Theo các giới chức tại bang Texas, Louisiana và các bang khác ven bờ vịnh Mexico, lệnh tạm đình chỉ các vụ khoan dầu mới tại các vùng nước sâu có thể khiến cho hàng ngàn người mất việc và khiến cho các công ty dọn các dàn khoan đắt giá của họ sang những nơi khác trên thế giới, ở những quốc gia đang rất cần tới kỹ thuật này.
Tuần trước Tổng thống Obama có nói rằng ông sẽ hủy bỏ lệnh tạm đình chỉ sớm hơn nếu như ủy ban duyệt xét những vấn đề an toàn có thể hoàn tất công việc sớm hơn.
Hàng ngàn người trong lãnh vực năng lượng bị mất việc có thể gây thiệt hại ghê gớm cho các các bang vùng vịnh nơi mà phần lớn thu nhập và mức tăng trưởng kinh tế phải dựa vào ngành công nghiệp dầu khí. Nhưng toàn thể quốc gia cũng sẽ cảm nhận ảnh hưởng nếu như việc khai thác dầu khí trong vùng vịnh Mexico giảm mạnh.
Mặc dù hiện đang xảy ra khủng hoảng vì dầu phun, ông Tyler Priest, một sử gia về lãnh vực năng lượng tại đại học Houston, nói rằng Hoa kỳ sẽ hoặc phải tiếp tục khoan dầu trong vùng vịnh Mexico, hoặc phải nhập khẩu thêm dầu từ nước ngoài. Ông nói:
"Điều có thể hiểu được là tại sao mọi người hiện nay đang hết sức lo lắng về các hoạt động khai thác dầu ở ngoài khơi khi họ nhìn thấy tác hại ghê gớm hiện nay và trong tương lai của vụ dầu phun. Nhưng mặt khác, chúng ta cần đến dầu ở ngoài khơi. Dầu khai thác từ vùng vịnh Mexico chiếm tới 30% sản lượng dầu nội địa của chúng ta."
Giáo sư Priest cho biết các công ty năng lượng đã bắt đầu tìm cách khoan dầu ở ngoài khơi ngay từ năm 1938, nhưng việc khai thác này đã phát triển nhanh chóng sau thế chiến thứ hai khi mà việc tìm kiếm nguồn năng lượng ở những nơi khác trở nên khó khăn hơn.
Ông còn cho biết thêm là những mỏ dầu ở chỗ nước sâu được khai thác cũng cho thấy là có trữ lượng rất cao:
"Sản lượng của những mỏ dầu ngoài khơi cao không thể tưởng tượng được. Chỉ một giếng dầu ngoài khơi thôi cũng cung cấp từ 20, 30, có khi đến 40 ngàn thùng dầu một ngày, trong khi các mỏ dầu trên đất liền hay tại những chỗ nước nông, một giếng tốt chỉ sản xuất được chừng 1.000 cho tới 3.000 thùng một ngày.
Kể từ 30 năm nay chưa hề có một tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra do việc khai thác dầu ở chỗ nước sâu trong vùng vịnh Mexico. Nhưng giáo sư Tyler Priest nói rằng với tầm cỡ của tai họa đang diễn tiến, có phần chắc nó sẽ đưa tới hệ quả là chính phủ sẽ đưa ra những luật lệ chặt chẽ hơn và sẽ kiểm soát gắt gao hơn. Theo ông, cái khó mà chính phủ phải đối phó là làm sao tìm ra các thanh tra và các giới chức soạn thảo các luật lệ có đủ huấn luyện chuyên môn và kinh nghiệm hầu thực hiện công tác được giao phó. Ông giải thích:
"Họ có công việc đặc biệt được giao phó vì có lẽ đây là ngành công nghiệp tinh vi nhất trên trái đất ngày nay."
Nhưng giáo sư Priest nói rằng chính phủ và ngành công nghiệp khai thác dầu hỏa ở vùng nước sâu sẽ phải giải quyết những vấn đề liên hệ đến việc khai thác những nguồn tài nguyên trong một môi trường đầy rủi ro như vậy. Giáo sư đại học Houston này nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay cần phải khơi dậy ngay một cuộc thảo luận về phát triển năng lượng.
Theo giáo sư Tyler Priest, trong số những giải pháp trước mắt là chuyện chuyển đổi các xe tải chạy bằng diesel hiện nay thành các xe chạy bằng khí đốt, loại năng lượng có rất nhiều tại Hoa Kỳ hiện nay, nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật khoan giếng dầu.
Nhưng để chuyển đổi và hoàn tất được, công trình này sẽ phải mất nhiều năm mới xong. Trong khi chờ đợi thì cả nước vẫn còn cần đến xăng dầu để chạy xe, chạy máy.
Thảm họa dầu tràn vì một dàn khoan do công ty BP điều hành bị sập ở ngoài khơi bờ biển bang Louisiana và lệnh tạm ngưng khai thác dầu trong 6 tháng ở những vùng nước sâu đe dọa đến một trong những ngành công nghiệp chủ yếu của quốc gia. Các hoạt động khai thác dầu và khí đốt trong vùng vịnh Mexico đã trở thành một nguồn công ăn việc làm và nguồn năng lượng quan trọng cho Hoa Kỳ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1