Đường dẫn truy cập

Đến Thiên An Môn, nghĩ về tính chính trị của địa điểm


Đến Thiên An Môn, nghĩ về tính chính trị của địa điểm
Đến Thiên An Môn, nghĩ về tính chính trị của địa điểm

Sống ở Úc, mỗi lần đi nước ngoài, sự mất mát đầu tiên mà tôi cảm nhận được ngay là cảm giác yên bình. Úc thường tham chiến chung với Anh và sau đó với Mỹ, nhưng tất cả đều là chiến tranh ở xa. Gần đây, vì được/bị xem là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong cả hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Úc cũng nằm trong tầm ngắm của các tổ chức khủng bố quốc tế, tuy nhiên, cho đến nay, chưa có biến động đáng tiếc nào xảy ra trên lãnh thổ nước Úc cả. Có lẽ vì thế, ở đâu căng thẳng và lo âu thì cứ căng thẳng và lo âu, ở Úc, người ta vẫn thấy yên ổn và vô cùng thoải mái. Ý niệm an ninh chỉ xuất hiện khi người dân bước đến phi trường. Còn trong đời sống hàng ngày, từ nông thôn đến thành thị, không có gì gợi cho người ta nhớ đến khủng bố cả.

Đến Thái Lan thì khác. An ninh chặt chẽ ở phi trường, đã đành. Bước chân vào các trung tâm thương mại lớn, tất cả mọi người đều bước qua một cánh cửa đặc chế để thăm dò vũ khí, bên cạnh bao giờ cũng có một hai nhân viên túc trực. Các nhân viên ấy thường khá nhẹ nhàng, lặng lẽ và lịch sự. Họ đứng đó, chắp tay và cúi đầu chào mọi người một cách cung kính. Nhưng vẫn đầy cảnh giác. Chỉ cần nghe tiếng máy báo động từ cánh cửa, họ sẽ chận lại và lục lọi các giỏ xách ngay. Tất cả những hình ảnh đều là những sự nhắc nhở cụ thể: thế giới không yên bình và tai hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ Thái Lan sang Trung Quốc, tôi thấy những chiếc máy dò xét vũ khí ấy tiến thêm một bước nữa: chúng ít xuất hiện ở các trung tâm thương mại mà lại xuất hiện rất nhiều, nếu không muốn nói là luôn luôn, ở các tụ điểm công cộng, đặc biệt các khu di tích và quảng trường.

Trước, ở Úc, tôi đã nghe nhiều về hai quảng trường lớn ở Bắc Kinh, một, lịch sử,: quảng trường Thiên An Môn và một, hiện đại: quảng trường Olympics. Không những nghe, tôi còn thấy nhiều lần trên ti vi cũng như trên báo chí và internet. Thế nhưng có một điều tôi hoàn toàn hiểu sai: nghe chữ “quảng trường” (square) tôi hình dung ra hai đặc điểm: rộng và mở. Đến, tôi mới biết, cả hai quảng trường ấy đều rộng, rất rộng, nhưng không hề mở: chung quanh đều có hàng rào kín. Tất cả khách tham quan đều phải bước qua cánh cửa có máy thăm dò vũ khí và có công an đứng gác. Không phải một, hai người làm cảnh. Mà là cả toán. Ít nhất là năm, bảy người ở mỗi cửa. Ngoài ra, còn có một số cảnh sát mặc sắc phục rảo quanh bên trong quảng trường. Đó là chưa kể đến các công an chìm. Thực tình, tôi không rõ những hàng rào, cánh cửa và máy thăm dò vũ khi ấy xuất hiện từ bao giờ. Sau cuộc xuống đường tranh đấu cho dân chủ của sinh viên vào năm 1989 hay sau cuộc khủng bố ở New York vào năm 2001?

Không thể không tự hỏi: Tại sao người ta phải canh phòng hai quảng trường ấy một cách cẩn mật như thế? Để bảo vệ tính mạng của dân chúng ư? Chắc chắn là không phải. Số người đến tham quan hai quảng trường ấy khá đông nhưng vì chúng rộng, mật độ người dân không thể bằng các trung tâm thương mại hoặc các sân vận động. Ví dụ, có một quả bom nổ tung ở cả ba nơi vừa kể, số lượng thương vong thấp nhất chắc chắn là ở các quảng trường. Bởi vậy, với dân chúng, trước nguy cơ khủng bố, quảng trường không phải là nơi nguy hiểm nhất.

Quảng trường, đặc biệt hai quảng trường Thiên An Môn và Olympic chỉ thực sự nguy hiểm đối với chính quyền. Một vụ nổ bom ở hai nơi ấy, cho dù gây thương vong rất ít, vẫn gây nhiều tác hại đối với chính quyền hơn hẳn ở những nơi khác. Ở những nơi khác, khủng bố là khủng bố. Ở Thiên An Môn và quảng trường Olympics, khủng bố lại trở thành cách mạng, hoặc ít nhất, ngòi nổ của cách mạng.

