Các lãnh đạo biểu tình ở Hồng Kông chống đối chính quyền của Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 9/7 cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình, dù cho bà Lam đã tuyên bố rằng nỗ lực sửa đổi dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội đã “chết”, theo AP.
Người biểu tình vẫn kiên trì đòi phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ và phải mở một cuộc điều tra công khai về những chiến thuật mạnh tay mà cảnh sát đã sử dụng chống lại người biểu tình.
Hàng trăm ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình kéo dài cả tháng, bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về sự xói mòn của các quyền dân sự trong vùng đặc khu bán tự trị thuộc Trung Quốc.
“Chúng tôi không thấy chữ ‘chết’ trong bất kỳ luật nào ở Hồng Kông hay trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào trong Hội đồng Lập pháp”, AP dẫn lời các lãnh đạo biểu tình Jimmy Sham và Bonnie Leung nói trong tuyên bố bằng tiếng Anh và tiếng Quảng Đông.
“Vì vậy, làm sao chính phủ có thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi nên tuân thủ nền pháp trị, trong khi bản thân bà Carrie Lam không theo nguyên tắc của một nền pháp trị?”
Các lãnh đạo biểu tình còn nói bà Lam “đạo đức giả” khi tuyên bố rằng bà Lam đã đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, trong khi trên thực tế bà không hề nói chuyện trực tiếp với họ.
“Thay vào đó, bà ấy nên đứng ra và nói chuyện với những người trẻ biểu tình”, AP dẫn lời ông Le Leung nói. “Những người trẻ tuổi đã xuống đường ngay trước cửa nhà bà, bên ngoài các trụ sở chính phủ trong nhiều tuần lễ, để gióng lên tiếng nói để được lắng nghe”.
Ông Leung cho biết thêm rằng thông tin về các hành động sắp tới sẽ được công bố sau.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần trước, bà Lam thừa nhận rằng “có những nghi ngờ không dứt về mức độ thành thực của chính phủ, và những lo lắng liệu chính phủ có tìm cách lại đưa dự luật đó ra để bỏ phiếu hay không”, nhưng bà khẳng định: “Tôi nhắc lại ở đây, không có kế hoạch nào như vậy. Dự luật đã chết”.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho thấy có nhiều lo sợ rằng Hồng Kông đang mất đi các quyền tự do đã được bảo đảm khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Dự luật cho phép các nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Các nhà phê bình lo ngại các nghi phạm sẽ đối mặt với các phiên xét xử không công bằng và chính trị hóa, và những người chống đối Đảng Cộng sản cầm quyền sẽ là mục tiêu bị nhắm tới.
Trong cuộc biểu tình gần đây nhất vào hôm Chủ nhật, hàng chục ngàn người hô vang “Hồng Kông tự do” và một số người mang lá cờ Hong Kong của thời thuộc địa Anh, diễu hành tới một nhà ga đường sắt cao tốc nối liền Hồng Kông với lục địa Trung Quốc. Họ nói họ muốn mang thông điệp phản kháng của mình tới những người ở đại lục, nơi truyền thông nhà nước không hề đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình, mà thay vào đó, tập trung vào các vụ đụng độ với cảnh sát và những thiệt hại về tài sản.
Vào ngày 1/7, kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, một cuộc tuần hành ôn hòa đã thu hút hàng trăm ngàn người nhưng cuộc biểu tình đó đã bị lu mờ trước một cuộc tấn công vào tòa nhà lập pháp của Hong Kong. Vài trăm người biểu tình phá vỡ những tấm kính dày để vào tòa nhà và đập phá trong ba giờ, xịt sơn các khẩu hiệu trên tường, lật đổ đồ đạc và làm hỏng các hệ thống bỏ phiếu điện tử và phòng cháy chữa cháy.
Người biểu tình yêu cầu phải có một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc là cảnh sát sử dụng vũ lực quá tay đối với người biểu tình vào ngày 12/6, khi cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán những đám đông đang chặn những con đường lớn.
Hôm thứ Ba, bà Carrie Lam cho biết các cuộc điều tra sẽ diễn ra dưới quyền Bộ Tư pháp, “theo chứng cứ, pháp luật và thủ tục truy tố”.