Đạo Luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) – sau đây gọi tắt là Luật Magnitsky - được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ban hành ngày 23/12/2016 đã tạo ra một làn sóng đầy hứng khởi trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như ở trong nước. Để tìm hiểu người Việt nghĩ gì về luật này, tôi đã phỏng vấn một số người hằng quan tâm đến Việt Nam hiện cư trú ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Cô Nguyễn Khuê Tú (Canada) nhận định rằng Luật Magnitsky là một thắng lợi quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Bà Song Chi (Na Uy) cho rằng luật này có khả thi và hiệu quả hay không còn tùy thuộc một phần vào chính người Việt chúng ta. Theo Bà Huỳnh Thục Vy (Việt Nam), Luật Magnitsky chỉ bắt cá nhân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm mà ít làm bẽ mặt cả một chế độ độc tài. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa (Việt Nam) phân tích rằng dù Hoa Kỳ có tổng thống mới, với tinh thần và tư tưởng Mỹ cùng nền dân chủ nghị viện và với tính cách cứng rắn của ông Donald Trump, Luật Magnitsky sẽ được thực thi. Theo Tiến sĩ (TS) Âu Dương Thệ (Đức), luật này đánh đúng vào chỗ yếu nhất của các chế độ độc tài hiện nay. TS Nguyễn Bá Tùng (Hoa Kỳ) nhận định rằng việc thi hành Luật Magnitsky trong trường hợp Việt Nam ít khó nhọc và có nhiều cơ may thành công hơn trước đây. TS Nguyễn Văn Trần (Pháp) tin tưởng rằng với Luật Magnitsky nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội sẽ phải cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Sau đây là những suy nghĩ của bảy người đã tham gia vào cuộc phỏng vấn.
Song Chi, Oslo, Na Uy
(Nhà báo, RFA blogger)
Tôi nghĩ rằng đây thực sự là một tin vui đối với những người đang đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam cũng như tất cả những ai quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Việc đạo luật này có khả thi và hiệu quả hay không còn tùy thuộc một phần vào chính người Việt chúng ta, những người mong muốn một sự hạn chế, trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức đã vi phạm nhân quyền, đã có những tội ác đối với nhân dân.
Như chúng ta thấy, bao lâu nay để đối phó với những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, các blogger, nhà báo tự do, thành phần dân oan, người dân đi biểu tình ôn hòa… ngoài lực lượng công an, cảnh sát cơ động công khai ra mặt, nhà cầm quyền còn sử dụng đội ngũ Thanh niên Xung phong, dân quân tự vệ, công an chìm mặc thường phục trà trộn vào đám đông, thành phần côn đồ, dân ở tù mới ra… chuyên chơi trò ném đá giấu tay, và dùng bạo lực đánh dân như đánh kẻ thù.
Chính vì không có chính nghĩa, không có chính danh, nên bọn chúng thường phải giấu mặt, trá hình, chơi lén, chơi bẩn. Nhờ có Internet, từ trước tới giờ chúng ta chỉ có thể đối phó lại bằng cách công khai, chụp hình, quay phim đưa lên các trang mạng xã hội, nhờ mọi người phổ biến để những người khác tìm ra tung tích, tên tuổi, quê quán, địa chỉ… những kẻ thủ ác, đưa ra ánh sáng. Trước hết là để mọi người biết mà tránh mặt, sau đó để chính người thân, gia đình bạn bè chúng cũng biết việc chúng làm. Nhưng điều đó cũng không đủ làm cho chúng chùn tay, mặt khác, đó thường chỉ là những con tép riu trong bộ máy của nhà cầm quyền còn những kẻ có chức có quyền, cấp lãnh đạo thì thừa sức để “hạ cánh” an toàn ở nước ngoài sau khi rời chức, hoặc thậm chí khi còn đang đương chức cũng đã kịp thời tẩu tán tài sản ra bên ngoài, đến một lúc nào đó thì ung dung rời Việt Nam tiếp tục sống sung sướng, không chỉ bản thân mà cả họ hàng, người thân, con cái. Điều này thực sự là không công bằng đối với những gì họ đã gây ra cho đất nước, nhân dân.
Bây giờ với đạo luật này, một mặt, những nhà báo, blogger, các nhà hoạt động dân chủ nên tập họp tất cả những thông tin, hình ảnh tư liệu về những tội ác vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam thành một hồ sơ tạm gọi là “Hồ sơ tội ác của những kẻ chống lại nhân dân, chống lại tự do dân chủ”, sau này khi đất nước thay đổi, việc có sử dụng các hồ sơ để đưa ra tòa án nhân dân hay không còn tùy từng mặt, từng vụ, nhưng đảm bảo việc này sẽ khiến chúng chùn tay trước khi làm điều ác với người dân. Thứ hai, lập danh sách tất cả các quan chức, các nhà lãnh đạo Việt Nam trực tiếp, gián tiếp hoặc dung túng cho những hành động vi phạm nhân quyền, chống lại nhân dân, lập hồ sơ gửi đến chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhận báo cáo vi phạm nhân quyền, để họ thẩm xét và có những biện pháp trừng phạt phù hợp dựa trên Luật Magnitsky.
Tôi cho rằng trên bề mặt thì nhà cầm quyền sẽ làm ra vẻ không quan tâm và vẫn tiếp tục thi hành chính sách cai trị hà khắc của họ, nhưng đối với riêng từng cá nhân, nhất là những cá nhân có tài sản, cơ sở vật chất ở Hoa Kỳ, cũng như có con cái người thân đang học hành, làm việc tại Hoa Kỳ sẽ phải quan tâm, cân nhắc. Ví dụ họ có thể tìm cách che giấu nguồn gốc tài sản ở Hoa Kỳ kỹ hơn, hoặc chuyển tài khoản, tài sản và đưa con cái sang những quốc gia khác “dễ chịu” hơn chẳng hạn.
