Đường dẫn truy cập

‘Đầu xanh’ có tội tình gì?


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vừa chập chững bước đi, rời vòng tay âu yếm của ba mẹ đến trường, một số trẻ đã phải chịu những cú sốc đầu đời - nỗi đau đớn, sợ hãi bởi nạn bạo lực học đường, thay vì các em được yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Bị tát liên hồi, bị cào, véo, đá, đạp; bị dán băng keo vào mồm; bị chận cổ, trút sữa vào họng, bị ném xuống sàn như ném thú nhồi bông ... “Đầu xanh” có tội tình gì ?

Bên trong những cái tên trường rất đẹp

Chỉ riêng thông tin về bạo hành trẻ em mầm non được phản ánh trên các báo cũng có thể kể ra hàng loạt vụ trong thời gian qua. Điển hình như vụ cô giáo Trường mầm non tư thục Tuổi Hoa (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) véo đùi, tát xối xả vào mặt một bé trai 3 tuổi vì bé ăn cháo bị nôn [1]; vụ cô giáo mầm non Trường mầm non Thế giới Thiên thần (Phường 14, Tân Bình, TP HCM) đánh trẻ 3 tuổi gãy tay (mà cô nói là vì “vô ý" đập bàn, “lỡ” trúng tay bé!?) [2]; vụ cô giáo Trường mầm non tư thục Ngôi Sao Xanh (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP HCM) xách ngược trẻ rồi ném xuống như... ném thú nhồi bông! [3]; vụ cô giáo Trường mầm non Sông Lô (xã An Tường, TP Tuyên Quang) tát chảy máu mồm và đạp gãy xương đùi cháu nhỏ 3 tuổi, vì cháu không chịu ngủ trưa [4]; vụ ở Trường mầm non thị trấn Cầu Kè (khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), một cô giáo tát mạnh liên tiếp vào miệng một em bé trong giờ ăn, em la đau, van xin nhưng cô giáo vẫn “bồi” thêm 3 cái tát nữa vào miệng mới hả giận. Clip được đăng lên Youtube khiến ai xem cũng đều hết sức phẫn nộ [5].

Vụ được báo chí phản ánh gần đây nhất là vụ cô giáo Trường mầm non Cầu Vồng (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) liên tiếp ép, đổ sữa vào miệng và đá cháu bé vì cháu uống sữa... chậm [6]. Sự việc trên làm cho dư luận rất bức xúc.

Tuổi Hoa, Thế giới Thiên thần, Ngôi Sao Xanh, Cầu Vồng... toàn những cái tên trường rất đẹp nhưng ngờ đâu bên trong những ngôi trường ấy nạn bạo hành trẻ em xuất hiện, sự nhẫn tâm vô cảm đã xảy ra.

Phụ huynh không có bằng chứng

Cần phải nói rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, những vụ bạo hành có bằng chứng, được phản ánh chính thức trên báo chí và mạng xã hội. Còn rất nhiều những vụ bạo hành trẻ khác ở trường mầm non. Không ít vụ xảy ra nhưng được nhà trường dàn xếp với phụ huynh cho kín chuyện để giữ uy tín nhà trường, địa phương. Không ít vụ phụ huynh không biết hoặc không có bằng chứng để tố cáo giáo viên. Một số giáo viên “qua mặt” được phụ huynh khi đánh trẻ mà không để lại dấu vết. Hiện nay còn rất ít trường có đặt camera theo dõi việc chăm sóc trẻ của giáo viên. Đó là chưa nói, dẫu có camera nhưng nếu lãnh đạo của trường sợ mất uy tín hay cố ý bao che thì phụ huynh cũng chịu thua, con bị đánh nhưng không có cách nào lên tiếng. Vậy nên trong thực tế có nhiều vụ bạo hành trẻ em chìm trong im lặng, trong nỗi đau của trẻ, nỗi bức xúc của phụ huynh.

Ngay cả trường có đặt camera, giáo viên vẫn có thể “thủ tiêu” được bằng chứng bằng cách lôi trẻ đi chỗ khác để đánh. Đánh trẻ nếu có dấu vết thì giáo viên “đổ lỗi khống” cho trẻ tự té, bị bạn cào cấu, xô đẩy. Trẻ dưới 3-4 tuổi còn rất vô tư, một số em rất sợ cô giáo nên không dám mách chuyện mình bị cô giáo đánh với ba mẹ.

Con tôi cũng từng bị cô giáo mầm non lấy băng keo dán vào miệng vì tội... khóc nhiều. Băng keo không để lại dấu vết gì nhưng dán vào miệng thì hại cho trẻ, vì có hóa chất.

Một lần khác, cô còn bắt cháu nằm xuống nền nhà rồi lấy băng keo dán hai chân, hai tay lại vì cháu quá... hiếu động, chạy, nghịch trong lớp. Mặc dù cháu về có kể lại (và vài bạn của cháu cũng nói thế) nhưng cô giáo lại chối phăng, bảo rằng trẻ con nói bậy, rồi “diễn” tỉnh bơ rằng: “Có thể trong khi cô đi ăn cơm, các cháu tự nghịch với nhau thôi”.

