Đường dẫn truy cập

Đề xuất của Trump về di trú khơi dậy tranh cãi


Tổng thống Trump giới thiệu đề xuất di trú mới của mình
Tổng thống Trump giới thiệu đề xuất di trú mới của mình

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/5 loan báo muốn chỉnh sửa toàn diện chính sách di trú theo hướng ưu tiên cho những người trẻ thông thạo tiếng Anh và được các công ty Mỹ nhận làm việc, hơn là những di dân dựa vào quan hệ gia đình với công dân Mỹ.

“Nếu vì nguyên nhân nào đó, có lẽ là nguyên nhân chính trị, mà chúng ta không thể làm cho Đảng Dân chủ tán thành kế hoạch an ninh cao dựa trên sự xứng đáng này, chúng ta sẽ thông qua nó ngay sau bầu cử khi chúng ta giành lại Hạ viện, giữ được Thượng viện và, đương nhiên, giữ được Nhà Trắng,” ông Trump phát biểu ở Vườn Hồng trước các nghị sỹ Cộng hòa và các thành viên nội các.

Đối với nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ và những người còn ở Việt Nam đang chờ đợi được người thân bảo lãnh sang Mỹ định cư, đây là một tin ‘rất xấu.’ Họ lo lắng rằng nếu Tổng thống Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì có thể đề xuất này của ông sẽ trở thành hiện thực, và khi đó, con đường của họ được đoàn tụ với người thân tại Mỹ càng thêm khó khăn.

Từ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Việt, một người cao tuổi đang chờ con bảo lãnh qua Mỹ, cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump là không công bằng:

“ Con tôi qua Mỹ cũng đã lâu rồi. Trong bao nhiêu năm lao động tại nước Mỹ nó cũng đã đóng thuế và đóng góp cho nước Mỹ nói chung, thì bây giờ khi đủ điều kiện nó phải có quyền bảo lãnh cha mẹ chứ. Còn các bậc cha mẹ thì phải nuôi nấng, dạy dỗ con cái trong bao nhiêu năm để nó trưởng thành và qua Mỹ lao động và cũng chỉ biết trông vào con cái lúc tuổi già thôi. Vì thế tôi thấy đây là một đề xuất không công bằng và bất hợp lý!!!”

Hiện mỗi năm có 1,1 triệu người đến Mỹ được cấp quy chế thường trú nhân (tức thẻ xanh) mà trong đó khoảng 2/3 là dựa trên quan hệ gia đình.

Ông Trump đề xuất giữ mức ‘quota’ đó ổn định, nhưng thay vì hệ thống di trú dựa trên quan hệ gia đình thì chuyển sang hệ thống di trú dựa trên ‘sự xứng đáng’, tương tự như ở Canada. Tổng thống nói theo kế hoạch này, 57% số thẻ xanh được cấp phải dựa trên năng lực và trình độ.

Những người ủng hộ nói đề xuất ‘Visa xây dựng nước Mỹ’ của Tổng thống Trump hợp lý khi nhắm tới việc thu hút nhân tài, giảm bớt gánh nặng trợ cấp xã hội.

Từ thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, ông Toàn Đỗ, một cựu chủ tiệm đã có nhiều năm kinh doanh các mặt hàng giá rẻ, nói với VOA Việt ngữ:

“Tôi ủng hộ đề xuất của ông Trump vì đề xuất này sẽ hạn chế những đối tượng nhập cư không xứng đáng, giảm gánh nặng xã hội về trợ cấp cho những người sang đây không có trình độ và không có mong muốn đi làm. Mặc dù tôi cũng là một người nhập cư nhưng tôi thấy chính sách này tốt cho nước Mỹ nói chung mà không chỉ tốt cho ngân sách đâu mà còn tốt cho xã hội nữa vì sẽ hạn chế được những người yếu kém dễ nảy sinh các tệ nạn xã hội...”

Tuy nhiên, những người phản đối lập luận rằng nền kinh tế Mỹ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động phổ thông, ví dụ như trong các lĩnh vực chế biến thịt hay chế biến thực phẩm nói chung, trong ngành nông nghiệp, xây dựng, hay trong các hãng xưởng cơ khí. Những ngành nghề đòi hỏi công việc ‘lao động chân tay’ ở Mỹ dựa vào lao động nhập cư là chủ yếu. Với đề xuất của Tổng thống ưu tiên cho người có trình độ, nhân lực phổ thông bị hạn chế, thì đây sẽ là một vấn đề lớn.

Chị Nguyễn Lan Hương, một người Việt sinh sống lâu năm tại bang Maryland, chia sẻ cảm nghĩ:

“Thực tế, nếu bạn tới những hãng xưởng như các hãng xưởng chế biến thịt, hãng xưởng cơ khí chẳng hạn, bạn hãy thử xem có bao nhiêu người Mỹ bản địa hay hầu hết là di dân tới từ các quốc gia khác. Người Mỹ ở đây họ được hưởng nền giáo dục tốt nên phần lớn mọi người đều được đi học và có trình độ nên không còn nhiều người làm những công việc phổ thông ấy nữa. Vậy nếu chúng ta chỉ ưu tiên những người trình độ cao mà không quan tâm đến nhu cầu lao động phổ thông thì sao nhỉ? Liệu đã hợp lý hay chưa? Đề xuất này của ông Trump nghe có vẻ hợp lý nhưng nếu chỉ cần suy nghĩ một chút thôi, chúng ta đã thấy những điểm bất hợp lý ngay rồi.”

Bà Thu Thủy, một người định cư tại Mỹ đã nhiều năm và làm việc cho một hãng chế biến thực phẩm tại thành phố Arlington, tiểu bang Virginia, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Hiện tại hãng nơi tôi làm việc, lao động hầu hết là người nhập cư và những lao động giỏi nhất, có kỹ năng và chăm chỉ nhất cũng chính là họ chứ không phải những lao động Mỹ bản địa họ đâu có làm. Nếu không có những lao động nhập cư này thì những hãng xưởng này công việc rõ ràng sẽ chậm lại và khó khăn không ít đấy.”

Kế hoạch cải tổ di trú được soạn thảo bởi con rể đồng thời là cố vấn của Tổng thống Trump, ông Jared Kushner, và ông Stephen Miller, một cố vấn được biết đến với lập trường cứng rắn về di trú.

Ý tưởng này bị Đảng Dân chủ và các tổ chức ủng hộ di dân chỉ trích nặng nề. Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi nói ‘sự xứng đáng’ là một từ ‘mang tính miệt thị’.

Đề xuất của Tổng thống Trump phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua mới có thể thành luật để thực thi. Dù Thượng viện đang bị kiểm soát bởi Đảng Cộng hòa của ông Trump, nhưng cần phải có sự ủng hộ của các nghị sỹ Đảng Dân chủ để chuẩn thuận các đạo luật trong khi Hạ viện hiện do Đảng Dân chủ chiếm đa số.

VOA Express

XS
SM
MD
LG