Về phía Hoa Kỳ thì tôi không rõ có những trở ngại nào khi thi hành luật này hay không, còn về phía Việt Nam như tôi vừa đề cập ở trên, chính người Việt chúng ta phải tích cực thu thập thông tin, tư liệu, bằng chứng để chính phủ Hoa Kỳ có cơ sở mà xử lý những trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam.
Vốn quen cai trị đất nước bằng bạo lực, sự sợ hãi và chính sách ngu dân, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ không dễ gì thay đổi, nhưng họ có thể sẽ tìm những cách khôn khéo hơn để dễ chạy tội hơn khi đàn áp nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam.
Nguyễn Khuê Tú, Vancouver, Canada
(Đại diện hải ngoại của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam)
Luật mới này chứng tỏ Quốc hội Hoa Kỳ quyết tâm có một biện pháp để bênh vực một cách thiết thực những nạn nhân của sự đàn áp bất công trên thế giới. Khác với những luật có tính trừng phạt các quốc gia có chế độ độc tài, Luật Magnitsky này là một đòn mạnh đánh trực tiếp ngay vào những cá nhân, những thủ phạm chà đạp tự do và nhân quyền nguời khác. Đối với những nguời này, những cảnh cáo của Liên Hiệp Quốc, những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền, những công ước họ ký với quốc tế chẳng có nghĩa gì với họ vì những tổ chức này không có các biện pháp trừng phạt khi các công ước bị vi phạm. Chỉ khi tài sản, quyền lợi của bản thân của những thủ phạm vi phạm nhân quyền bị đe dọa thì họ mới biết sợ, biết nghĩ đến hậu quả của việc họ làm, và biết giật mình suy nghĩ truớc khi hành động đàn áp nguời khác. Tóm lại đây là một thắng lợi lớn, một lợi điểm quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới.
Luật Magnitsky Toàn cầu rồi cũng sẽ đuợc thi hành nghiêm chỉnh như Luật Magnitsky đã được ban hành riêng cho nguời Nga vào tháng 11 năm 2012. Chỉ vài tháng sau, tức là tháng 4 năm 2013, Văn phòng Kiểm sát Tài sản Người ngoại quốc (Office of Foreign Assets Control) thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố danh sách Specially Designated Nationals List gồm 18 nguời có liên quan đến việc giam giữ gây ra cái chết của luật sư Magnitsky, trong đó có ba thẩm phán. Cho đến đầu tháng 2 năm 2016, danh sách Magnitsky này lên đến 39 người, trong đó có trưởng cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ. Ngày 9/1/2017, có thêm 7 người bị ghi tên vào danh sách những người bị cấm nhập cảnh và tài sản bị đóng băng này.
Tôi chưa đọc thấy cộng sản Việt Nam (CSVN) phản ứng thế nào. Nhưng nếu có, chắc cũng vẫn theo kiểu từ trước tới giờ của họ là phản đối Hoa Kỳ xen vào chuyện nội bộ, rằng chuyện nhân quyền mỗi nước mỗi khác (dù họ đã ký vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế), trong khi những dư luận viên trong và ngoài nước của CSVN vẫn luôn khai thác những tin tức như các vụ án kỳ thị, những hành động của cá nhân để kết luận chính phủ Hoa Kỳ cũng không tôn trọng nhân quyền, không dân chủ.
Luật pháp Hoa Kỳ đặt nền tảng trên sự nhân đạo, với nguyên tắc thà tha lầm hơn bắt lầm nên khi chúng ta muốn kết tội người nào là phải có bằng cớ chứng minh thật rõ ràng. Về phía nạn nhân ở Việt Nam, sẽ có nhiều trở ngại về việc thu thập và cung cấp bằng cớ sao cho đúng cách thức, luật lệ. BPSOS (Ủy Ban Cứu người vượt biển) có những lớp chỉ dẫn cách lập hồ sơ báo cáo vi phạm nhân quyền gửi cho Liên Hiệp Quốc, nhưng dĩ nhiên không làm sao đủ. Chuyện đàn áp đang xảy ra hàng giờ hàng phút ở Việt Nam và đại đa số người dân Việt Nam không biết và không có phương tiện để thu thập bằng cớ. Những người đang ở tù lại càng khó thu thập và gửi ra bằng cớ. Chỉ có thể là những tù nhân đã được tự do, nhất là những cựu tù nhân lương tâm, đã quen thuộc với việc tranh đấu, và thường đã có hồ sơ do chúng ta nộp cho các tổ chức quốc tế, bây giờ chỉ cần khai triển thêm chi tiết, bằng cớ. Việt Nam không thiếu những trường hợp chết oan trong tù như Magnitsky. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những hồ sơ bị tù oan, bị đối xử dã man, cố ý cho chết vì không nhận tội như ông Đinh Đăng Định, cố ý cùm bằng cùm dính máu, bắt dùng chung dao cạo để lây bệnh chết người như trường hợp ông Huỳnh Anh Trí. Còn nhiều những tù nhân được quốc tế biết đến bị đối xử dã man như bà Mai thị Dung, không được chữa bệnh vì không nhận tội.
Luật này không mang được công lý, không bảo đảm được sự an toàn và nhân quyền cho những người bị đàn áp, nhưng khi nó đưa ra biện pháp trừng trị kẻ phạm tội tức là nó rất có ích cho nạn nhân, cho cuộc tranh đấu cho tự do và nhân quyền tại các nước độc tài, như là Việt Nam. Nó gián tiếp cứu giúp rất nhiều cho những người tranh đấu đang trong tù hay đang bị đàn áp ngoài tù, vì những cai tù, công an điều tra, thẩm phán nghĩ sao khi nhìn danh sách những người cùng nghề với họ trong danh sách Magnitsky.
Hãy cho những người đàn áp đó đọc thử về Yevgeni Antonov, làm việc tại trại tù Chernokozovo ở Chechnya, bị đưa tên vào danh sách Magnitsky hồi tháng 2/2016 dù không liên quan gì đến việc giam giữ Magnitsky. Trại tù Chernokozovo nổi tiếng vì các tổ chức nhân quyền có hồ sơ về việc tra tấn tại đây, nó cũng nổi tiếng vì một tù nhân tranh đấu cho nhân quyền tên Zura Bitiyeva bị những người mặc sắc phục không biết tên giết chết ít lâu sau khi bà được trả tự do. Yevgeni Antonov phải chịu trách nhiệm vì ông ta là trưởng trại tù khi bà Zura Bitiyeva bị giam và bị ngược đãi ở đó.
Những người lãnh đạo đảng CSVN và những người cộng tác trong guồng máy độc tài đó đều muốn tài sản của họ được đầu tư và bảo đảm ở nước giàu mạnh như Hoa Kỳ, Canada, ... Không phải chỉ cất giấu tài sản mà còn tìm nơi hưởng thụ yên ổn cho gia đình và chính họ sau này. Chỉ cần họ e dè một chút, bớt đàn áp dã man trắng trợn một chút thì người dân nói chung và giới tranh đấu nói riêng bước thêm được một bước trên đường tranh đấu cho nhân quyền, tự do.
Ở Canada có hai dự luật C-267 và S-226 tương tự như Global Magnitsky Act. Đây là một tin rất đáng mừng cho người Việt Canada quan tâm đến nhân quyền. Dĩ nhiên CSVN tìm đủ mọi cách để đánh lạc hướng, và vận động dìm hai dự luật này. Xin các cơ quan truyền thông cũng như các vị quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam phổ biến rộng rãi đường nối thỉnh nguyện thư e-670 tại trang nhà của Quốc hội Canada để mọi người ký tên ủng hộ: https://petitions.parl.gc.ca/ en/Petition/Details?Petition= e-760
Huỳnh Thục Vy, Buôn Hồ, Việt Nam
(Chủ tịch, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam)
Luật Magnitsky trước tiên là một công cụ mới của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Điều này xứng đáng với vai trò đàn anh của họ trên chính trường quốc tế, một trường thành của Tự do.
Hoa Kỳ đã từng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Myanmar và Nga nhưng đây là một cách “vơ đũa cả nắm”. Trong khi nó có thể dằn mặt chế độ độc tài, không thể nói nó không ảnh hưởng đến người dân thường.
Lần này thì khác, các biện pháp trừng phạt cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của các cá nhân vi phạm nhân quyền sẽ cụ thể nhắm vào từng giới chức trong các chế độ độc tài toàn cầu, khiến họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho chính hành động đàn áp nhân quyền của họ. Chỉ riêng điều này sẽ khiến các quan chức độc tài và tay sai của họ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi muốn trấn áp tự do dân sự và nhân quyền.
Và cũng vì luật này không áp dụng chung chung lên cả một chế độ, nhà nước nên nó ít gây cản trở ngoại giao hơn. Nó chỉ bắt cá nhân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm mà ít làm bẽ mặt cả một chế độ độc tài. Có thể đặc điểm này của luật sẽ làm cho các quan chức các chế độ vi phạm nhân quyền phải cố gắng và tranh đua nhau để tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ hơn cho cá nhân mình, bất chấp mình thuộc một chế độ bất hảo nào đi nữa. Đó là điều thuận lợi cho nhân quyền, tất nhiên nếu những người bảo vệ nhân quyền biết làm đúng cách để luật này phát huy tác dụng.
Chính quyền Việt Nam cũng sẽ phản ứng “giãy nảy” tương tự như mọi lần họ bị thế giới đả kích về thành tích nhân quyền tồi tệ. Nhưng vì họ khá giỏi trong việc đàn áp, nên họ sẽ tìm cách cản trở các nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền khiến luật này có mà cũng như không. Bởi vì muốn nó phát huy tác dụng, chúng ta cần làm đầy đủ các công việc nhằm tạo hiệu lực cho nó. Hoa Kỳ và quốc tế không tự dưng nắm bắt và can thiệp vào tình hình nhân quyền Việt Nam được. Những bước đó như sau:
- Thu thập và phối kiểm thông tin vi phạm.
- Thực hiện bản báo cáo theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
- Vận động Lập pháp Hoa Kỳ chuyển hồ sơ trực tiếp đến tổng thống hay qua Bộ Ngoại giao.
- Vận động Hành pháp Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài tương thích với mỗi hồ sơ vi phạm.
Nếu các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam làm tốt và đầy đủ các công việc này thì chính quyền độc tài Việt Nam sẽ thực sự bị áp lực phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ. Vì thế, chính quyền Việt Nam sẽ không bỏ qua cơ hội nào nhằm phá hoại nỗ lực đó ở cả quốc nội lẫn hải ngoại, nhằm làm cho sự phối hợp trong ngoài khó khăn để các hồ sơ khó hoàn thành.
Riêng Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã gửi một số thành viên của mình tham gia các khoá huấn luyện viết báo cáo vi phạm nhân quyền đúng quy chuẩn Liên Hiệp quốc và liên kết với bên ngoài để đệ trình các hồ sơ. Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn cần khắc phục về phía các nhà hoạt động trong nước, đó là họ chưa thực sự chú tâm vào các công việc tẻ nhạt và thầm lặng này. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước vận động quốc tế theo cách này.