Lý do: cả hai quảng trường ấy không phải chỉ là địa điểm mà còn là biểu tượng. Từ hơn hai thập niên trở lại đây, Thiên An Môn trở thành biểu tượng của khát vọng tự do và tinh thần bất khuất của thanh niên sinh viên cũng như biểu tượng của sự độc đoán và tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. Dù hai biểu tượng ấy đã được toàn cầu hoá, chính quyền Trung Quốc tuyệt đối không muốn ai nhắc và nhớ đến chúng cả. Họ muốn quên và muốn mọi người quên. Một vụ nổ bom, cho dù nhỏ; thậm chí, một ngọn lửa tự thiêu, cho dù của một người, ở Thiên An Môn sẽ tức khắc biến thành một sự kiện nổi bật trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới. Nó sẽ làm thức dậy những ký ức tập thể không phải chỉ của nhân dân Trung Quốc mà còn của cả nhân loại.

Quảng trường Olympics, trước, chỉ là biểu tượng của sự hóa thân của Trung Quốc, từ một nước nghèo thành một nước giàu, hơn nữa, giàu đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Mỹ; từ một nước yếu đến một nước mạnh, một trong những siêu cường có ảnh hưởng nhất trong sinh hoạt chính trị quốc tế; và từ một nước lạc hậu thành một nước văn minh, hơn nữa, có văn hoá. Khía cạnh thứ ba này, tuy là thứ yếu, nhưng lại được chính quyền Trung Quốc tập trung tuyên truyền nhiều nhất, cả tuyên truyền đối nội lẫn tuyên truyền đối ngoại: người Trung Quốc đã thay đổi hẳn trước và sau Olympics 2008. Trước, họ thu rút vào trong; sau, họ mở toang ra với thế giới; trước, họ là những nông dân quê mùa hay khạc nhổ ngoài đường, sau, họ là những con người hiện đại và lịch sự, v.v...

Tuy nhiên, từ năm ngoái, với sự kiện nghệ sĩ tạo hình Ngải Vị Vị (Ai Weiwei), người thiết kế sân vận động Tổ chim (Bird’s Nest) nổi tiếng, bị bắt và sau đó, giam lỏng, quảng trường Olympics đã trở thành một biểu tượng khác: phản kháng. Đằng sau và bên cạnh ý niệm phản kháng bao giờ cũng có nhiều ý niệm khác, chẳng hạn, độc tài và khát vọng dân chủ và nhân quyền.

Có thể nói, trên quảng trường Olympics, hình ảnh Vị Ngải Ngải giống như một đống rơm. Bất cứ ngọn lửa nào bùng lên ở đó cũng đều biến thành hoả hoạn.

Điều khiến chính quyền Trung Quốc cảnh giác đặc biệt đối với hai quảng trường Thiên An Môn và Olympics, như vậy, không phải vì độ lớn, vì mật độ người thăm viếng hay nguy cơ thương vong nếu xảy ra khủng bố mà là vì tính biểu tượng của chúng.

Cũng dễ hiểu. Về phương diện văn hoá, một trong những đặc điểm lớn nhất của loài người là biết tạo ra ý nghĩa; một trong những kết tinh lớn nhất của ý nghĩa tập thể chính là biểu tượng. Biểu tượng trở thành đặc trưng của văn hoá. Tìm hiểu một nền văn hoá là tìm hiểu một hệ thống biểu tượng. Về phương diện chính trị, phá vỡ một biểu tượng cũng là phá vỡ một quyền lực; khi quyền lực ấy là một hệ thống, việc phá vỡ nó là một cuộc cách mạng.

Ở cả hai phương diện vừa nêu, địa điểm vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị quốc gia cũng như quốc tế. Chúng ta hay nói và/hoặc nghe nói internet xoá nhoà các biên giới, qua đó, dần dần giảm thiểu ý nghĩa của yếu tố địa lý trong quan hệ giữa người và người. Tuy nhiên, trong sinh hoạt chính trị, những địa điểm mang tính biểu tượng vẫn còn là một trung tâm bất khả thay thế. Một cuộc biểu tình nổ ra ở nơi này khác ở những nơi khác là vì tính biểu tượng gắn liền với những nơi ấy. Cũng là một hành động tự thiêu hay tự sát để phản đối chính quyền, nhưng ở địa điểm này, chúng gây chú ý; ở địa điểm khác, chúng chìm ngay vào quên lãng.

Những người cầm quyền, cho dù ở Trung Quốc hay ở bất cứ đâu khác, đều hiểu rất rõ điều đó.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG