Đường dẫn truy cập

Đảng Cộng hòa toàn quốc ngại lên tiếng về vụ lùm xùm của Trump với Nga


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức một cuộc họp báo chung tại Dinh Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16 tháng 7, 2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức một cuộc họp báo chung tại Dinh Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16 tháng 7, 2018.

AUSTIN, Texas (AP) - Không có dấu hiệu cho thấy sự bàng hoàng hay phẫn nộ trong những hành lang khách sạn và phòng hội nghị nơi các quan chức Đảng Cộng hòa tụ họp để bàn về công việc của đảng, ngay cả khi các chính trị gia thuộc cả hai đảng và các chuyên gia chính sách đối ngoại lo ngại về mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những thành viên nam và nữ từ tất cả 50 bang điều hành Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc (RNC) cố hết sức để tránh nói về phản ứng sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki trong cuộc họp mùa hè của họ, kết thúc vào cuối ngày thứ Sáu. Khi bị hỏi dồn trong các cuộc phỏng vấn, họ bênh vực hành vi của ông Trump hoặc tuyên bố không biết gì, nêu ra điều mà một số người nói là một vấn đề chính sách phức tạp.

“Anh biết tôi biết gì về chính sách đối ngoại không? Mỗi tháng một lần tôi ăn tại nhà hàng bánh kếp International House of Pancakes (IHOP). Kinh nghiệm chính sách đối ngoại của tôi có vậy thôi,” Ron Kaufman, một ủy viên lâu năm của RNC từ bang Massachusetts và từng là giám đốc chính trị của Tổng thống George H.W., nói.

“Người ta muốn thay đổi. Ông ấy đang thay đổi,” ông Kaufman nói về ông Trump. “Các chuyên gia chính sách đối ngoại có thể không thích chuyện đó. Tôi không đủ tư cách để nói thay đổi đó là đúng hay sai.”

Hè năm trước thì lại khác khi RNC chính thức lên án những kẻ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và KKK sau khi ông Trump đưa ra phản ứng lấp lửng về các cuộc biểu tình bạo lực của những kẻ thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia. Trong phản ứng ban đầu về vụ việc, ông Trump nói “có một số người rất tốt ở cả hai phía.”

Sau hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai với ông Putin, ông Trump nói ông “tin tưởng cả hai bên” khi được hỏi liệu ông tin tưởng tổng thống Nga hay là các cơ quan tình báo của Mỹ. Ông Trump sau đó đã tìm cách rút lại phát biểu của mình. Đến cuối tuần, Trump đã đưa ra lời mời ông Putin đến Nhà Trắng cho cuộc gặp mặt tiếp theo của họ.

Chuyện đó khiến ít nhất một cựu thành viên có tiếng của RNC bất bình.

Vào ngày trước khi cuộc họp diễn ra, Jennifer Horn, người một thời là chủ tịch Đảng Cộng hòa bang New Hamshire và từng phục vụ trong ban chấp hành RNC, đã kêu gọi RNC ủng hộ một nghị quyết chính thức, như họ đã làm sau vụ Charlottesville, để làm rõ lập trường của đảng về ông Putin và nỗ lực đang tiếp diễn của Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ.

Trong một bức thư ngỏ gửi RNC, bà Horn nói ông Trump đã liên tục chà đạp các giá trị của Đảng Cộng hòa “theo cách khó tưởng tượng nổi” ở Helsinki. “Thật không may, bênh vực vừa tổng thống vừa tư tưởng Cộng hòa cùng lúc giờ đã trở thành điều bất khả,” bà nói, và nói thêm: “Tôi sợ là nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta không tìm thấy được sự can đảm ngày hôm nay, thì chúng ta sẽ đánh mất đảng của chúng ta mãi mãi.”

Lời kêu gọi của bà Horn bị phớt lờ.

Ngay cả tân chủ tịch Đảng Cộng hòa của New Hampshire, Wayne McDonald, cũng phê phán bà Horn vì chỉ trích ông Trump về vụ Nga.

“Tổng thống đang làm những điều tuyệt vời cho Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc,” ông MacDonald nói. “Lên tiếng chỉ trích ông ấy như đề nghị của bà ta là hoàn toàn không thỏa đáng và hoàn toàn sai trái, và tôi không đồng tình một chút nào.”

Bill Palatucci, ủy viên bang New Jersey, đồng tác giả của nghị quyết Charlottesville, nói phần lớn các đồng nghiệp của ông cảm thấy tình hình hiện giờ đã khác.

“Mọi người vẫn rất ủng hộ tổng thống và tin lời ông ấy nói. Ông ấy nói ông ấy lỡ lời khi đứng cạnh Tổng thống Putin,” ông Palatucci nói. “Tôi sẽ coi như ông ấy nói thật.”

Các quan chức Đảng Cộng hòa khắp cả nước cho biết họ sẵn lòng chấp nhận lời nói của ông Trump là thật, tin rằng ông cương quyết với ông Putin ở nơi riêng tư hơn là khi ông phát biểu trước công chúng.

Ủy viên bang Arizona Bruce Ash đưa ra luận điệu giống như của ông Trump hạ giảm tính nghiêm trọng của sự can thiệp của Nga trong các cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, nói rằng Mỹ không phải lúc nào cũng hành xử đúng đắn.

“Nhìn xem, chúng ta cũng làm chuyện đó trong các cuộc bầu cử của những nước khác,” ông Ash nói, lập luận rằng Tổng thống Barack Obama đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2015 của Israel. “Đâu có gì là mới.”

Các quan chức Đảng Cộng hòa khác chật vật giải thích sự khác biệt về phản ứng quyết liệt của họ về vụ Charlottesville và sự im lặng của họ về ông Putin, nhưng ông ai muốn lên án tổng thống Đảng Cộng hòa.

“Tôi chống đối chuyện người Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta cũng như tôi chống đối những kẻ kì thị chủng tộc tìm cách chia rẽ đất nước chúng ta. Cả hai chuyện đó đều vô đạo đức. Cả hai đều sai trái,” ủy viên bang Mississippi, Henry Barbour, nói. “Tôi không đi sâu vào chuyện chúng tôi nên hay không nên đưa ra một nghị quyết.”

Chủ tịch RNC Ronna Romney McDaniel, người được chính ông Trump tiến cử, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng các cuộc tranh luận về Charlottesville và Nga chẳng tương đồng là bao.

Khi được hỏi tổng thống đã biểu hiện thế nào ở Helsinki, bà nói: “Quan trọng là không nên vạch lá tìm sâu.” Bà nhấn mạnh các chế tài kinh tế được chính quyền Trump ban hành đã gây tổn hại cả nền kinh tế Nga lẫn tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Putin.

“Tôi không nghĩ ông ấy đang làm thân,” bà McDaniel nói về mối quan hệ của ông Trump với ông Putin. Bà nói thêm: “Tôi nghĩ về tổng thể, tổng thống, cụ thể là chính sách của ông ấy, đến giờ vẫn hết sức cứng rắn với Nga.”

Tuy nhiên RNC không cảm thấy cần phải thông qua một nghị quyết chính thức về Nga. Các ủy viên thay vào đó chấp thuận những nội dung đề cập đến cái gọi là những thành phố dung thân (cho người nhập cư bất hợp pháp ẩn náu), Tòa án Tối Cao, giáo dục giới tính và sự bức hại tôn giáo ở Myanmar.

VOA Express

XS
SM
MD
LG