Nguyễn Xuân Nghĩa, Hải Phòng, Việt Nam
(Đại diện miền Bắc, Khối 8406)
Đầu tiên và cũng dịp này chúng ta chia sẻ nỗi đau mất mát mà thân nhân của ông Sergei Magnitsky đã phải gánh chịu sau cái chết bất thường trong nhà tù của một viên chức thuế vụ Nga cương trực, thanh liêm và biết quá nhiều về tệ nạn tham nhũng công quỹ của các quan chức trong chính quyền Putin cách đây 8 năm.
Từ một đạo luật chế tài những cá nhân quan chức nhà nước dính líu đến tham nhũng tại Nga do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký vào ngày 14/12/2012, đến nay nó được áp dụng mở rộng ra toàn thế giới sau chữ ký cũng của ông Obama ngày 23/12/2016, tức vào những ngày cuối cùng còn tại vị, tôi nghĩ Quốc hội Hoa Kỳ và cá nhân Tổng thống Obama đã có thêm một chữ ký có ích để nhân loại được sống trong môi trường tinh thần trong lành hơn. Tham nhũng và đàn áp nhân quyền bằng luật của mafia, tạo ra những cái chết bí ẩn để bịt miệng công lý đâu phải chỉ xảy ra ở nước Nga mà xảy ra ở hầu hết các quốc gia vẫn còn chế độ độc tài. Độc tài luôn đi liền với tham nhũng. Nó là anh em sinh đôi của quyền lực không bị kiểm soát. Và bởi vì không bị kiểm soát nên nó áp dụng có hệ thống hành vi bất chấp luật pháp, đạo đức và văn hóa để không bị đưa ra công luận. Chính vì vậy ai cũng thấy quốc gia nào còn chế độ độc tài cũng nghèo, do ngân khố bị bòn rút vào túi các cá nhân quan chức, các nhóm lợi ích... Ở phần bên kia của xã hội những công dân thanh liêm chính trực không còn được sống an toàn vì không được pháp luật che chở, người dân không có nhân quyền... Riêng Việt Nam, với hiến pháp chỉ có đảng cộng sản cầm quyền và hoạt động từ năm 1946 ở Miền Bắc và năm 1975 ở cả Miền Nam thì gần 90 triệu người dân cả nước đang bị biến thành nô lệ, bị bòn rút mồ hôi và máu bởi những quan chức nhà nước tham lam và vô sỉ.
Về tính khả thi của Luật Magnitsky chế tài cho các cá nhân quan chức Việt Nam tham nhũng và đàn áp nhân quyền tôi nghĩ nó nằm ở cả hai đối tượng: người thực thi luật và người được luật bảo hộ. Về nguyên tắc đã là luật là phải được thực thi nghiêm minh, đặc biệt ở Hoa Kỳ có Hiến pháp hoàn thiện đến mức hơn 200 năm không phải sửa đổi một điều nào và bộ luật rất chi tiết, chặt chẽ... Tuy nhiên, tôi nghe dư luận rằng đây không phải là luật áp dụng trong nội địa mà áp dụng ra nước ngoài nên nó sẽ bị tác động từ ngoại giao, kinh tế và các hoạt động quốc tế khác, đồng thời nó cũng chịu tác động bởi các nhiệm kỳ quốc hội và tổng thống. Có người đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Donald Trump có ủng hộ luật này không khi người ký là cựu Tổng thống Obama lại ký vào thời điểm sắp hết nhiệm kỳ... Riêng cá nhân tôi cho rằng với tinh thần và tư tưởng Mỹ cùng nền dân chủ nghị viện và với tính cách cứng rắn của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Luật Magnitsky sẽ được thực thi.
Về phía Việt Nam, tôi tin rằng giới chóp bu của đảng cộng sản sẽ phản ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực với Luật Magnitsky. Chính quyền Cộng sản là chính quyền của những cá nhân tham nhũng, liên kết cùng nhau thành tập đoàn tham nhũng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều thành viên trong Quốc hội đã công khai thừa nhận trước quốc dân. Ông Nguyễn Phú Trọng còn răn “đe đập chuột đừng để bể bình”, hàm ý là chống tham nhũng nhưng không làm nát đảng. Chính ông ta đưa ra hai vế đối ứng: tham nhũng là đảng, đảng là tham nhũng. Bởi vậy cả một tập đoàn cầm quyền Việt Nam là đối tượng của luật. Ta cũng biết rằng không quốc gia nào trên thế giới mà không muốn quan hệ với Hoa Kỳ, vì ít nhất cũng được lợi ích về kinh tế. Việt Nam cũng vậy. Nhưng khi còn quan hệ với Hoa Kỳ thì giới cầm quyền Việt Nam không tránh khỏi bị chế tài của Luật Magnitsky. Năm 2012 - 2013, khi Hoa Kỳ áp dụng Luật Magnitsky cấm 18 quan chức Nga nhập cảnh vào Hoa Kỳ thì liền sau đó Nga trả đũa cũng bằng cách cấm 18 công dân Hoa Kỳ nhập cảnh vào Nga đồng thời không cho phép công dân Hoa Kỳ nhận con nuôi người Nga. Nga phải “nín thở qua sông” chấp nhận nhiều thiệt hại kinh tế do bị chế tài của luật Magnitsky vì danh dự và ở vị trí có phần “ngang cỡ”; nhưng giới lãnh đạo Việt Nam thì có gì để trả đũa Hoa Kỳ? Họ không phải là đối tượng “bằng vai phải lứa, ngang tầm giới lãnh đạo Hoa Kỳ”. Họ không có thứ gì để trả đũa khi bị chế tài như Nga đã cố đề chống đỡ vì danh dự. Bởi vậy tác động của Luật Magnitsky đối với giới chóp bu trong chính quyền độc tài Việt Nam sẽ lớn hơn so với chính quyền dân chủ nửa vời của Ông Putin.
