Một phụ nữ điếc và khiếm thị tại tiểu bang Victoria miền nam Australia đã trở thành người Australia đầu tiên gọi điện thoại bằng một dụng cụ chuyển cuộc nói chuyện thành chữ Braille. Đây là một phần của cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới để thử nghiệm loại công nghệ này tại Australia và Hoa Kỳ. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer gởi về bài tường thuật sau đây.
Bằng một cú điện thoại đơn giản giữa hai chị em, cuộc liên lạc có tính cách lịch sử này đã được thực hiện tại Australia. Bà Michelle Stevens, bị điếc và khiếm thị, nói điện thoại Braille sẽ chấm dứt nhiều năm cô độc của bà. Bà là một trong 5 người Australia tham dự vào một cuộc thử nghiệm mới song song với cuộc thử nghiệm tại Mỹ, nơi công nghệ này được sáng chế.
Thị giác của bà bị tổn thương khi bà bị sanh non. Thính giác của bà bị mất vì tai bị nhiễm trùng nặng. Bà nói máy này sẽ giúp ích rất nhiều cho bà và những người khác.
“Hệ thống điện thoại này sẽ là phương cách phá vỡ sự cô lập của người điếc và mù. Và qua thời gian, tôi nghĩ dụng cụ này khi phát triển thêm nữa sẽ có khả năng giúp cho những người điếc và mù có nhiều cơ hội gia nhập lực lượng lao động. Một rào cản chính đối với những người điếc và mù khi họ có công ăn việc làm là làm thế nào để giao tiếp trong văn phòng bằng điện thoại.”
Điện thoại này giá khoảng 2.500 đô la. Điện thoại hoạt động bằng cách chuyển tiếng nói thành “những chữ Braille sinh động.”
Một cuộc thử nghiệm song hành cũng được thực hiện tại Mỹ trong những tháng tới.
Ông Christopher Engelke là một viên giám đốc của công ty Ultratec ở Mỹ hiện đang điều hành việc thử nghiệm tại Hoa Kỳ. Ông nói đây là một dự án hết sức lý thú.
“Cách thức toàn thể hệ thống hoạt động là một người điếc, hoặc lãng tai nặng, khi nói chuyện có thể sử dụng điện thoại như những điện thoại khác, giống như có phụ đề trên TV. Những người sử dụng chữ Braille có thể đọc những phụ đề đó bằng những chữ Braille nổi. Do đó họ có thể nghe được, nói được và đọc được tất cả những gì người khác nói với họ bằng cách đọc chữ Braille trên điện thoại.”
Những người chế tạo điện thoại mới cho biết dụng cụ này có khả năng thay đổi cuộc sống của những người khiếm thị và những người điếc. Tại Australia có khoảng 330.000 người điếc và mù. Các tổ chức từ thiện cho biết con số này sẽ vượt quá 1 triệu 200.000 người vào năm 2050.