Đường dẫn truy cập

Đau lòng nhìn nước Úc trong biển lửa


Vật trang trí Giáng Sinh chìm trong lửa tại Cobargo, New South Wales, Úc.
Vật trang trí Giáng Sinh chìm trong lửa tại Cobargo, New South Wales, Úc.

Đầu năm 2020, các cuộc cháy rừng tại Úc đã lan rộng gần như toàn nước. Kể từ tháng 9 năm 2019 đến nay, diện tích rừng cháy đã lên đến 14.6 triệu mẫu (acres, lớn gấp hai diện tích nước Bỉ). Và nếu so với nạn cháy rừng Amazon vào tháng 8 năm 2019 thì hỏa hoạn tại Úc rộng lớn hơn gấp hai, mà hậu quả là hàng trăm ngàn gia đình phải di tản, và gần nửa tỷ động vật đã bị giết hại.

Những ngày đầu năm 2020 vừa qua, tiểu bang Victoria đã mù mịt trong khói lửa, và thành phố Melbourne hiếm khi nào bị bao phủ bởi màn khói mịt mù và dày đặc đến độ không nhìn ra được các tòa nhà cao tốc tại thành phố ở đâu. Không những khói và lửa, mà còn mùi cháy của rừng, của động vật, với hàng trăm triệu con, đã quyện vào nhau tạo ra một bầu không khí thật là khó thở, ngột ngạt. Khói mù bao phủ cả thành phố làm cho nhiều người bắt đầu mang khăn che mặt để lọc không khí hít vào. Không khí đã lan tràn vào trong mọi nhà và không một ai tránh nó được. Những tấm hình trên các cơ quan truyền thông cho thấy bầu trời chung quanh toàn màu đỏ. Làm sao không đau đớn, chạnh lòng!

Kể từ tháng 9 năm 2019 đến nay, diện tích rừng cháy đã lên đến 14.6 triệu mẫu. (Hình: Tác giả cung cấp)
Kể từ tháng 9 năm 2019 đến nay, diện tích rừng cháy đã lên đến 14.6 triệu mẫu. (Hình: Tác giả cung cấp)

Giáo sư Bin Jalaludin thuộc trường Đại học NSW, viên điều tra trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ô nhiễm Không khí, Năng lượng và Sức khỏe, cho biết ông đã bắt đầu làm việc cho ô nhiễm không khí từ đầu thập niên 1990, nhưng chưa bao giờ thấy lửa kéo dài và kinh hoàng đến thế. Theo Jalaludin thì ít có nghiên cứu nào được thực hiện để tìm hiểu về ảnh hưởng lâu dài của khói từ rừng cháy mà người dân bị phơi bày trực tiếp qua nhiều tuần hoặc tháng; tuy thế các nghiên cứu về những cư dân sống tại các thành phố bị ô nhiễm trầm trọng đã có những rủi ro gia tăng về đau tim, đột quỵ và tiểu đường theo thời gian. Cháy rừng có thể đưa ra các ô nhiễm hạt (particulate-matter pollution), các hạt trong không khí rất nhỏ mà có thể đi vào và phá hoại tế bào phổi của con người.

Chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang Úc đang cố gắng phối hợp, với sự trợ giúp của Bộ Quốc phòng Úc cũng như các cơ quan phòng cháy chữa cháy từ khắp nơi, kể cả từ New Zealand, Hoa Kỳ v.v… , để tìm cách dập tắt các ngọn lửa này. Tuy nhiên một số quyết định thiếu quyết đoán và hơi chậm chạp của chính quyền liên bang Úc đối phó với nạn cháy rừng này đã bị chỉ trích nặng nề, và người dân chắc sẽ không quên các quyết định, hay không quyết định này, vào kỳ bầu cử tới. Đó là chưa kể những phê bình nặng nề về việc lợi dụng cơ hội đau thương này để quảng bá cho đảng chính trị của mình.

Thủ tướng Scott Morrison hứa tài trợ quỹ hai tỷ đô la, và nhiều hơn nữa nếu xét cần sau đó, để giúp cho các gia đình, chủ nhân và các hội đồng thành phố phục hồi từ các vụ cháy rừng này. Dự tính ngân sách năm nay sẽ thặng dư khoảng 5 tỷ năm nay, nhưng vì thiên tai này mà ông Morrison quyết định rằng thặng dư không phải là trọng tâm hiện nay; điều quan trọng là mạng sống/giá trị con người, và sẽ chi tiêu tất cả những gì cần.

Trong hai ngày qua, thời tiết đã thay đổi. Tại Victoria, trời trở nên lạnh dưới 20 độ, và có mưa, tuy không nhiều, nhưng cũng đỡ phần nào đối với các ngọn lửa ở vùng Đông và Đông Bắc Melbourne. Tuy nhiên những ai quan tâm theo dõi các diễn biến trong những ngày qua cũng không khỏi lo âu rằng các ngọn lửa quá nhiều và quá lớn này, cộng với sức gió và thời tiếc thay đổi liên miên tại Melbourne, chẳng hạn nhiệt độ có thể lên lại 32 và 36 độ vào thứ Năm và thứ Sáu này, thì mọi nỗ lực cứu hỏa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và lắm hiểm nguy.

Số tiền, dù 2 tỷ, hay bao nhiêu đi nữa, cũng không thể nào bù đắp lại được những mất mát về vật chất, và nhất là tinh thần, với những kỷ niệm gắn bó đời người với ngôi nhà, và với môi trường sống chung quanh.

