Các toán dân quân đối lập ở Libya đang bắt đầu tham gia các cuộc thảo luận hòa giải với nhau, không thông qua các chính trị gia trong nước, mà họ e rằng sẽ không có khả năng đem lại một thỏa thuận hòa bình tại các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ nhắm đạt được một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc tranh giành quyền lực tàn bạo kéo dài cả năm giữa các quộc hội kình chống nhau của Libya.
Có những trở ngại nghiêm trọng trước khi đạt được một thỏa thuận, theo lời thú nhận của tất cả các bên, trong khi các cuộc đàm phán nối lại vào ngày hôm nay ở thủ đô Rabat của Maroc.
Các nhà thương nghị từ cả quốc hội do Tripoli điều hành, gọi là Đại hội Toàn quốc GNC và đối thủ được quốc tế thừa nhận ở Tobruk, là Quốc Hội HoR, nói rằng có một thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia mà không thêm gì mấy, kể cả những gì phải làm để giải quyết các viện lập pháp đối nghịch nhau, mà cả hai đều đã thành lập các chính phủ.
Các nhà lập pháp thuộc Quốc hội HoR đã nói với những nhân vật tạo điều kiện hòa bình rằng có thể có được một thỏa thuận nhưng cảnh báo rằng có những thành phần cứng rằn ở cả hai bên chống lại một thỏa hiệp dung hòa. Hôm thứ Bảy, các giới chức của Đại hội Toàn quốc GNC đã chật vật để kiềm chế một toán dân quân vũ trang chống lại tiến trình hòa bình do Liên Hiệp Quốc điều giải xông vào một đài phát thanh địa phương ở thị trấn Zawia miền tây. Cũng như các thị trấn ủng hộ GNC khác, Zawia bị chia rẽ giữa những người muốn có một giải pháp chính trị và những thành phần cứng rắn coi tiến trình là một sự phản bội và lo ngại sẽ nhượng bộ quá nhiều đối thủ ở Tobruk.
Nhưng ít nhất 2 toán dân quân đối nghịch nhau có nhiều thế lực, là các toán của Misrata và Zintan, đang tiến hành các cuộc đàm phán ở hậu trường với nhau, mà động cơ là sự lo ngại các cuộc hòa đàm có thể sụp đổ.
Tham dự các hoạt động chung của dân quân Misrata ở cách thủ đô Libya 3 tiếng đồng hồ lái xe, ông Adbul Mustafa Fortia, một tư lệnh lữ đoàn, nói toán dân quân, mà thị trấn có thể huy động 50 ngàn chiến binh, ủng hộ tiến trình hòa binh. Nhưng ông sợ rằng các phần tử cứng rắn ở Tripoli và Tobruk có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán.
Ông nói: "Có một sự bất đồng giữa chúng tôi và các chính trị gia. Các chính trị gia là những người đầu tiên gây ra vấn đề. Có những nỗ lực của quần chúng đang được xúc tiến để thiết lập các thỏa thuận hòa bình riêng của chúng tôi và dân quân ở đây và ở Zintan đang tham gia đàm phán".
Tuy nhiên tại Tripoli, các thành viên GNC nói họ đang lạc quan một cách dè dặt về các cuộc đàm phán, nhưng nói dân quân là một vấn đề. Ông Ibrahim Sahad thuộc đảng Mặt trận Dân tộc và là một thành viên hàng đầu của GNC nói với đài VOA vào cuối tuần tại Khách sạn Haroon ở Tripoli, một trong những khách sạn lớn hoạt động ở thủ đô kể từ khi các phần tử cực đoan hồi giáo tấn công khách sạn nổi tiếng Corinthia hồi tháng Giêng.
Nhưng ông và ông Mohammed Maazab, một thành viên trong toán thương thuyết 4 người của GNC, thừa nhận rằng có nhiều điểm gai góc và đêm thứ bảy cảnh báo rằng nếu đặc sứ Liên Hiệp Quốc giám sát các cuộc đàm phán, ông Bernardino Leon, nhất mực đòi một thỏa thuận dứt khoát thì sẽ không đi đến một giải pháp nào.
