Dân biểu Liên bang Mỹ Alan Lowenthal tố cáo Việt Nam lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến, một cáo buộc mà tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cũng đã đưa ra gần đây.
HRW, có trụ sở ở New York, hồi tháng 2 vừa qua đưa ra báo cáo trong đó nói Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch COVID-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hoà của người dân.
Dân biểu Lowenthal, người thường cổ vũ cho dân chủ ở Việt Nam, cho biết trong một thông báo gửi ra hôm 5/4 qua email rằng ông đã gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vào tuần trước để thảo luận về tình trạng hiện tại của nhân quyền ở Việt Nam.
“Không may thay, Việt Nam đã lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường trấn áp các nhà hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến nhằm siết chặt quyền lực của họ,” dân biểu đại diện tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở Mỹ, tại Quốc hội Hoa Kỳ nói.
Theo báo cáo của HRW công bố hôm 11/2, nhà chức trách Việt Nam đã “triệu tập 650 người dùng Facebook từ tháng 1 đến tháng 3 trong năm 2020 để thẩm vấn họ về việc đăng tải các thông tin sai lệch về đại dịch, buộc tất cả họ phải xoá bỏ những đăng tải này, và đưa ra mức phạt đối với 160 người.”
Hà Nội đã lên tiếng phản bác báo cáo này mặc dù các giới chức Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái cho biết rằng việc “thụ hưởng quyền con người” ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng vì đại dịch do việc phong toả và giãn cách xã hội.
Báo cáo Nhân quyền 2020 mới được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cuối tháng trước cho thấy Việt Nam có nhiều vấn đề nhân quyền đáng lưu ý, từ những hạn chế nghiêm trọng về tự do biểu đạt và báo chí cho đến những việc bắt giữ tuỳ tiện và kết tội những người bất đồng chính kiến chỉ trích chính phủ.
“Chế độ Cộng sản Việt Nam không những tăng cường việc bắt giữ các nhà hoạt động mà còn tuyên các bản án cực kỳ khắc nghiệt và dài hạn đối với các tù nhân lương tâm,” dân biểu Lowenthal, đại diện hạt 47 trong đó gồm Quận Cam nơi có đông đảo người Việt sinh sống, nói. “Đây là điều mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ.”
Dù Việt Nam được quốc tế ca ngợi là thành công trong khống chế đại dịch COVID-19 nhưng các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc chính phủ Hà Nội trong năm qua tăng cường đàn áp những tiếng nói chỉ trích trích phủ, đặc biệt trước thềm đại hội Đảng 13 vừa diễn ra vào đầu năm nay. Các nhà báo như Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh bị bắt vào cuối năm ngoái, trong khi các thành viên của Hội nhà báo Độc lập, trong đó có blogger của VOA Phạm Chí Dũng, bị đưa ra xét xử đầu năm nay với các bản án cao nhất là 15 năm tù. Trong những tuần qua, một số nhà báo và các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập cũng đã bị chính quyền bắt giữ.
Theo tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International cho biết trong báo cáo đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm. Tuy nhiên Hà Nội luôn nói rằng không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam và không có ai bị bỏ tù ở đây vì bày tỏ chính kiến.
“Mặc dù chính phủ Việt Nam hiểu rõ quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ liên quan đến nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đối đầu với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ cũng phải hiểu rằng điều này không được làm chùn bước các yêu cầu của chúng ta về cải thiện nhân quyền và pháp quyền ở Việt Nam,” dân biểu Lowenthal, người nhận bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Hoá hiện đang thụ án tù ở Việt Nam, nói và cho biết ông là người ủng hộ mạnh mẽ cho nhân quyền và tù nhân lương tâm ở Việt Nam trong gần một thập kỷ qua.
“Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng trước Quốc hội cho các cử tri người Mỹ gốc Việt của mình bằng cách bày tỏ mối quan ngại của tôi với Chính quyền Biden,” dân biểu Lowenthal nói.
Nhân quyền được đặt là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden và theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết vào tháng trước rằng Mỹ và Việt Nam hầu như có lợi ích song trùng về an ninh và ổn định khu vực nhưng nhân quyền là một vấn đề còn căng thẳng giữa hai quốc gia cựu thù.