Trong lúc gặp hoạn nạn, chúng ta dễ nhìn/tìm ra được những tấm lòng cao cả. Những người bạn Việt Nam của tôi đã lên trên mạng xã hội kêu gọi và vận động gây quỹ cho các cơ quan cứu hỏa hoặc các cơ quan từ thiện giúp đỡ trực tiếp nạn nhân hỏa hoạn. Sự nhiệt thành và tích cực của họ làm cho tôi cảm động.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”, câu nói đi vào lòng người Việt Nam, nhất là có ý nghĩa vô cùng đối với những người đã bỏ hết tất cả, và với bàn tay trắng làm lại tất cả, thì tiếc gì những vật chất vô thường. Nước Úc, cũng như bao quốc gia khác trên toàn cầu, đã mở rộng vòng tay, đã cưu mang chúng ta bằng tình người, bằng tấm lòng nhân bản.

Các anh chị tôi đau đớn con tim khi nhìn nước Úc rực cháy. Ai nấy đều cầu nguyện, cho dầu có người không theo một tôn giáo nào cả. Có người ủng hộ hai ngàn đô la, một ngàn đô la, năm trăm đô la v.v… Các anh chị yêu cầu tôi tìm tổ chức từ thiện nào tốt để chuyển tiền đến họ càng sớm càng tốt. Những tấm lòng và cử chỉ này đã làm tôi ấm lòng. Đóng góp tiền bạc hay đồ đạt/thức ăn là hữu hiệu nhất, cho các cơ quan như Salvation Army, Australia Red Cross v.v…

Nhưng đứng trước các nhu cầu cứu trợ cấp bách này, tôi quyết định nạp đơn tình nguyện đi ra tuyến đầu trong lúc còn nghỉ hè với các con. Tôi hiểu làm từ thiện ở Úc, hay ở các quốc gia tiên tiến, không phải là dễ dàng. Thủ tục thì lắm khi rườm rà phức tạp. Chỉ việc tình nguyện vào các trường tiểu học và trung học giúp học sinh thôi thì ngoài các thủ tục căn bản, còn phải có bằng “Làm việc với trẻ con” (Working with Children Check). Ngoài ra, vì tiêu chí “an toàn là trên hết” nên từ chủ nhân đến nhân viên đến các hãng bảo hiểm và các cơ quan chính quyền mọi cấp đều phải hiểu và tuân thủ luật, điều lệ và cung cách hành xử (Act, Regulations and Policy) đối với công việc, sức khỏe và an toàn (Work, Health and Safety). Đúng là hành chánh ở đâu cũng thế, nhưng ở các nước tiên tiến thì hành không phải là chánh, mà an toàn mới là chánh.

Tôi nộp đơn. Chờ một ngày sau chưa thấy trả lời, tôi gọi điện thoại. Anh nhân viên khuyên tôi nên kiên nhẫn chờ, sẽ có người liên lạc. Hai ngày sau, tôi nhận một email bảo tôi lên Internet điền thêm chi tiết. Chỉ tốn 10 phút, tôi đã cho họ biết những gì tôi muốn làm, và những kinh nghiệm và kỹ năng mà tôi có. Tôi biết tôi không thể chống hỏa hoạn vì phải được huấn luyện kỹ càng, như thế cần thời gian. Nhưng có rất nhiều việc tôi có thể làm ngay lập tức. Tuy nóng lòng, tôi cũng hiểu được rằng mọi việc đều cần sự kiên nhẫn, cần đi theo quy trình/thủ tục đàng hoàng, và trên hết muốn cứu người khác thì chính mình phải hiểu các nguyên tắc, kinh nghiệm và bài học của người đi trước để làm hành trang cho chính mình.

Tôi còn nhớ hơn 20 năm về trước, tôi tìm cách thắp lò Barbeque. Thấy lâu cháy quá nên tôi khờ dại đổ xăng vào. Không ngờ nó phực lên rồi bén vào mái hiên. Lửa bắt đầu lan dần, và trong đầu tôi lúc đó nghĩ rằng căn nhà sẽ bốc cháy. Dù xe cứu hỏa có đến thì nó cũng sẽ cháy một phần nào. Lúc tôi đang loay hoay tìm cách chữa cháy, tôi cảm nhận được nó mạnh đến độ có thể thiêu rọi tôi ra tro. Cũng may, chỉ vài phút sau, mưa không biết từ đâu đổ xuống, và ngọn lửa nhờ thế mà tắt luôn. Kể từ đó tôi luôn biết ơn, và luôn cảm phục những người dành cả đời, cả sự nghiệp, để phòng cháy chữa cháy.

Tôi cũng quen biết vài người từng sống sót trong gang tấc sau vụ cháy rừng khủng khiếp cách đây 11 năm, đầu tháng Hai năm 2009, còn gọi là thứ Bảy Đen (Black Saturday). Sau biến cố này, khi nhìn thấy lửa, dù chỉ là pháo nổ hay pháo hoa, họ hốt hoảng lên và ngất xỉu ngay.

Có những chấn thương trong cuộc đời chúng ta không thể nào quên được.

Nước Úc đã cưu mang tôi, gia đình tôi, và hàng trăm ngàn người Việt Nam khác. Tôi sẽ không bao giờ quên cho đến cuối cuộc đời này. Cũng vì thế mà tôi quyết định tình nguyện vào công việc này, bởi vì nạn hỏa hoạn tại đây sẽ luôn hiện hữu chung quanh chúng tôi.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG