Tổ chức Di dân Quốc tế loan báo họ đang gia tăng những nỗ lực để đưa di dân Châu Phi bị lạm dụng và ngược đãi ở Libya về nước. Theo tường thuật của thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tại Geneve, phần lớn những người đó là nạn nhân của cảnh sát và các lực lượng dân quân ở Libya.
Trong vài tháng qua, Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) cho biết đã hồi hương hàng ngàn người Châu Phi từ Libya, chủ yếu là người Burkina Faso, Gambia và Senegal. Trong chiến dịch mới nhất cách đây vài ngày, IOM đã hồi hương 117 di dân người Burkina Faso, trong đó có 5 phụ nữ và 2 trẻ em.
Theo phát ngôn viên của IOM, ông Itayi Viriri, các di dân báo cáo họ bị lực lượng dân quân ngược đãi tàn tệ và bị bóc lột trắng trợn tại nơi làm việc. Vẫn theo lời ông Viriri, nhiều thanh niên trai tráng cho hay họ làm việc nhiều tuần lễ mà không được trả lương.
Ông Viriri cho biết: "Chúng tôi có các trường hợp như các thanh niên làm việc phụ hồ, cứ mỗi lần lãnh lương là họ bị dân quân lục soát chỗ ở và cướp sạch tiền bạc... Không một ai dám đòi bồi thường hoặc dám tìm cách đưa các tội ác trắng trợn này ra trước ánh sáng để được điều tra."
Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho biết các di dân tại Libya bị bóc lột và bị vi phạm nhân quyền bởi chính quyền, các nhóm võ trang và các tay buôn người. Phúc trình cho biết nhiều di dân bị giam giữ tùy tiện, bị tra tấn, bị cưỡng bức lao động, bị tống tiền, và bị ngược đãi bằng nhiều hình thức khác trong một thời gian dài.
Ông Viriri nói với đài VOA rằng IOM còn có những lời khai của các di dân Châu Phi bị đánh đập và bị đe dọa bằng nhiều hình thức đối xử vô nhân đạo khác.
Ông Viriri nói: "Có một vài trường hợp di dân bị bắt giữ với âm mưu đòi tiền chuộc. Có một thanh niên cho biết nếu bị bắt giữ ở Libya hoặc rơi vào tay các dân quân, thì họ phải trả một khoản tiền chuộc tương đương với 700 đô la."
Người phát ngôn của IOM cho hay đa phần những người đưa ra khỏi Libya trong năm qua là các di dân mới đến. Vẫn theo lời ông, họ tự nguyện tìm tới IOM để xin được giúp đỡ để quay về nước vì thấy không được bảo vệ.