Đường dẫn truy cập

Đàm phán Mỹ, TQ nêu bật sự hợp tác và chia rẽ


Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại Cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược, 24/6/15
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại Cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược, 24/6/15

Các cuộc đàm phán cấp cao trong tuần này giữa các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc về nhiều vấn đề đã nêu bật mối quan hệ không thoải mái gữa hai nước, bất chấp một nỗ lực ráo riết và mở rộng nhằm xây dựng bang giao.

Trong các cuộc đàm phán, hai nước đã cố gắng xây dựng tiến bộ về những vấn đề từ biến đổi khí hậu cho đến việc bảo vệ các đại dương của thế giới và những mối quan ngại liên tục về giá trị chỉ tệ của Trung Quốc. Nhưng hai bên đã không có cùng quan điểm về nhiều vấn đề gay go hơn, như Biển Đông và những vụ tấn công mạng tái đi tái lại, nhắm vào chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.

Các giới chức từ Tổng thống Obama cho đến Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã nêu bật các mối quan ngại sâu xa của Washington về các vụ tấn công mạng. Các giới chức cũng bàn luận một cách cởi mở về những tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Hoa Nam. Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng bàn về các vấn đề mạng, nhưng cũng hối thúc Hoa Kỳ “hãy dựa vào các sự kiện.” Trung Quốc cũng kêu gọi Hoa Kỳ “vô tư và khách quan về vấn đề Biển Đông.

Kết quả cụ thể

Từ năm 2004, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mở các cuộc đàm phán thường kỳ, cấp cao để thảo luận những vấn đề quan tâm chung, nhưng các chuyên gia phân tích nói các cuộc họp phần lớn không đem lại tiến bộ cụ thể mấy. Thay vì thế, các giới chức nhấn mạnh đến sự cần thiết hai nước phải tiếp tục bàn luận và duy trì điều được coi là một trong những mối bang giao quan trọng nhất thế giới.

Nhưng nếu không có kết quả cụ thể, khó lòng mà xác định được liệu mối bang giao có tốt hơn hay xấu đi. Cuộc họp năm nay mang tính cách lẫn lộn, theo ông William Choong, một giảng viên kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế ở Singapore.

Ông nói mặc dầu Hoa Kỳ tìm cách nêu ra một số câu hỏi nhạy cảm về Biển Đông và vụ tấn công mạng của Trung Quốc, phía Trung Quốc muốn được coi như một cường quốc và được thừa nhận nói rằng họ tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với Washington – thay vì cãi vã tranh chấp.

Ông Choong nói, “Phía Trung Quốc, họ vẫn luôn tìm cách tránh né những vấn đề gây tranh luận nhiều hơn và đó chính là vấn đề với các cuộc đàm phán Đối thoại Kinh tế và Sách lược. Ông nói thêm, “Nếu không thể, thứ nhất, nêu ra những vấn đề gay go và thừa nhận các vấn đề đó, và thứ hai, tìm cách bàn luận một hình thức giải quyết có thể có hiệu quả… thì trong một nghĩa nào đó, ta sẽ không tiến được xa hơn bao nhiêu so với điểm hiện thời.”

Ông Choong cho rằng hai bên đã đạt được tiến bộ ít nhất là trong việc mở ngỏ các kênh thông tin liên lạc. Nhưng ngay lúc này, chủ yếu là họ đang “ông nói gà, bà nói vịt.”

Ông nói mối bang giao có thể tiến xa hơn nếu Trung Quốc thực sự giao tiếp với phía Mỹ về các vấn đề gây tranh cãi.

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng có những thách thức riêng. Trong khi ngày càng có những lời kêu gọi phải cứng rắn với Trung Quốc, nhất là về Biển Đông, thì đó chỉ là một mặt của một mối quan hệ liên tục bành trướng mà cuộc Đối thoại Sách lược và Kinh tế nêu bật.

