Có quá ít lời chia sẻ và thương tiếc thể hiện trên mạng xã hội, thậm chí ngay cả những dòng comment dưới tin tức ‘Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần’ đăng trên mặt báo nhà nước, để có thể kết luận là ‘trời thủ đô khóc tiễn đưa người’ - như tựa đề một bài viết trên trandaiquang.org - một trang mạng nặc danh đã tồn tại suốt từ thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nay mà vẫn không thấy Nguyễn Phú Trọng có ý kiến gì.
Đa số ý kiến của người dân trên mạng xã hội chỉ là thái độ bàng quan theo cách ‘không có mợ chợ vẫn đông’ và ‘ai thay Quang thì cũng thế’,
Nước mắt hay hể hả?
Ngược hẳn với một số bài viết ca ngợi công lao của Trần Đại Quang từ thời phá án ở Bộ Công an cho đến những thành tích đối ngoại khi trở thành chủ tịch nước, lại có quá nhiều ý kiến chỉ trích và cả lên án Trần Đại Quang về thành tích phong tướng đến mức lạm phát vào thời ông ta còn là bộ trưởng công an, về kết quả điều hành Bộ Công an của ông Quang đã ấn tượng đến mức dẫn đến ít nhất những vụ án ghê gớm như Vũ ‘Nhôm’, ‘công an bảo kê đánh bạc công nghệ cao’… Trần Đại Quang cũng là tác giả của những chiến dịch đàn áp nhân quyền nặng nề từ Bắc chí Nam, bắt bớ người Thượng ở Tây Nguyên, bắt bớ người biểu tình chống Trung Quốc và người bất đồng chính kiến. Trong thời gian làm chủ tịch nước, Trần Đại Quang đã quá hiếm can thiệp mang tính ‘ân xá’ hay ‘đặc xá’ đối với những trường hợp oan khuất trong xã hội, trong khi lại cổ vũ cho các vụ bắt bớ và hành hung đánh đập dã man của công an đối với người dân và giới hoạt động dân chủ nhân quyền, đang tâm bỏ qua hàng trăm cảnh ‘tự chết’ của người dân trong các đồn công an…
Chưa kể việc Trần Đại Quang chính là tác giả của luật An ninh mạng mà bị dư luận xã hội trong nước, cộng đồng mạng cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích nặng nề vì vi phạm quyền con người. Và Trần Đại Quang cũng là nhân tố đã nhét biến dự luật Biểu tình - một văn bản được chính phủ giao cho Bộ Công an biên soạn - vào ngăn kéo suốt từ năm 2011 đến nay…
Ngược hẳn với lối tiếc thương ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ trên mặt báo nhà nước, chỉ thấy một bầu không khí vui mừng không thèm che giấu trên mạng xã hội. Dù nghĩa tử nghĩa tận là truyền thống muôn đời của người Việt, nhưng vẫn đành phải nói thẳng một sự thật: cái chết của ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang’ đã chỉ gom hứng được quá ít nước mắt trong khi số người hể hả nhiều hơn hẳn.
Virus nào?
Một lần nữa trong rất nhiều lần, nhiều trang mạng xã hội đăng lại “Bỉnh chúc vô minh quang tự diệt, trọng ngân bạc phúc sản tất vong” - một câu sấm dược cho là của cổ nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đang dần ứng nghiệm với hiện thực tồn vong của nền chính trị Việt Nam.
‘Virus hiếm và độc hại’ - một cách mô tả của Bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu - Trưởng ban Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương - và giống như cái cách nói đầy mập mờ của chính ông Triệu vào những ngày sát tết nguyên đán năm 2015 về tình trạng ‘tau khỏe mà có chi mô’ của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, thì ông Quang có thể đã bị một loại ‘virus’ nào đó - song không biết là virus y học hay virus thâm chính trị cung bí sử - tấn công bất ngờ đến nỗi phải vong mạng chỉ sau ít tiếng đồng hồ.
Không thể trách cứ dư luận khi nhiều ý kiến hoặc ngờ ngợ hoặc công khai bày tỏ thái độ nghi vấn tập trung về ‘cái chết bất thường của Trần Đại Quang’. Bởi chỉ trước khi chết đúng một ngày, ông Quang còn gửi một bức thư ‘chúc tết trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng’, và ngay trước đó ông ta vẫn còn những hoạt động công tác bình thường như tiếp Tổng thống Indonesia, tiếp Chánh án tòa án hân dân tối cao Trung Quốc, dự cuộc họp của Bộ Chính trị về các đề án trình Hội nghị trung ương 8…
Loại virus nào hiếm và độc hại đến mức đã đánh gục Trần Đại Quang ngay sau tần suất hoạt động hoàn toàn bình thường trên?
Cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào ngày 21 tháng Chín năm 2018 đã khiến ông Quang ‘biến mất’, nhưng không phải là hình ảnh ‘biến mất’ mang tính ẩn dụ và trào phúng như hai lần trước, mà lần này là mất thật, biến mất vĩnh viễn. Vụ việc này xảy ra ngay trước khi diễn ra một hội nghị trung ương của đảng cầm quyền - Hội nghị trung ương 8 sẽ diễn ra vào tháng Mười năm 2018.
“Bỉnh chúc vô minh quang tự diệt”
Trong hai sự kiện ‘biến mất’ trước đây của Trần Đại Quang - được cả giới truyền thông quốc tế chú ý nhưng lại không được hệ thống tuyên giáo và báo đảng Việt Nam công bố, chỉ có lần đầu tiên ông Quang ‘biến mất’ vào năm 2017 là có một chút tin tức. Khi đó, Giáo sư Phạm Gia Khải - một thành viên của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương - nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã “sang Nhật điều trị bệnh”, tuy nhiên “không có thành viên nào của Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương đi theo”.
Nhưng điều kỳ lạ là trong cả hai lần ‘biến mất’ trên, đã không có bất kỳ một xác nhận chính thức nào từ phía các bệnh viện hoặc Bộ Y tế Nhật Bản về việc ông Quang đến các cơ sở y tế của nước này để chữa bệnh. Chính một tờ báo lớn của Nhật là Nikkey đã xác nhận việc ‘Trần Đại Quang không có ở Nhật’ vào thời gian tháng Bảy và tháng Tám năm 2017.
Có lẽ bài báo mang tính khẳng định của Nikkey về hành tung của Trần Đại Quang có thể khả tín đến mức ngay sau đó một số dư luận đã đặt ra dấu hỏi: nếu không ở Nhật thì ông Trần Đại Quang đã ở đâu trong khoảng thời gian từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám năm 2017? Và ở đâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng Tư năm 2018 đến sát Hội nghị trung ương 7 vào đầu tháng Năm? Việc một số nguồn tin trong nước cho biết ‘Trần Đại Quang đi Nhật chữa bệnh’ liệu chỉ là dạng thông tin ngây thơ, không nắm rõ thực chất vấn đề, hay là một thủ đoạn tung thông tin giả để đánh lạc hướng dư luận, nhằm phục vụ cho một ý đồ chính trị nào đó, hoặc cụ thể hơn là một dàn xếp chính trị nào đó?
Nhưng dù là những lần ‘biến mất’ của Trần Đại Quang xảy ra một cách ngẫu nhiên hay theo một ý đồ chính trị, hoặc được giả định như một thuyết âm mưu chính trị, thì điều thú vị rờn rợn là cuối cùng - trong cả hai lần vào năm 2017 và 2018 - ông Quang vẫn ‘tái xuất giang hồ’ mà không ‘đi luôn’ như một số đồn đoán trước đó.
Vào cuối tháng Tám năm 2017, sau khoảng một tháng ‘biến mất’, Trần Đại Quang đã xuất hiện trở lại với gương mặt xanh xao và hốc hác khiến dư luận một lần nữa, kể từ sau vụ scandal chấn động ‘Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh’ vào giữa năm 2015, người ta nghi rằng hình ảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang đang tái xuất không phải là thật.
Trong những tháng sau đó, người ta không thấy ông Quang xuất hiện nhiều. Rồi có tin là căn bệnh ‘ung thư máu’ của ông tái phát.
Để đến sát Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2017, dư luận một lần nữa ồn ã về sự ‘biến mất’ của Trần Đại Quang, nhưng vào lần này còn tô đậm hơn: ông Quang sẽ phải ‘nghỉ’.
Song tại Hội nghị trung ương 7, Trần Đại Quang vẫn xuất hiện, thậm chí còn ngồi bên cạnh Nguyễn Phú Trọng và là người điều hành phiên hai mạc của hội nghị này.
Như một quy luật đã thành hình vào các năm 2017 vào 2018 - vào năm trước là sự kiện APEC sau Hội nghị trung ương 6, còn vào năm nay là chuyến công du Nhật Bản - được chào đón bằng 21 phát đại bác và được đón tiếp với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia - sau Hội nghị trung ương 7, Trần Đại Quang ‘biến mất’ trước một hội nghị trung ương rồi lại xuất hiện sau hội nghị trung ương đó.
Nhưng nếu lời sấm ‘Bỉnh chúc vô minh quang tự diệt’ như dân gian truyền miệng là có tính linh, Trần Đại Quang đã không thể vượt qua lần thứ ba này - trước Hội nghị trung ương 8, và đã không còn cơ hội để xác lập một quy luật chính trị về phạm trù của cá nhân ông: tái xuất hiện trước một hội nghị trung ương đảng.