Tuần trước, ông Leon cảnh báo các nhà lãnh đạo Libya rằng đất nước đã đi đến "một thời khắc của sự thật" và nói sẽ đi đến bờ vực trở thành một nhà nước thất bại. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo kình chống nhau hãy mau chóng đoàn kết để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng trở thành một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Các chiến binh của nhóm này, nhiều người từ các nước láng giềng, đã chiếm được thị trấn ven biển, sinh quán của Đại tá Muammar Gaddafi, nhà độc tài bị lật đổ cách đây 4 năm. Tuần trước, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã phục kích một đoàn công voa chở người lậu và bắt giữ 86 người Eritrea theo Cơ đốc giáo ở gần thị trấn Oum Walid.
Nay đang có những mối lo ngại rằng các phần tử hồi giáo cực đoan có thể tàn sát những người Eritrea. Hồi tháng 4, IS đã đăng một video cho thấy cuộc hành quyết 28 người Ethiopia, mặc dầu người ra cho rằng còn nhiều người khác đã bị sát hại. Hồi tháng 2, chiến binh IS đã chặt đầu 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo trên bờ biển gần Sirte.
Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đang thúc đẩy cả các cuộc đàm phán giữa dân quân Misrata và Zintan cũng như cung cấp một động lực muộn màng cho các cuộc hòa đàm nói chung.
Lực lượng GNC, được gọi là Bình minh Libya, và lực lượng của HoR, gọi là Chiến dịch Nhân phẩm, đã đụng độ ít thường xuyên hơn trước vòng hòa đàm lần này. Các vụ xung đột quanh căn cứ không quân ở al-Watiya, phía tây nam Tripoli, đã lắng xuống.
GNC là quốc hội cũ đã ép buộc cơ quan dân cử thay thể mình phải bỏ chạy đến Tobruk hồi năm ngoái sau khi một tòa thượng thẩm phán quyết rằng tiến trình bầu cử có khiếm khuyết. Ít nhất một thẩm phán có liên hệ trong phán quyết của tòa nói với đài VOA rằng ông và các đồng sự đã bị làm áp lực đi đến quyết định của các toán dân quân Bình Minh Libya chủ yếu là Hồi giáo.
Cả hai quốc hội đã tranh giành để hội đủ các điều kiện tối thiểu và không bên nào cho phép phổ biến các phiên họp, cho thấy có bao nhiêu thành viên thực sự hoạt động. Các thành viên GNC nói cơ quan của họ có từ 97 đến 136 nhà lập pháp tham gia, nhưng nhật báo Anh ngữ Libya Herald nói chưa đầy 19 trong só 200 thành viên của cơ quan này còn tham gia.
GNC nắm quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn ở Libya. Quanh Tripoli và nhiều vùng ở miền tây và miền nam, GNC chiếm thế hợp pháp trên thực tế, nhưng hậu thuẫn dành cho Quốc Hội HoR rất mạnh ở miền đông. Thực thi một thỏa thuận có phần chắc sẽ mang tính cách hết sức khó khăn, các khác biệt về khu vực, bộ tộc, thị trấn và chủ thuyết rất phức tạp và sự trung thành và phản đối thay đổi rất nhanh.
Trong các cuộc đàm phán chính trị, một trong những điểm gai góc nhất là quốc hội nào, nếu có, phải được công nhân là có thẩm quyền dân cử trong một giải pháp chính trị. Theo nhà thương thuyết của GNC, ông Mohammed Maazabm, có 3 khả năng: cả GNC lẫn HoR đều có tác dụng là những viện lập pháp thuộc một quốc hội, hoặc họ có thể chọn ra những thành viên từ mỗi bên để thành lập một viện lập pháp độc nhất, hoặc cả hai có thể giải thể và để cho một Hội đồng được thành lập với tư cách thẩm quyền lập pháp trước cuộc bầu cử. Điều còn chưa rõ là hội đồng đó sẽ được thành lập như thế nào.