Người dân Mỹ đang rộn ràng chuẩn bị theo dõi Super Bowl, trận chung kết giải vô địch bóng bầu dục của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL), với màn đối đầu giữa hai đấu thủ Peyton Manning của đội Denver Broncos và Cam Newton của đội Carolina Panthers, người được NFL bình chọn là cầu thủ đáng giá nhất, trong trận đấu có thể là cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng của Manning.
An ninh được thắt chặt và có thể nhìn thấy rõ xung quanh những địa điểm Super Bowl, từ những khách sạn ở thành phố San Francisco cho tới Sân vận động Levi's ở thành phố Santa Clara, nơi mà trận đấu sẽ khai cuộc bắt đầu từ giữa giờ chiều giờ địa phương (23:30 giờ UTC). Máy bay không người lái bị cấm xung quanh sân vận động và có những hạn chế bay rộng lớn trong khu vực.
San Francisco sẽ không tổ chức trình chiếu quy mô lớn cho công chúng xem ở trung tâm thành phố, không giống như những lần mà thành phố này cho trình chiếu giải vô địch World Series của đội bóng chày San Francisco Giants vào những năm 2010, 2012 và 2014.
Chủ nhật Super Bowl gần như là một ngày lễ quốc gia của Mỹ khi mà người dân khắp cả nước tụ tập với bạn bè và gia đình trong những bữa tiệc tại nhà và quán bar để xem trận đấu, khiến tỉ lệ xem truyền hình tăng vọt.
Trận đấu năm ngoái thu hút 114 triệu người xem tại Mỹ, khiến nó trở thành chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử. Năm chương trình kế tiếp trong danh sách cũng đều là Super Bowl. Theo dịch vụ nghiên cứu Nielsen, 71 phần trăm người xem truyền hình vào lúc diễn ra Super Bowl hồi năm ngoái đều theo dõi trận đấu này.
Những người không phải là fan hâm bộ bóng bầu dục cũng chú ý theo dõi chương trình giải lao giữa giờ bao gồm những màn trình diễn âm nhạc lớn nhất thế giới. Những năm qua có sự tham gia của Paul McCartney, Michael Jackson, U2, Prince và Gloria Estefan. Năm nay, Coldplay, Beyoncé và Bruno Mars sẽ khuấy động sân khấu.
Chương trình truyền hình còn có phần quảng cáo cũng thu hút sự quan tâm lớn của khán giả trước và sau sự kiện này. Đây là cơ hội để những công ty tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn bất kỳ lúc nào khác, và họ chi bộn tiền làm những quảng cáo mà họ hy vọng sẽ được khán giả yêu thích trong đêm Chủ nhật. Chi phí để đưa những quảng cáo đó lên truyền hình cũng tăng vọt tới mức chưa từng thấy từ trước tới nay. Năm nay, các công ty đang chi khoảng 5 triệu đôla cho 30 giây phát sóng.