới chính là chiếc chìa khóa mở được những cánh cửa. Các học giả, có thể là các đặc sứ không lộ mặt, đại loại như vậy.”
Khác biệt đáng kể giữa hai bên
Nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Mới, ông Hsu Yung-Ming, cảnh giác rằng bất cứ tương tác nào giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng nên tính tới “cái hố ngăn cách” đáng kể giữa hai bên.
Ông Hsu đơn cử vụ Trung Quốc truy tố nhà hoạt động Đài Loan Lý Minh Triết (Lee Ming Che), bị kết tội âm mưu lật đổ chế độ ở Bắc Kinh vì đã dùng truyền thông xã hội để thảo luận về đề tài dân chủ với các công dân Trung Quốc. Ở Đài Loan, trường hợp này đơn giản được coi là thực thi quyền tự do ngôn luận.
Ông Hsu nói:
“Những tuyên bố về việc tiếp cận với Trung Quốc có thể được coi như chỉ là những lời tuyên truyền sáo rỗng, trong bối cảnh vụ Lý Minh Triết. Nếu đưa vào hành động, có một khoảng cách biệt đáng kể giữa hai bên. Khoảng cách về giá trị là vấn đề lớn nhất.”
Kiên nhẫn
Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn không đưa ra một thời biểu nào để đề ra một phương pháp tiếp cận mới với Trung Quốc, theo người phát ngôn Đảng Dân Tiến Wang Min-sheng. Ông nói ông không biết có ý kiến nào được đưa ra từ hôm Chủ nhật hay không.
Ông Wang nói không có ai bị bắt buộc, nhưng những người có ý kiến sẽ có một kênh liên lạc để tự do nêu lên các ý kiến của mình.
Trung Quốc muốn được coi là bên đi đầu để loan báo một khung sườn mới cho quan hệ hai bên, vì Trung Quốc là nước lớn.
Nhưng ông Lo, nhà lập pháp của đảng Dân Tiến, dự đoán Đài Loan sẽ đề ra các ý kiến hay hơn. Ông nói:
“Trung Quốc cứng ngắc, không linh động, chúng ta ở Đài Loan có nhiều sáng kiến hơn, có tính sáng tạo hơn. Nhưng vấn đề chính bây giờ là sự thiếu tin tưởng giữa đôi bên.”