Ông Choong lập luận: “Chính quyền Obama có xung đột, và điều đó cũng đúng, bởi vì bang giao Trung-Mỹ không còn là một mối bang giao chỉ về việc bố trí lực lượng quân sự ở châu Á Thái Bình Dương. Nó có nhiều mặt hơn và toàn diện hơn thế và cuộc Đối thoại Sách lược và Kinh tế thực ra chứng minh cho điều đó.

Giảm bớt hay tăng lên

Bất chấp tầm rộng lớn của các lãnh vực hai nước đang tham gia, có sự bất bình và tranh luận ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ về việc có một thái độ khác với Trung Quốc, có lẽ là một thái độ đối đầu hơn.

Chuyên gia phân tích châu Á Alejandro Reyes nói, “Tôi nghĩ điều khó hơn trong giới chính sách Hoa Kỳ đối với bất cứ ai định thúc đẩy sách lược giao tiếp với Trung Quốc, mà đấy là toàn bộ khái niệm về giao tiếp xây dựng, ấy là giao tiếp và mọi sự sẽ đâu vào đấy.”

Ông nói trong khi ông đồng ý rằng có thể đây là lúc duyệt lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, ông không hoàn toàn chắc chắn là đường lối đối đầu mà một số người đang đề nghị là đường lối đúng đắn.

Ông nói, “Tôi nghĩ Trung Quốc phải bị thách thức, chắc chắn trong tất cả các khía cạnh, và Hoa Kỳ cũng nên bị thách thức tương tự. Nhưng những người có thể gợi ý rằng chúng ta đang hướng tới một sự đối đầu hay xung đột không thể tránh khỏi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tôi không cho rằng điều đó là hoàn toàn cần thiết hay hoàn toàn không thể tránh khỏi.”

Trong các cuộc họp, các giới chức của cả hai bên nêu bật những phương cách trong đó hai nước cùng chung quan điểm. Trung Quốc bàn về “100 thứ bà dằn” mà hai nước đồng ý với nhau và Ngoại trưởng John Kerry tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của những quan ngại cho rằng bang giao với Trung Quốc đang sa sút mau chóng.

Ông nói, “Tôi không cho là quý vị thấy một tí nào, ngay cả một tí tẹo thôi, cho thấy con đường xuống dốc này. Tôi nghĩ điều quý vị thấy là mối bang giao đang đi lên với một cách rõ ràng về những thứ mà chúng ta sẽ hợp tác. Ngay cả nếu có bất đồng về cách thức giải quyết một, hai hay ba vấn đề.”

Nhưng lâu nay điều vẫn rõ ràng là các cuộc đàm phán bàn về cả hai thứ.

Hoạt động ngoại giao cấp cao diễn ra tại các cuộc đàm phán thường niên chỉ được công khai thừa nhận như một phản ánh của tầm quan trọng trong việc duy trì quan hệ tốt, cũng như mối rủi ro họ có thể đối đầu nếu bang giao xấu đi.

Trong những năm gần đây, sự giao tiếp đã tăng về nhiều đề tài và ở các cấp bậc cao nhất trong chính phủ. Kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông và Tổng thống Obama đã hội kiến 2 lần và sẽ lại gặp nhau một lần nữa vào tháng 9 khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du đầu tiên của ông ở Washington.

Cách thức Hoa Kỳ giao tiếp với Trung Quốc cũng giống như rất ít các nước khác trên thế giới, theo ông Reyes.

“Mối bang giao Hoa Kỳ - Trung Quốc hiện nay rất giống như một công việc thường ngày đang diễn tiến và điều đó theo tôi chỉ có thể là một điều tốt.”

Ông Reyes nói mặc dầu ông hiểu được sự trông đợi đặt vào các kết quả cụ thể, có nhiều phần chắc là những vấn đề gây tranh cãi sẽ không được giải quyết trong các cuộc đàm phán.

Ông nói, “Bản chất của ngoại giao và bang giao quốc tế không giống như ta có những món hàng có thể giao bất cứ lúc nào, mà là ta cố gắng có được và tìm cách hiểu rõ các lập trường và đi tới.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG