Đường dẫn truy cập

Cư dân Ferguson đòi hỏi công lý cho thiếu niên da đen bị bắn chết


Người biểu tình phản đối việc bắn chết Michael Brown tại Ferguson, Missouri, ngày 19/8/2014.
Người biểu tình phản đối việc bắn chết Michael Brown tại Ferguson, Missouri, ngày 19/8/2014.

Thành phố Ferguson ở tiểu bang Missouri của Mỹ tiếp tục chìm ngập trong bạo động, phẫn nộ và bất mãn. Những vụ biểu tình phản kháng bùng ra sau khi một nhân viên cảnh sát người da trắng bắn chết một thiếu niên da đen tay không hôm mồng 9 tháng 8. Từ Ferguson, thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Những vụ bạo động của một số người đã làm lu mờ các cuộc biểu tình ôn hòa của nhiều người ở Ferguson trong lúc thành phố có 20.000 cư dân này tìm cách phục hồi sau nhiều ngày rối loạn, hôi của và đập phá.

Hàng trăm người tình nguyện đã cùng nhau dọn dẹp những khu xóm bị phá phách. Một người đứng trước một tiệm ăn bị đập phá hai lần đã than phiền như sau.

Những người ở đây không dính líu gì tới vụ này. Thế mà cửa tiệm họ lại bị đập phá tan tành như thế này.

Một nơi tưởng niệm tạm đã được lập ra ở gần đó để tưởng niệm Michael Brown, thiếu niên da đen 18 tuổi bị một cảnh sát viên da trắng bắn chết hôm mồng 9 tháng 8.

Đây là một vụ án mạng mà nhiều người tin là đã trở thành biểu tượng của một vấn đề nghiêm trọng và chưa được giải quyết ở nước Mỹ.

Giám mục Edwin Bass, một nhà lãnh đạo tinh thần ở Ferguson, nhận xét như sau.

"Vẫn có có một sự chia rẽ khá lớn giữa nước Mỹ của người da trắng và nước Mỹ của người da đen. Tôi tin rằng nếu chưa có một sự tương tác thật sự thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể giải quyết vấn đề này một cách hoàn toàn."

Giám mục Bass, cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, đã nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, là người đã hứa tiến hành một cuộc điều tra “cặn kẽ, công bằng và độc lập” về vụ án này.

Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ đang mở cuộc điều tra về vi phạm dân quyền liên quan tới vụ án mạng, trong lúc cảnh sát tiểu bang và chính quyền địa phương cũng tiến hành những cuộc điều tra riêng của họ.

Hầu hết cư dân Ferguson, như bà Erma Dupree, lên án những hành động nổi loạn, gây rối, nhưng họ cũng đòi hỏi công lý.

"Đó là những điều mà chúng tôi nhất định phải lấy lại. Đó là sức mạnh và quyền hạn. Chúng tôi không chỉ phản đối các nhân viên cảnh sát mà còn phản đối những nhân vật chính trị. Chúng tôi cảm thấy không có công lý."

Hội Ân xá Quốc tế tố cáo cảnh sát xâm phạm quyền của những người biểu tình ôn hòa. Cảnh sát bác bỏ tố cáo đó.

Đại úy Ronald Johnson, thuộc Lực lượng Cảnh sát tuần tra xa lộ tiểu bang, nói rằng cảnh sát phải bảo vệ những người biểu tình ôn hòa trước một nhóm nhỏ những người gây ra bạo động.

"Chúng tôi trông thấy những thành phần tội phạm núp đằng sau những người tử tế, làm cho những người tử tế gặp phải rủi ro. Những thành phần đó thách đố chúng tôi. Quyền tự do ngôn luận là một trong những thứ vĩ đại nhất mà chúng ta có. Chúng tôi không hề có ý định tước đoạt quyền đó."

Giám mục Bass cho biết cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về cái chết của thiếu niên Brown là vô cùng quan trọng.

"Nếu một quyết định thỏa đáng được thực hiện và được mọi người hiểu rõ, nó sẽ mang lại hòa bình cho cộng đồng này. Nếu cộng đồng cảm thấy không được đối xử một cách công chính, rối loạn sẽ tiếp tục."

Theo dự liệu, một đại bồi thẩm đoàn điều tra vụ án mạng này hôm nay sẽ bắt đầu họp để nghe công tố viên trình bày bằng chứng.

Cảnh sát viên Darren Wilson, người bắn chết thiếu niên Brown, đã bị đình chỉ công tác và đang trốn núp. Gia đình của Michael Brown đang đòi nhà chức trách bắt giam cảnh sát viên này.

Trong một thông điệp thu hình được công bố hôm thứ ba, Thống đốc Missouri, ông Jay Nixon, nói rằng cần phải thực hiện “một cuộc truy tố có tính chất tích cực”. Ông kêu gọi mang lại công lý cho gia đình của Michael Brown.

VOA Express

XS
SM
MD
LG