Đường dẫn truy cập

Dân Campuchia kêu gọi điều tra về Hồ Sơ Panama


Nhiều lãnh đạo thế giới có tên trong 'hồ sơ Panama'.
Nhiều lãnh đạo thế giới có tên trong 'hồ sơ Panama'.

Các tổ chức xã hội dân sự và các chuyên gia chống tham nhũng đã lên tiếng hối thúc chính phủ Campuchia mở cuộc điều tra về vấn đề tại sao Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana có tên trong tài liệu được gọi là Hồ Sơ Panama. Thông tín viên Neou Vannarin của đài VOA tường thuật từ Phnom Penh.

Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana là người Campuchia duy nhất được nêu tên trong hơn 11 triệu tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca.

Các cơ quan truyền thông và Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ tuần trước đã bắt đầu công bố chi tiết về các tài liệu. Vụ tiết lộ này đã đưa ra ánh sáng những tài khoản ở nước ngoài được các người giàu có trên thế giới che dấu để tránh thuế và tránh bị soi mói về những vụ giao dịch tài chánh của họ.

Theo trang mạng của ICJC, ông Ang Vong Vathana, người đứng đầu ngành tư pháp của Campuchia kể từ năm 2004, trong năm 2007 đã mua các cổ phần trị giá 5.000 đô la của công ty có tên là RCD International Limited, có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Công ty này hiện không còn hoạt động nữa.

Bộ Tư pháp Campuchia nhanh chóng phủ nhận tính chính xác của thông tin này, nhưng các nhà quan sát nói cần có một cuộc điều tra toàn diện để làm dịu những nghi ngờ của công chúng.

Trụ sở Bộ Tư Pháp Campuchia. Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana là người Campuchia duy nhất có tên trong hơn 11 triệu tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca.
Trụ sở Bộ Tư Pháp Campuchia. Bộ trưởng Tư pháp Ang Vong Vathana là người Campuchia duy nhất có tên trong hơn 11 triệu tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca.

Ông Preap Kol, giám đốc của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia nói với Đài VOA ban Khmer hôm thứ Sáu tuần trước là mở cuộc điều tra sẽ chứng tỏ “sự trong sạch” của chính phủ.

Ông Kol nói “Tôi nghĩ là nếu có những tin tức như vậy, thì nên có một cuộc điều tra để xóa bỏ những nghi ngờ đối với một viên chức chính phủ. Việc này có thể là mối quan tâm của những định chế có liên quan như Đơn vị Chống Tham nhũng ACU. Đơn vị này cũng như Đơn vị Tình báo Tài chánh có thẩm quyền vì trường hợp này có liên hệ đến tham nhũng. Hiện nay chúng tôi không thể nói nhiều về việc này. Tuy nhiên đây là những tin tức mà công chúng muốn làm rõ.”

Ông San Chey, thuộc Mạng lưới Trách nhiệm Xã hội Đông Á và Thái Bình Dương nói với ban Khmer Đài VOA là một cuộc điều tra sẽ giúp khôi phục lòng tin đối với chính phủ, miễn là ông Ang vong Vathana “trong sạch.”

Ông Chey nói “Điều cần thiết là những cơ quan thi hành luật pháp như Đơn vị Chống Tham nhũng có những biện pháp điều tra. Ngay cả trong trường hợp không ai khiếu nại, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến giá trị và tiếng tăm của Campuchia trên trường quốc tế vì tài liệu nêu tên một giới chức cao cấp Campuchia là bộ trưởng Tư pháp. Đây không phải là bất cứ bộ nào mà là bộ tư pháp - một bộ đi tìm công lý cho mọi người. Tiếc thay bộ này gặp phải tai tiếng như vậy.”

Chủ tịch Đơn vị Chống Tham nhũng ông Om Yentieng nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo đặc biệt vào thứ Năm tuần trước là các nhân viên của ông đang “làm việc” về vấn đề này nhưng không có nghĩa là sẽ chính thức mở cuộc điều tra.

Ông Om Yentieng nói thêm rằng “Từ điều tra có nhiều ý nghĩa. Có một mẫu tin tức và chúng ta phải nghiên cứu về tính đáng tin cậy của tin này. Và chúng tôi sẽ xem cần phải tiếp cận người nào kế tiếp. Đây là một tiến trình từng bước một.”

Ban Khmer Đài VOA không thể tiếp xúc với bộ trưởng Ang Vong Vathana hay các giới chức Bộ tư pháp để yêu cầu bình luận về tin này.

Tuy nhiên vào ngày thứ Hai tuần trước, một ngày sau khi tài liệu của Panama Papers được tiết lộ, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Campuchia Sorn Sophoan cho biết trong một thông cáo báo chí là tin của ICIJ về ông Vong Vathana là “những tin không đúng làm cho công chúng bối rối và ảnh hưởng đến phẩm giá của ông bộ trưởng.”

Ông San Chey nói phản ứng của bộ tư pháp là chậm chạp và không rõ ràng, so với những chính phủ khác. Một số quốc gia đã mở những cuộc điều tra sâu rộng để tìm xem Hồ Sơ Panama có đưa ra những sai trái thuộc thẩm quyền của các nước này hay không.

Ông nói “Về mặt phản ứng chúng ta cần hiểu rằng phản ứng của chính phủ Campuchia là khá trễ. Ngoài ông Ang Vong Vathana và phát ngôn viên của ông, chỉ có một thông cáo báo chí bác bỏ Hồ Sơ Panama. Tuy nhiên tại Thái Lan, chính phủ nước này đã có những biện pháp ngay tức thì. Có cuộc điều tra về vấn đề này vì có liên hệ đến giới chức cao cấp trong nước.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG