Đường dẫn truy cập

Dân Cuba chật vật với đồng peso mất một nửa giá trên chợ đen


Người dân mua hàng tại một chợ bán rau và hoa quả ở Havana, Cuba. Lạm phát hàng năm ở Cuba ở mức 45% và giá mua các mặt hàng nhập khẩu bằng đô la cũng tăng vọt trong khi đồng peso thì tụt dốc.
Người dân mua hàng tại một chợ bán rau và hoa quả ở Havana, Cuba. Lạm phát hàng năm ở Cuba ở mức 45% và giá mua các mặt hàng nhập khẩu bằng đô la cũng tăng vọt trong khi đồng peso thì tụt dốc.

Đồng peso của Cuba được giao dịch trên thị trường không chính thức ở mức thấp nhất từ trước tới nay là 230 peso đổi một đô la Mỹ hôm 2/8, giảm xuống còn một nửa giá trị so với một năm trước trong lúc người tiêu dùng phải vật lộn với lạm phát, giá cả tăng và hàng hóa khan hiếm, theo dữ liệu từ một hệ thống theo dõi phổ biến.

Nhà nước Cuba coi tỷ giá hối đoái không chính thức, hay giá chợ đen, được hãng tin độc lập El Toque theo dõi sát, là bất hợp pháp, nhưng họ không thể dẹp bỏ nó. Chính phủ nước này chính thức kìm giá đồng nội tệ ở mức 120 peso đổi một đô la, nhưng nhà nước có rất ít đô la dự trữ để trao đổi.

“Sự mất giá của đồng tiền Cuba phản ánh năng suất kinh tế của đảo quốc này giảm dần,” Bert Hoffman, một chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức ở Hamburg, nhận định.

Các nhà kinh tế Cuba cho biết sự lao dốc của đồng peso phản ánh cuộc khủng hoảng kéo dài 4 năm ở quốc gia do Đảng Cộng sản cải trị vì thiếu ngoại tệ có thể chuyển đổi và sản xuất sa sút.

Trong khi các nhà chức trách chủ yếu đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ và đại dịch COVID-19 là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, thì các nhà phê bình chỉ ra tốc độ chậm chạp của cuộc cải cách theo định hướng thị trường.

Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil hồi tháng 5 cho biết không có cách khắc phục nhanh chóng nào cho nền kinh tế của Cuba.

Hầu hết người Cuba được trả lương bằng đồng peso và đồng tiền này suy yếu đã làm giảm sức mua của mức lương vốn đã ít ỏi hiếm khi lên tới 5.000 peso một tháng, tương đương 20 đô la theo tỷ giá hiện tại. Giá mua các mặt hàng nhập khẩu bằng đô la cũng tăng vọt trong khi đồng peso thì tụt dốc.

Đồng tiền mất giá đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác. Người dân phải xếp hàng dài để có thể mua những mặt hàng này.

Các chuyên gia ước tính 40% trong số 11 triệu dân Cuba sống hoàn toàn dựa vào đồng peso và không được tiếp cận với đồng đô la. Những người có thể có được đồng bạc xanh (đô la Mỹ) chủ yếu là từ kiều hối mà người thân gửi về từ nước ngoài hoặc từ việc buôn bán cho khách du lịch.

“Đồng đô la tiếp tục tăng giá,” Sonia Nunez, giáo viên tiểu học ở Havana, nói. “Chúng tôi làm việc sống chết để kiếm được vài đồng để mua một ít bột giặt, một ít sốt cà chua, vì vậy sự tăng giá của đồng đô la là rất đáng kể, là một điều gì đó thật kinh khủng,”

Tỷ giá không chính thức suy yếu tương tự như sự sụt giảm trong giá trị đồng tiền điện tử tương đương của chính phủ, mà người dân phải sử dụng để mua hàng hóa tại các cửa hàng nhà nước, vốn có tương đối nhiều hàng hơn so với các cửa hàng được mua bán bằng đồng peso.

Mặc dù đồng tiền điện tử tương đương do nhà nước phát hành và kiểm soát, nhưng giá trị cuối cùng của chúng trên đường phố được xác định bởi cung và cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Gil cho biết vào cuối tháng trước, tổng sản phẩm quốc nội của Cuba tăng 1,8% trong nửa đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với mức trước đại dịch. Chính phủ nước này đã dự báo tăng trưởng 3% trong năm nay.

Ông Gil cho biết lạm phát hàng năm hiện đang ở mức khoảng 45%. Giá cả đã tăng 39% trong năm ngoái, một con số mà nhiều nhà kinh tế cho rằng không được đánh giá đúng mức vì nó không tính đến một thị trường phi chính thức đang phát triển.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG