Thành viên của đảng đương quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và các đảng đối lập chính tập họp để bày tỏ ủng hộ dân chủ và lên án âm mưu đảo chính bất thành hôm 15 tháng 7.
Cuộc mít tinh, diễn ra trong sự canh giữ an ninh nghiêm nhặt hôm Chủ nhật tại Quảng trường Taksim ở Istanbul, được nhóm đối lập lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ là đảng Cộng hòa Nhân dân tổ chức. Cuộc mít tinh có sự tham gia của các đảng đối lập khác và đảng Công lý Hồi giáo và Bảo thủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đảng đã nắm quyền tại nước này từ năm 2002.
Một cuộc tập trung biểu dương tinh thần đoàn kết khác do tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi. Ông đã ra một thông báo hiếm thấy nhấn mạnh đến việc “tuyết đối tuân thủ” Tổng Tư lệnh quân đội, ông Hulusi Akar, người bị giữ làm con tin trong cuộc đảo chính mà trong đó có sự dính líu của một số thành viên của lực lượng không quân.
Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để cho phép ông ban hành luật mà không cần quốc hội thông qua trong một nỗ lực nhận diện những người ủng hộ cuộc đảo chính. Trong cuộc đảo chính có ít nhất 246 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương.
Giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra, câu lưu hoặc đình chỉ hơn 60.000 công nhân viên, thẩm phán, cảnh sát, binh sĩ và giáo viên trong tuần qua vì bị nghi có liên can đến âm mưu đảo chánh.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm Chủ nhật nói rằng họ có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy một số người bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, không được cho ăn uống và chăm sóc y tế. Nhóm bênh vực nhân quyền này cũng nói rằng những người bị bắt bị giam giữ tại những trung tâm giam giữ không chính thức và không được phép tiếp xúc với luật sư hay người thân trong gia đình.
Ân xá Quốc tế nói rằng họ có thông tin về điều kiện giam giữ do các luật sư, bác sĩ và một người làm việc tại một trung tâm giam giữ cung cấp.
Tổ chức này kêu gọi Ủy ban châu Âu về ngăn chận tra tấn (CPT) nhanh chóng đến Thổ Nhĩ Kỳ quan sát các điều kiện giam giữ người ở đó. Ân xá Quốc tế nói Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Hội đồng Âu châu, nên nước này phải để cho CPT đến quan sát các điều kiện giam giữ người.
Một số người chỉ trích ông Erdogan nói ông dùng âm mưu đảo chính bất thành vừa rồi để đàn áp không phân biệt tiếng nói bất đồng.
Ông Erdogan đã ra lệnh đóng cửa hàng ngàn tổ chức từ thiện, quỹ và các trường học tư bị nghi có quan hệ với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ nhưng có nhiều người ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan quy cho ông Gullen và những người theo ông này chủ mưu cuộc đảo chính.
Ông Gullen bác bỏ mọi dính líu.
Các nước phương Tây hứa ủng hộ nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng đã bày tỏ lo ngại về mức độ thải hồi nhân sự to lớn ở các cơ quan chính phủ.