Từ đó trở đi, cô thường mắng cháu, làm cháu rất sợ, sữa cháu đem theo, có bữa cô không cho uống. Ngủ trưa cô không cho nằm gần quạt mát. Đồ sạch của cháu, cô đem lau nước tiểu trẻ khác rồi bảo cháu tè dầm. “Trẻ không nhớ”, “trẻ nói bậy” là câu chống chế của cô khi bị phụ huynh phàn nàn, thắc mắc. Trường không có camera, bằng chứng đâu để kiện cô giáo?

Sợ cô giáo thù vặt, thù dai... nên không ít phụ huynh chịu đựng cho qua chuyện khi con mình ở trường bị đối xử thô bạo.

Những trường hợp báo chí phản ánh là nhờ camera của trường ghi lại hoặc phụ huynh tự tìm cách quay lại. Bao giờ cũng thế, những clip bạo hành trẻ em được đăng lên mạng xã hội mấy ngày rồi, lãnh đạo của trường mới biết và “hết sức bất ngờ”!

Giờ ăn, giờ ngủ của trẻ hay giờ ‘cực hình’?

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Nhưng khổ thay, giờ ăn giờ ngủ của các cháu, phụ huynh không thể kiểm soát được. Trường đóng kín cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Giờ ăn, giờ ngủ trưa là thời điểm các cháu dễ bị “tra tấn”, bạo hành. Ăn chậm, thức ăn đổ ra ngoài, ăn rồi nôn ra, gây mất vệ sinh, không ngủ trưa, ngủ trưa tè dầm... là những lý do các cháu bị dọa, bị mắng, bị đánh. Trẻ không biết “chiều ý” người lớn nên bao nhiêu vất vả, bực dọc... các cô đổ hết lên đầu học trò bằng những cái tát liên hồi, cái ném, cái đạp, cái đá... Không ít cô giáo đánh trẻ, đánh cho bõ tức, làm cho ai thấy cũng phẫn nộ, bất bình.

Trách chi nhiều học sinh bây giờ đối xử với bạn bè rất bạo lực, vì ngay từ nhỏ các em đã bị bạo hành hoặc chứng kiến nhiều cảnh bạo hành, mà người thực hiện là thầy cô giáo, người được xem là “khuôn vàng thước ngọc” với trẻ.

Lắp đặt camera và cái tâm người dạy trẻ

Nghề giáo vất vả, giáo viên mầm non càng vất vả hơn nhiều. Một ngày Chủ Nhật ở nhà chăm vài trẻ nhỏ, phụ huynh cũng đã thấy rất vất vả và đôi lúc thật bực mình. Trong khi đó, 1 - 2 cô giáo chăm sóc một lúc 30 - 40 đứa trẻ thì rất vả, mệt nhọc biết bao. Phụ huynh ai cũng hiểu và cảm thông. Nhưng đã chọn nghề cô nuôi dạy trẻ mà không yêu thương trẻ, không tận tâm chăm sóc trẻ thì có lẽ cần đổi nghề vậy.

Về mặt quản lý, hiện nay chỉ khiến trách, cảnh cáo, phạt vài triệu đồng, đình chỉ công tác đối với giáo viên vi phạm. Lẽ ra giáo viên nào bạo hành trẻ em thì phải bị xử lý theo Luật trẻ em (2016) và Bộ luật hình sự. Đồng thời cần quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu các trường mầm non, phòng giáo dục, sở giáo dục, nếu để xảy ra nạn bạo hành trẻ em trong nhà trường. Nên chăng phải tiến tới việc yêu cầu bắt buộc lắp đặt camera đối với các trường mầm non ở từng phòng học để hiệu trưởng theo dõi, quản lý việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ của giáo viên. Tất nhiên, không có cái camera nào thay thế được cái tâm thương yêu và trách nhiệm của cô giáo đối với trẻ mầm non - những “búp trên cành” cần được che chở, chăm sóc, bảo vệ.

Nguồn trích dẫn:

[1] http://afamily.vn/ha-noi-co-giao-mam-non-veo-dui-tat-xoi-xa-vao-mat-tre-3-tuoi-khi-cho-an-20160616031857427.chn

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/co-giao-mam-non-danh-tre-3-tuoi-gay-tay-336880.html

[3] https://www.youtube.com/watch?v=5ALSL6KtXBI&feature=share

[4] http://www.phapluatplus.vn/tuyen-quang-co-giao-mam-non-dap-gay-xuong-dui-chau-nho-3-tuoi-d16383.html

[5] https://www.youtube.com/watch?v=65zDd2PXmuo

[6] http://kenh14.vn/giao-vien-mam-non-lien-tiep-do-sua-vao-mieng-da-vao-nguoi-khi-tre-dang-ngu-20161103081555801.chn

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG