Đường dẫn truy cập

Di sản của Tổng Bí thư thứ 12 gồm những gì?


Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp TT Nga, Vladimir Putin, tại Hà Nội, 12 tháng 11, 2024.
Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp TT Nga, Vladimir Putin, tại Hà Nội, 12 tháng 11, 2024.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư thứ 12 của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vừa qua đời hôm 19/7/2024. Sau sự kiện này, có rất nhiều nhận định, ý kiến khác nhau cả về công trạng lẫn trách nhiệm của ông đối với đảng CSVN nói riêng và hiện trạng chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam nói chung. Đó cũng là lý do không thể không ngẫm nghĩ xem thật ra di sản của ông Trọng gồm những gì...

Ông Trọng là người đầu tiên được các thành viên chủ chốt trong đảng CSVN đề cử, bỏ phiếu bầu làm Tổng Bí thư trái với Điều lệ của chính tổ chức này. Trong điều lệ, đảng CSVN từng xác định, không chấp nhận bất kỳ ai giữ vai trò Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ. Trường hợp ông Trọng trở thành “trường hợp đặc biệt”, một “ngoại lệ”!

Ông Trọng là người thứ hai đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư qua đời khi đang tại chức. Người đầu tiên là ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn giữ vai trò Tổng Bí thư gần 26 năm và đảng CSVN chỉ đề cử - chọn người kế nhiệm Tổng Bí thư thứ bảy khi ông Lê Duẩn qua đời vào tháng 7 năm 1986. Sau ông Lê Duẩn, ông Trọng là người thứ hai có thời gian tại vị lâu nhất (hơn 13 năm) và cũng qua đời lúc đang đương nhiệm.

Dẫu sức khỏe suy sụp, ông Trọng không buông bỏ vai trò quyết định cả đường hướng hoạt động của đảng CSVN lẫn lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong giai đoạn từ 2026 đến 2030. Chỉ sau khi ông Trọng trở thành Tổng Bí thư (2011), BCH TƯ đảng CSVN mới thành lập “Tiểu ban nhân sự” để nhiệm kỳ này “quy hoạch” lãnh đạo các cấp của nhiệm kỳ sau.

Ông Trọng là người khởi xướng ý tưởng xem “tham quan, ô lại” là... “củi”, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm “chỉnh đốn đảng” là... “đốt lò”. Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, BCH TƯ đảng các khóa 11 và 12 rồi 13 đã đưa ra những quyết định trước đó chưa từng có: Loại bỏ, thậm chí xử lý hình sự hàng loạt cựu và Ủy viên BCH TƯ đương nhiệm, kể cả những Ủy viên BCH TƯ đảng là thành viên Bộ Chính trị.

Lý do khiến hàng loạt cựu và Ủy viên BCH TƯ đảng đương nhiệm, trong đó có không ít thành viên Bộ Chính trị nằm trong nhóm lãnh đạo tối cao của cả hệ thống chính trị như Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội,... lẫn hệ thống công quyền như Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng,... đột nhiên trở thành... “củi” rồi bị vứt vào... “” là vì bị buộc phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các lỗi lầm của thuộc cấp!

Việc càng ngày càng nhiều cựu và Ủy viên BCH TƯ đảng đương nhiệm bị xử lý (phần lớn là do các “vi phạm, khuyết điểm” có từ trước khi được “Tiểu ban nhân sự” đưa vào “quy hoạch nhân sự”) thường được ca tụng như công lao của ông Trọng nói riêng và nỗ lực “chỉnh đốn” của đảng CSVN nói chung. Vấn đề cần ngẫm nghĩ là nếu không có những chỉ đạo, không có hàng loạt quy định về “quy hoạch nhân sự” liên tục được ban hành để nâng cao vai trò cũng như quyền hạn của “Tiểu ban nhân sự”, không có “Tiểu ban nhân sự” để chủ động lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiệm kỳ sau, việc đề cử, bầu chọn nhân sự trong đảng CSVN được thực hiện một cách dân chủ, công bằng như lẽ ra phải thế thì có thể dẫn tới thực trạng như đã biết và đang thấy chăng?

Cứ thử đối chiếu lý do dẫn đến việc xử lý hàng loạt cựu và Ủy viên BCH TƯ đảng đương nhiệm ắt sẽ nhận ra các “vi phạm, khuyết điểm” của họ đều xảy ra trong khoảng thời gian ông Trọng đảm nhận vai trò Tổng Bí thư và phụ trách “Tiểu ban nhân sự”. Ông Trọng chẳng khác gì người dùng “quy hoạch nhân sự” làm phương tiện trồng cây để lấy... “củi” đưa vào... “”, tạo ra dấu ấn sâu đậm cho sự nghiệp chính trị của ông.

Trước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thường được ông Trọng khẳng định là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, sau này ông bổ sung thêm “bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, thế thì tại sao truy cứu trách nhiệm liên đới và xử lý những cá nhân lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiệm kỳ sau lại không nhất quán như vậy dù đó mới là gốc rễ?

Song hành với... “củi” và... “”, qua tuyên truyền ông Trọng được xem như một người “khiêm tốn, bình dị”, tiên phong trong “chống xu nịnh”. Tuy nhiên ông là Tổng Bí thư thứ ba được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tổ chức ca tụng tới mức gây kinh ngạc. Trong lịch sử đảng CSVN, chỉ có ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn từng được tụng ca kiểu như đó là... “niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”.

Chỉ tính từ 2019 đến 2023, có ít nhất bốn lần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dùng công quỹ để in “sách” của ông Trọng và về ông Trọng. Lần đầu (2019) là ấn phẩm“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế (tập hợp 130 bài ca ngợi ông Trọng vừa là “một nhân cách lớn”, vừa là “nhà lãnh đạo có tâm, có tầm” và được “bạn bè quốc tế” yêu quý, kính trọng) [1]. Lần thứ hai (tháng 11/2021) là ấn phẩm giới thiệu bài ông Trọng viết hồi giữa năm 2021 - “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời đính kèm “những ý kiến, đánh giá tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng, miền của tổ quốc về bài viết của Tổng Bí thư” và “các bài trao đổi, phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, các đồng chí, bạn bè quốc tế, các chính đảng... về bài viết của Tổng Bí thư[2]! Lần thứ ba (tháng 5/2023), bài viết vừa nêu và 28 bài viết, bài phát biểu của ông Trọng được dịch sang bảy ngoại ngữ với số lượng in được công bố là 32.000 bản để góp phần “lan tỏa những giá trị quý báu” từ tư tưởng của ông Trọng để... “giúp bạn bè quốc tế[3]. Lần thứ tư (tháng 6/2023) là ấn phẩm khác với “181 bài viết, bài thơ, thư, điện được chắt lọc từ hàng nghìn bài trên các trang báo, mạng xã hội”, nhằm tiếp tục bày tỏ việc “vững tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư”, cũng như “tình cảm của nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư[4].

Chú thích

[1] https://laodong.vn/thoi-su/nhung-phat-bieu-an-tuong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1368702.ldo

[2] https://stbook.vn/store_detail/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-voi-tinh-cam-cua-nhan-dan-trong-nuoc-va-ban-be-quoc-te/363

[3] https://nhandan.vn/ra-mat-cuon-sach-tap-hop-du-luan-ve-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post674202.html

[4] https://nhandan.vn/ra-mat-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-bang-7-ngoai-ngu-post753641.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG