Tôi viết về chính trị như vậy, một số người cho là nhiều. Nhưng dưới mắt bạn bè và đồng nghiệp người Úc, tôi bị xem là người không mấy quan tâm đến chính trị. Ít nhất là không quan tâm bằng họ.
Mà thật. Hầu như tất cả bạn bè tôi, đám giáo sư trong trường, tuy không ai tham gia bất cứ đảng phái nào, vẫn thường xuyên theo dõi mọi biến động chính trị trong nước. Ngày nào cũng đọc báo, nghe đài, xem tivi. Mỗi khi chính phủ hay phe đối lập đưa ra một chính sách mới, họ đều tìm hiểu cặn kẽ, phân tích kỹ lưỡng và bàn tán sôi nổi. Một số người viết bài bình luận. Số khác, đông hơn, viết ý kiến gửi đăng trên báo chí.
Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên. Nhưng sau, sống và làm việc lâu ở Úc, tôi hiểu ra. Bất cứ chính sách nào của chính phủ cũng đều ít nhiều có ảnh hưởng đến đời sống của ít nhất một thành phần nào đó trong xã hội. Ảnh hưởng một cách rất cụ thể. Đến công ăn việc làm. Đến lương hướng. Đến sinh hoạt. Một ví dụ nhỏ: cách đây trên dưới hai mươi năm, chính phủ Lao Động xem Úc như một phần của châu Á. Ảnh hưởng của cách nhìn ấy hầu như có thể thấy ngay tức khắc. Số tiền tài trợ cho việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Á châu tăng vọt. Các dịch vụ xã hội trợ giúp di dân từ châu Á nở rộ. Sau, Liên Đảng (bao gồm đảng Tự Do và đảng Quốc Gia) lên cầm quyền, chính sách thay đổi: tuy về phương diện địa lý, Úc nằm gần châu Á, nhưng về phương diện lịch sử và văn hoá, Úc vẫn thuộc về Tây phương. Ảnh hưởng của quan điểm ấy cũng thấy rất rõ: số tiền tài trợ cho việc giảng dạy Á châu học bị cắt giảm để đầu tư vào việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Âu châu. Phân khoa nơi tôi dạy, thoạt đầu có tên là Phân khoa Ngôn ngữ và Á châu học, sau, để đáp ứng sự thay đổi trong chính sách quốc gia, đổi thành Phân khoa Quốc tế học. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết người Úc đều quan tâm đến những sự thay đổi trong chính sách của nhà nước. Mỗi lần bầu cử, người ta đều đắn đo cân nhắc các chính sách của từng phe trước khi quyết định. Khi cần, họ sẵn sàng xuống đường vận động người khác ủng hộ cho đảng nào có chính sách họ nghĩ là đúng đắn. Tôi xin nhắc lại: tất cả các bạn tôi, như đã nói, đều không tham gia bất cứ đảng phái nào.
Ở Việt Nam thì khác. Đọc báo thì thấy ngay. Thử lấy ba tờ báo mạng nổi tiếng và được xem là có đông độc giả nhất ở Việt Nam làm ví dụ. Trên tờ vnexpress, chẳng hạn, không có cột nào dành riêng cho chính trị cả. Chỉ có, ngoài Trang chủ, các cột: Xã hội, Thế giới, Kinh doanh, Văn hoá, Thể thao, Pháp luật, Đời sống, Khoa học, Vi tính, Ôtô - xe máy, Bạn đọc viết, Tâm sự, Rao vặt và Cười. Tuyệt đối không có chính trị. Trên tờ Dân Trí cũng thế. Cũng, ngoài cột Trang chủ, có các cột: Tin tức - sự kiện, Thế giới, Thể thao, Giáo dục - khuyến học, Giải trí, Nhịp sống trẻ, Tình yêu giới tính, Sức khoẻ, Sức mạnh số, Kinh doanh, Ô tô xe máy, và Chuyện lạ. Cũng không có chính trị. Trên tờ Vietnamnet thì có: Chính trị chiếm một cột nhỏ, bên trong cột Tin tức, bên cạnh các cột Xã hội, Kinh tế - Thị trường, Văn hoá, Quốc tế, Công nghệ thông tin - Viễn thông, Khoa học, Giáo dục và Muôn màu cuộc sống. Những đề tài được đề cập đến trong cái cột gọi là “Chính trị” ấy, thật ra, chỉ là những bản tin nhí nhách về các cuộc họp, tiếp khách, trao giải thưởng, mừng lễ này lễ nọ. Hết.
Trên báo như thế, ngoài đời sống cũng như thế. Qua những lần về nước trước đây, tôi ghi nhận một điều: Cực kỳ hiếm có người nào thực sự quan tâm đến chính trị. Hầu hết đều tập trung vào vấn đề sinh kế, làm giàu và ăn chơi. Trên các bàn nhậu, thỉnh thoảng người ta cũng bàn về chính trị. Nhưng hãy để ý mà xem: tuy nói về chính trị, nhưng người ta lại rất hiếm khi bàn đến các chính sách. Phần lớn chỉ chửi hoặc chỉ kể chuyện tiếu lâm để xỏ xiên. Rồi cười. Cười rất sảng khoái. Chuyện chính trị, do đó, chỉ được xem như một thứ mồi nhấm để việc uống bia hoặc uống rượu thêm phần sôi nổi. Vậy thôi.
Rất nhiều người công khai thừa nhận việc đó: Họ không quan tâm đến chính trị.
Thái độ không quan tâm đến chính trị ấy có bình thường không?
Câu trả lời: Chắc chắn là không. Tuyệt đối không có chút bình thường nào khi cả mấy chục triệu người quay lưng lại chính trị, để mặc cho một số chính trị gia muốn làm gì thì làm, bất kể hay hay dở. Chính trị gia giỏi thì không nói làm gì. Đằng này, giới lãnh đạo Việt Nam càng ngày càng bộc lộ rất nhiều khuyết điểm, trong đó, hai khuyết điểm nổi bật nhất: thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm. Đất nước giàu mạnh thì không nói làm gì. Đằng này Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo và là một nước yếu. Chỉ cần chút xíu lương tri, ai cũng thấy tình hình Việt Nam hiện nay đầy những khó khăn và thử thách. Về kinh tế. Về xã hội. Về giáo dục. Về đối ngoại. Đứng trước những khó khăn và thử thách chồng chất ấy, sự thờ ơ dửng dưng của đa số quần chúng tuyệt đối không thể được xem là một dấu hiệu lành mạnh. Nếu không muốn nói, ngược lại, là triệu chứng của bệnh hoạn. Thứ bệnh được nhiều người gọi tên là “mackeno”, mặc-kệ-nó.
Biểu hiện của chứng “mackeno” nhan nhản. Đất nước phát triển, người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo ư? Mặc kệ! Giao thông ngày nào cũng tắc nghẽn ư? Mặc kệ! Tham nhũng tràn lan ư? Mặc kệ! Giáo dục càng lúc càng đi xuống ư? Mặc kệ! Nạn bạo động càng ngày càng hoành hành trong học đường ư? Mặc kệ! Môi trường càng ngày càng ô nhiễm ư? Mặc kệ! Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam ư? Mặc kệ! Giới lãnh đạo ngu dốt và độc tài ư? Mặc kệ!
Tại sao một dân tộc vốn thường xuyên tự hào là yêu nước mà một lúc nào đó bỗng dưng đâm ra thờ ơ dửng dưng một cách lạ lùng như thế?
Nguyên nhân có thể nhiều, nhưng theo tôi, ít nhất hai nguyên nhân này là quan trọng nhất:
Một, điều đó nằm trong chính sách của nhà nước. Chắc chắn đó không phải là một lời xuyên tạc hay vu khống. Hầu như ai cũng biết ở Việt Nam hiện nay có một chủ trương bất thành văn rất rõ: Nói cái gì cũng được, trừ chuyện chính trị; làm cái gì cũng được, trừ việc dính líu đến chính trị. Thanh niên sinh viên xuống đường chống việc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc, giới lãnh đạo xua đuổi, bảo: Đó là chuyện của đảng và nhà nước, để đảng và nhà nước lo! Báo chí được phép đăng tải hầu như mọi thứ, trừ chuyện chính trị và những chuyện có ảnh hưởng đến chính trị. Những gì liên quan đến chính trị đều bị xem là “nhạy cảm”, người có quyền thì né; người không có quyền thì bị cấm. Thành ra, ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai hạng người hay bàn đến chính trị: một là những kẻ nịnh bợ; hai là những kẻ bị gọi là phản động. Xuất phát từ thiện chí cũng bị xem là phản động.
Lịch sử dường như đang lặp lại: Trong hai thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam, Pháp cổ suý phong trào vui vẻ trẻ trung khuyến khích thanh niên tham gia vào các trò chơi thể thao và chạy theo thời trang. Những người yêu nước thời đó lên tiếng tố cáo: đó là âm mưu ru ngủ thanh niên để họ không bị cuốn hút vào quỹ đạo chính trị. Ngay cả việc sùng bái Truyện Kiều do Phạm Quỳnh khởi xướng trên Nam Phong cũng bị nhiều nhà nho cách mạng xem là nằm trong âm mưu hiểm độc ấy. Bởi vậy, họ xúm vào đánh Truyện Kiều tơi tả: Thuý Kiều bị gọi là đĩ, “con đĩ Kiều”.
Nhà cầm quyền Việt Nam đang học lại bài học của thực dân Pháp chăng?
Nguyên nhân thứ hai: sự tuyệt vọng. Từ lâu, đảng và nhà nước đã giành mọi quyền quyết định về chính trị. Mọi quyết định ấy đều được diễn ra một cách bí mật. Không ai được quyền tham gia và cũng không ai hay biết gì cả. Lâu dần, người Việt mất hẳn niềm tin là ý kiến của họ có thể có bất cứ đóng góp nào. Mất niềm tin ấy, người ta dừng lại ở một lời than đầy bế tắc: “Cái nước mình nó thế!” Rồi thôi.
Tôi cho chính cái chủ nghĩa mặc-kệ-nó, thứ mackeno-ism ấy, là một trong những chứng bệnh hiểm nghèo nhất của dân tộc ta hiện nay.
Cái bệnh vô tâm và vô cảm.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1