Hoa Kỳ và 5 cường quốc thế giới khác đã tiến tới một thoả thuận với Iran để hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran, nhưng chưa có được thoả thuận chung cuộc.
Các nhà ngoại giao họp ở thành phố Lausanne của Thuỵ Sĩ ngày hôm nay cho biết Tehran tỏ ý cho thấy họ sẵn sàng giảm số máy ly tâm dưới mức 6.000 máy và chở hầu hết số uranium tinh chế của họ sang Nga để tồn trữ.
Để đổi lại, các nước thương thuyết với Iran - Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức, đang xem xét tới việc để cho Iran thực hiện những vụ thử nghiệm hạt nhân có giới hạn và được giám sát chặt chẽ cho mục đích nghiên cứu y khoa tại một cơ sở ngầm dưới đất có tên Fordow.
Tuy nhiên, các giới chức theo dõi hội nghị cho biết một số vấn đề gây tranh luận vẫn còn đang được bàn luận trong lúc Iran và 6 cường quốc thế giới tìm cách đạt được hiệp định khung trước thời hạn chót là thứ ba tới đây.
Trong lúc thời hạn chót sắp tới, ông Kerry đã huỷ bỏ kế hoạch trở về Washington ngày hôm nay để tham dự một sự kiện mà ông muốn tới dự.
Cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại Lausanne bước vào thời điểm quan trọng giữa lúc cả đôi bên đều nói rằng mọi việc tuỳ thuộc vào vấn đề bên kia có chịu nhượng bộ hay không.
Trong một tin nhắn Twitter hôm nay, Ngoại trưởng Zarif nói rằng Iran sẵn sàng để có một thoả thuận tốt đẹp và đang chờ các đối tác cũng làm như vậy. Nhưng các giới chức của 6 cường quốc thế giới tham gia cuộc đàm phán nói rằng Iran phải thoả hiệp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm nay nói rằng thoả hiệp sắp đạt được xác nhận sự lo ngại của ông và “thậm chí còn tệ hơn.” Nhà lãnh đạo Israel, người từng hối thúc các cường quốc thế giới đừng thương thuyết với Iran, nói rằng “Trục Iran-Lausanne-Yemen là rất nguy hiểm cho nhân loại và cần phải bị chặn đứng.”
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua nói “Công việc nghiêm túc nhưng khó khăn đang tiếp tục. Chúng tôi dự kiến nhịp độ sẽ tăng mạnh trong lúc chúng tôi đánh giá xem có thể có được đồng thuận hay không.”
Iran và nhóm P5+1, gồm, đối mặt với thời hạn chót là ngày 31 tháng 3 để đạt một hiệp định khung nhằm hạn chế chương trình tinh luyện uranium của Iran để ngăn không cho họ chế bom hạt nhân. Để đổi lại, những chế tài đã gây khốn đốn cho kinh tế Iran sẽ được dỡ bỏ.
Iran muốn các chế tài chấm dứt ngay. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm qua cho biết có những quan tâm về việc làm thế nào để giám sát sự tuân thủ hiệp định của Iran.
Các vị ngoại trưởng của Pháp và Đức hôm qua đã cùng với ông Kerry thảo luận với ông Zarif tại Lausanne.
Các vị ngoại trưởng của Anh, Trung Quốc và Nga sẽ tới nơi trong ngày hôm nay.
Iran phủ nhận cáo giác cho rằng họ muốn phát triển vũ khí hạt nhân và nhất mực nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho các mục tiêu hoà bình.