Được biết trong vài ngày gần đây, một số nghị sỹ trong Quốc hội Canada cũng đã trình lên Quốc hội dự luật Magnitsky của Canada. Hy vọng dự luật sẽ thành luật nay mai. Chúng ta mong cho Australia và các quốc gia Tây Âu cùng thứ tự chung tay với Hoa Kỳ. Bởi vì nhân quyền cho mọi công dân và chính quyền trong sạch là mục tiêu chung của tất cả mọi quốc gia, đặc biệt đang nóng lên ở các quốc gia dân chủ đi kèm theo giàu và mạnh. Khi Luật Magnitsky có ở hầu hết ở các nước này thì chính quyền độc tài đi kèm tham nhũng sẽ bị cô lập hoàn toàn và tất phải giải thể sớm hơn theo quy luật.
Luật Magnitsky chắc chắn sẽ giúp cải thiện tình trạng nhân quyền, tôn giáo tồi tệ hiện nay ở Việt Nam. Không chỉ thế nó còn giúp giảm thiểu những vụ tham nhũng lớn. Tại sao? Nhớ rằng các chế tài của Luật Magnitsky là đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ các quan chức chính quyền tham nhũng và những kẻ liên đới. Ai cũng biết ở Việt Nam chỉ những người có chức, có quyền mới tham nhũng được. Đồng thời những đối tượng này đều chuyển tiền ra cất giấu ở các quốc gia dân chủ. Đó cũng là nơi lý tưởng để họ và con cháu họ đến cư trú khi có sự biến động chính trị, xã hội trong nước. Theo các thống kê thì mỗi năm có cả ngàn sinh viên sang Mỹ du học, đa số học xong ở lại, trong đó phần đông là con cháu các quan chức chính quyền mà nếu bị điều tra sẽ là đối tượng của Luật Magnitsky; hàng năm cũng có hàng ngàn công dân Việt Nam sang Mỹ định cư hay du lịch... trong đó quan chức chính quyền nhiều vô kể. Rồi giới chóp bu trong bộ máy độc tài cũng có nhu cầu sang Hoa Kỳ công cán ngoại giao, thương mại, xin xỏ... Chắc chắn họ cũng không muốn là đối tượng của Luật Magnitsky. Các lý do trên đưa đến khả năng chính quyền độc tài Việt Nam không dám đàn áp lực lượng đấu tranh dân chủ mạnh tay như trước.
Phần còn lại phụ thuộc vào những người hoạt động dân chủ và nhân quyền và người dân Việt Nam từ quốc nội ra hải ngoại có tận dụng được tối đa Luật Magnitsky để cải thiện hiện trạng tồi tệ của cá nhân và quốc gia như hiện nay hay không. Câu trả lời còn ở phía trước.
Từ một nhóm đối tượng nhỏ là lũ quan chức mafia trong chính quyền Nga; bây giờ được áp dụng cho tất cả các đối tượng bẩn thỉu toàn cầu trong đó có Việt Nam, Luật Magnitsky là một luật công bằng và tiến bộ nhất của Hoa Kỳ. Biểu hiện cho sức mạnh kinh tế, quân sự và sức mạnh của lương tâm, đây là quốc gia nhận trọng trách đem lại quyền sống, quyền mưu cầu công bằng, hạnh phúc của toàn bộ công dân trong thế giới đang phẳng. Chúng ta cũng không quên cảm ơn sự đóng góp công sức và thời gian vận động hành lang để Luật Magnitsky áp dụng ra toàn cầu của các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam đang định cư ở hải ngoại.
TS Âu Dương Thệ, Dortmund, Đức
(Chủ tịch, Hiệp hội Dân chủ và Phát triển Việt Nam)
Đạo Luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu vừa được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 8/12/2016 và ngày 23/12/2016 Tổng thống Barack Obama ký ban hành thành luật có giá trị pháp lý đã ra đời rất đúng vào thời gian hiện nay. Cái đặc biệt rất quan trọng của luật nhân quyền mới này là kết hợp việc chế tài chà đạp nhân quyền với tham nhũng tiền bạc. Theo đó, những nhà độc tài và đồ đệ không chỉ bị kết án về vi phạm nhân quyền, mà còn bị luật pháp Hoa Kỳ chế tài về tiền bạc, qua việc các tài khoản của họ trong ngân hàng ở Mỹ sẽ bị phong tỏa hoặc tịch thu. Việc này phản ảnh rất đúng tình hình hiện nay ở nhiều chế độ độc tài. Nghĩa là luật này đánh đúng vào chỗ yếu nhất của các chế độ độc tài hiện nay.
Thế giới đang chứng kiến, ở đâu quyền lực không được kiểm soát thì ở đó diễn ra lạm quyền và tham nhũng. Kẻ nắm quyền vừa đàn áp nhân dân, vừa tìm cách ăn cắp tài sản công; còn các đại gia thì dùng tiền để mua quyền. Hai thành phần này đang cấu kết với nhau thành những nhóm lợi ích và sẵn sàng sử dụng các hành động tàn bạo nhất chống lại ai tố cáo các tội ác của họ.
Như chúng ta đều biết, các chủ trương đàn áp chính trị, đàn áp tôn giáo và đàn áp những người làm báo - đặc biệt những blogger điện tử - đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Ở nhiều nước cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba hay ở các nước dân chủ giả hiệu như Nga, Philippines, Thổ Nhĩ Kì…, các lực lượng công an không chỉ hành hung và tù đày các người khác chính kiến, mà thậm chí còn thủ tiêu họ, nếu nhà cầm quyền thấy những tố cáo của những người này gây nguy hại tới quyền lực riêng. Các chế độ độc tài đảng trị và độc tài cá nhân hiện nay có các điểm chung là cực kì tham quyền và tham nhũng tiền bạc, đồng thời vô cùng tàn bạo đối với nhân dân. Để che dấu các tội ác những người có quyền lực ở các chế độ cực đoan này thường đưa ra các chủ trương mị dân như đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quá khích.
Chế độ toàn trị ở Việt Nam đã độc quyền ở miền Bắc từ 1954 và toàn quốc từ 1975, nên các biện pháp đàn áp và mua chuộc qua nhiều giai đoạn đã được họ sử dụng các thủ đoạn độc ác tinh vi đối với nhân dân Việt Nam và với các đối tác quốc tế. Đối với người dân thì họ đưa ra chủ nghĩa mị dân như yêu nước, cứu nước, đoàn kết, hòa giải… trong từng thời kì. Đối với các đối tác bên ngoài thì những người cầm đầu CSVN qua nhiều giai đoạn cũng tìm cách mua chuộc, mua thời gian và cả vỗ về. Như việc mua chuộc bọn tướng Tàu vào giải giới quân Nhật sau Thế chiến II, hay thỏa hiệp giả vờ với Pháp 1946 để mua thời gian cho chính phủ Hồ Chí Minh còn rất non trẻ khi ấy.
Hai thập niên qua chế độ toàn trị ở Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Liên hiệp Âu châu (EU)… Để nhận được viện trợ, đầu tư và giao thương với các nước dân chủ này, những người cầm đầu CSVN đã dùng thủ đoạn vỗ về, bằng cách hứa sẽ cải thiện nhân quyền, cởi mở với các tôn giáo… Thậm chí họ còn thiết lập các ủy ban song phương hay đa phương với các nước này trong các lãnh vực này. Như Ủy ban song phương về nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - EU. Hàng năm thảo luận với nhau về tình hình nhân quyền ở Việt Nam… Với thủ đoạn này CSVN có thể vỗ về và đánh lạc hướng chính giới và dư luận Tây phương và nuôi hi vọng là sẽ có tiến bộ. Nhưng thực tế như trong bài của ông Nguyễn Quốc Khải đã nêu ra là, tình trạng vi phạm nhân quyền, tôn giáo và báo chí dưới chế độ toàn trị ở Việt Nam đang tụt xuống mức đội sổ.
Nhưng chính điều này lại chứng minh một sự thực khác là, các cuộc vận động dân chủ tố cáo các vi phạm nhân quyền và tham nhũng của chế độ CSVN ngày càng được sự tham gia tích cực của nhiều thành phần, đứng đầu là trí thức, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc khiếu kiện của hàng trăm người và biểu tình ở Hà Tĩnh lên cả chục ngàn người tố cáo thảm họa mội trường do sự cấu kết của công ty Formosa và bọn quan đỏ tham nhũng từ trung ương tới địa phương. Nhiều tổ chức nhân quyền và chống tham nhũng quốc tế, cũng như các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài đã liệt kê các tội ác và xếp chế độ CSVN là một trong những nước vừa vi phạm nhân quyền tàn bạo, vừa tham nhũng động trời. Trong bài của ông Nguyễn Quốc Khải cũng đã nêu lên danh sách các người dân chủ bị bắt và các cán bộ cao cấp từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và thủ tướng, bộ trưởng đã tham nhũng.
Hiện nay chế độ Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng bị nhân dân chống đối và đảng viên bất mãn. Nên một mặt ông Trọng đang phát động một phong trào mới thanh lọc hàng ngũ ngay trong đảng với khẩu hiệu “chống tự diễn biến và tự chuyển biến” của các đảng viên tiến bộ không còn tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin và nhóm cầm đầu tha hóa đạo đức. Mặt khác ông ta còn quì gối thêm hơn nữa với Bắc Kinh để bảo vệ chế độ toàn trị tham nhũng. Ông Trọng đã phải sang gặp Tập Cận Bình để nhờ sự che chở, mặc dù họ Tập đang mở rộng cuộc xâm lấn biển đảo và khai thác tài nguyên của Việt Nam. Như vậy là Nguyễn Phú Trọng đang thách đố thêm với nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế. Vì thế Luật Magnitsky sẽ chĩa mũi dùi vào chế độ toàn trị và bọn quan lại tham nhũng ở Việt Nam.
Nếu tân Tổng thống Trump không có chính sách phân biệt rõ ràng bạn và thù, hủy bỏ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì trong giai đoạn giao thời sẽ tạo những lỗ hổng để nhóm cầm đầu CSVN gia tăng đàn áp nhân dân, nhất là trí thức và thanh niên; đồng thời phải cầu cạnh và khúm núm hơn nữa với Bắc Kinh. Nhưng thực hiện các biện pháp tàn bạo thất nhân tâm và lệ thuộc Bắc Kinh, về trung hạn và dài hạn, sẽ là nguyên nhân và động lực để các giới từ những người dân chủ, nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên và nhiều đảng viên tiến bộ đứng lên đấu tranh chống bạo quyền tham nhũng và lệ thuộc Bắc Kinh. Như thế chế độ toàn trị ở Việt Nam sẽ trở thành một đối tượng tranh đấu quan trọng của Luật Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ vừa được ban hành.
Các cuộc đàn áp như vậy của chế độ toàn trị CSVN chắc chắn sẽ bị nhân dân trong nước tố cáo và dư luận quốc tế lên án, đặc biệt là trong thời đại thông tin điện tử cực kì nhanh chóng và hữu hiệu. Chỉ trong một vài phút các hình ảnh đàn áp các cuộc biểu tình, các cuộc khiếu kiện ở Việt Nam của nhiều giới sẽ được truyền tải phổ biến sâu rộng trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước dân chủ đa nguyên. Những hình ảnh này là những bằng chứng tố cáo công khai trước thế giới về sự chà đạp nhân quyền rất thô bạo của chế độ CSVN.
Những xúc động của dư luận ở Hoa Kỳ, EU và các nước dân chủ sẽ tác động lên chính giới Mỹ và các nước này. Từ đó thúc đẩy các chính phủ liên hệ phải áp dụng Luật Magnitsky và các công ước quốc tế liên hệ để phản đối chế độ CSVN. Đồng thời các nước này còn có thể chế tài bằng các biện pháp ngoại giao, du lịch và tài chính, như cấm không cho các người cầm đầu CSVN đàn áp nhân dân được vào Mỹ, EU… Không những thế, các tài khoản của những người này trong các ngân hàng ở Mỹ, EU…có thể bị khóa lại hoặc tịch thu. Đây là những biện pháp trừng phạt hữu hiệu và thích hợp trong thời đại toàn cầu hóa tài chính - kinh tế hiện nay.
Ngoài ra, những sự ủng hộ tinh thần và vật chất của kiều bào Việt Nam ở hải ngoại, của các tổ chức quốc tế về nhân quyền, tôn giáo và môi trường sẽ khuyến khích các cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường và gìn giữ độc lập ở trong nước vươn lên giành những thắng lợi mới trong việc tiến lên cô lập và loại trừ chế độ độc tài và trừng phạt bọn quan lại tham nhũng.
Nói tóm lại, Luật Magnitsky do Hoa Kỳ vừa khởi động sẽ mở ra một cơ hội mới rất tốt cho phong trào đấu tranh chống bạo quyền và tham nhũng ở Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Trần, Paris, Pháp
(Bình luận gia)
Nghĩ thế nào về luật nhân quyền mới này, tức Luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu vừa được Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành ngày 9/12/2016, thì đã có nhiều người nghĩ, nhiều ý kiến khác nhau, lạc quan, và đều hoan nghênh sự ra đời của luật mới với kỳ vọng, và cả tin tưởng, sẽ giúp chính quyền Hoa Kỳ có thêm một vũ khí sắc bén cho những hoạt động ngoại giao tương lai của họ. Luật Magnitsky này sẽ làm cho nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Luật Magnitsky có ý nghĩa nhân quyền vì mang tên một nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền do chế độ độc tài tham nhũng gốc cộng sản cũ ở Nga gây ra gợi lại rất rõ nét vô số nạn nhân của chế độ cộng sản hiện tại ở Việt Nam.
Theo tôi nghĩ thì bất cứ đạo luật nào được ban hành đều có giá trị khả thi khi nó được nghiêm chỉnh áp dụng. Vậy nếu muốn đánh giá hiệu quả của Luật Magnittsky chắc phải chờ khi nó được áp dụng. Luật Magnitsky sẽ có giá trị cao hơn những luật nhân quyền khác hay không, chỉ ở sự áp dụng vì nội dung của nó cũng chỉ lập lại những tội phạm quen thuộc: tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tội làm tổn thương. Những tội này đã được dự liệu trong Qui chế thiết lập Tòa Án Hình sự Quốc tế 7/1998, hoạt động 2002. Tên gọi chính thức là Qui chế Rome (Statut de Rome) Có 60 quốc gia tham gia, nhưng Nga rút lại chữ ký và Việt Nam không tham gia nên Qui chế Rome không thể áp dụng cho những kẻ tội phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Luật Magnitsky khác hơn vì nó là luật của Hoa Kỳ nên áp dụng nó hoàn toàn thuộc chủ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tiến bộ nếu so sánh với các luật nhân quyền đã có. Vả lại phải chăng Hoa Kỳ thật sự không có nhiều cách áp dụng luật nhân quyền đối với những trường hợp vi phạm nhân quyền một cách có tổ chức như Việt Nam?
Vậy bây giờ mà đánh giá hiệu quả của Luật Magnitsky có quá sớm lắm không?
Dĩ nhiên cộng sản ở Việt nam sẽ không tự trói tay mình, ngửa cỗ ra chờ lưỡi mã tấu Magnitsky mà chắc chắn sẽ tìm cách né tránh và chống trả mạnh. Họ sẽ vận dụng khối vốn liếng (tư bản) quỉ quyệt cố hữu của cộng sản để xóa mờ những bằng chứng vi phạm nhân quyền làm cho việc truy tố dự liệu trong luật này gặp không ít khó khăn. Nhưng ưu điểm của Luật Magnistky không nhằm truy tố quốc gia mà chỉ nhắm thẳng cá nhân phạm tội nên có thể tin tưởng ở khả năng cưỡng hành của nó. Điều còn lại để chờ đợi là liệu quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ trong việc trừng trị tội vi phạm nhân quyền tới đâu mà thôi. Có vượt qua những vướng mắc chủ quan như những mục tiêu chính trị và kinh tế hay không?
Trên nguyên tắc, với những đặc tính khá tích cực của Luật Magnitsky, có thể nghĩ sẽ có ít nhứt ảnh hưởng “răn đe” lớn do sự quyết tâm áp dụng của chính quyền Hoa Kỳ. Và người Việt Nam ta có thể hy vọng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện. Ít nhất ở giai đoạn đầu khi cộng sản Hà Nội còn lúng túng chưa tìm được cách đối phó hoặc cộng sản muốn lợi dụng hoàn cảnh để mè nheo vài chuyện có lợi cho họ, rồi từ từ họ sẽ tìm được chổ an toàn ẩn núp. Bởi cộng sản vi phạm nhân quyền là do bản chất chế độ độc tài, sợ nhân dân sẽ đứng lên lật đổ họ.
Nhân đây tưởng cũng nên nhắc lại sự khác nhau về quan niệm nhân quyền giữa người cộng sản và người dân chủ tự do. Đó cũng là lý do cho phép người cộng sản vi phạm nhân quyền thường xuyên. Những việc làm của người cộng sản bị tố cáo là vi phạm nhân quyền bị họ thẳng thắn bác bỏ vì họ không chấp nhận thứ nhân quyền tư sản. Họ phủ nhận giá trị phổ quát của nhân quyền, viện dẫn tính đặc thù của nền văn hóa chánh trị xã hội chủ nghĩa của họ.
Cụ thể, ở Việt Nam luật pháp, và cả hiến pháp, đều ghi rõ “tôn trọng các quyền tự do căn bản…”. Khi họ đàn áp, khủng bố những người tranh đấu ôn hòa chống Tàu, những blogger, thì họ bảo là áp dụng luật pháp bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ chính quyền nhân dân chống lại những kẻ lợi dụng dân chủ gây bạo loạn.
Marx giải thích nhân quyền phổ quát theo Liên Hiệp Quốc, dùng chữ Nhân – Homme - số ít là ngụ ý quyền chỉ dành riêng cho một số người nào đó mà thôi, trong đó không có đại bộ phận nhân dân lao động. Người ta phân biệt quyền của con người như vậy với quyền công dân. Mà ai là “Người” (Nhân - Homme) khác hơn công dân? Người đó không ai khác hơn là người của xã hội tư sản. Tại sao người của xã hội tư sản mới được gọi là người? Và quyền của hắn mới được gọi là Nhân quyền? Dựa vào điều gì để cắt nghĩa sự kiện ấy được? Phải chăng do liên quan giữa Nhà nước với xã hội tư sản? Tại sao quyền con người lại không được xây dựng trên mối liên hệ giữa người với người, mà trái lại, trên sự chia cách giữa người với người? Đó là quyền của những người sử dụng và làm chủ tài sản của mình một cách độc đoán, không liên quan tới xã hội. Đó là thứ quyền ích kỷ, nó tạo thành nền tảng xã hội tư sản. Nó chỉ là thứ “gọi là nhân quyền, nó tách rời khỏi tập thể” (Marx, A propos de la question juive).
Trở lại trường hợp vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ngày nay. Nhiều người nghĩ là Hoa Kỳ phải có đầy đủ hồ sơ Việt Nam vi phạm nhân quyền. Vậy nếu Hoa Kỳ thật tình muốn cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam thì hãy áp dụng luật nhân quyền một cách nghiêm chỉnh, chỉ nhằm mục tiêu nhân quyền. Khi Hoa Kỳ áp dụng Luật Magnistky như vậy thì chúng ta sẽ thấy ngay hiệu lực và tính khả thi của nó.
Còn có sẳn luật mà chỉ để đe dọa thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ lại tiếp tục con đường cũ của mình mà thôi. Trước đây, Hoa Kỳ kéo quân qua đánh Iraq, hạ nhà độc tài Sadam Hussein xong, Iraq vẫn chưa thấy bóng dáng dân chủ đâu cả!
Riêng người Việt Nam Hải ngoại trước giờ tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, có thể lợi dụng vận hội mới này tạo áp lực thúc đẩy Hoa Kỳ áp dụng Đạo Luật Magnistky để cứu dân tộc và đất nước sớm thoát khỏi chế độ cộng sản ác ôn.
TS Nguyễn Bá Tùng, Westminster, Hoa Kỳ
(Chủ tịch, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam)
Trước đây, từ 2009 đến nay, đã có nhiều dự luật mang tên Vietnam Human Rights Sanctions Act được một số dân biểu và nghị sĩ Mỹ đệ nạp tại Hạ viện và Thượng viện. Dự luật sau cùng do Thượng nghị sĩ Cornyn đệ nạp vào đầu năm 2016. Tuy nhiên vì nhiều lý do, các dự luật đó chưa có cơ hội thành luật. Nay Luật Magnitsky có nội dung tương tự, mà tầm áp dụng bao phủ toàn cầu được ban hành, tôi cho là một thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt đối với những người đã bỏ nhiều công sức vận động để việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam phải bị chế tài thích đáng. Đối với nước Mỹ nói chung, Luật Magnitsky là một bước ngoặc cho thấy, dù chỉ mới trên mặt nhận thức, nguyên tắc nối kết giữa quyền lợi và giá trị trong chính sách ngoại giao được đề cao hơn.
Mặc dù những chế tài do luật này quy định chỉ có tính tiêu cực - nghĩa là kẻ vi phạm nhân quyền không được hưởng những quyền của một người bình thường, chứ không phải bị truy tố ra một tòa án hình sự nào vì những vi phạm của họ - nhưng ít nhất, những tên đồ tể trong lãnh vực nhân quyền không thể nhởn nhơ tiếp tục gây tội ác mà không có một quy trách nào. Ngoài ra Luật cũng sẽ tạo được những áp lực có tính răn đe trên từng lớp lãnh đạo ở các quốc gia độc tài, trong đó Việt Nam là một trường hợp điển hình.
Trong bất kỳ chế độ chính trị nào, việc ban hành luật và áp dụng luật là hai tiến trình khác nhau và nhiều khi không thống nhất. Theo quy định của Luật Magnitsky, người sau cùng quyết định áp dụng những hình thức chế tài là tổng thống Mỹ. Cho đến nay Tổng thống Trump chưa cho thấy rõ chính sách đối ngoại của ông; tuy nhiên, cấu trúc chính quyền lưỡng viện Quốc hội và hành pháp cùng một đảng có thể giúp cho việc áp dụng luật được nhất quán hơn. Vì thế, việc vận động cho nhân quyền nói chung, và cho việc thi hành Luật Magnitsky trong trường hợp Việt Nam nói riêng chắc cũng ít khó nhọc và có nhiều cơ may thành công hơn trước đây.
Cùng với các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội mà Luật Magnitsky mang đến. Ngoài công tác báo cáo nhân quyền hàng năm mà chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua, chúng tôi đang lên phương án thiết lập danh sách những tội phạm nhân quyền cần quan tâm tại Việt Nam. Công tác này đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người, đặc biệt là những nhà hoạt động cho nhân quyền trong nước.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.