Không lâu sau vụ đầu tháng Chín năm 2017 Bộ Công an bắt hàng loạt quan chức lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nơi mà Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng thành viên trong giai đoạn 2006 - 2010, vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu mang tính trực tiếp cho thấy ông Thăng đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào “quy trình 5 bước” trong tinh thần “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” của Nguyễn Phú Trọng.
Chứng cứ bất ngờ
Trong phiên tòa sáng 14/9/2017 xét xử đại án OceanBank, luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn đang bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình - đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Tức trách nhiệm “cố ý làm trái” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn…” đang trực chỉ ông Đinh La Thăng, với liều lượng ít nhất liên quan mật thiết đến vụ 800 tỷ đồng góp vốn của PVN vào OceanBank đã không cánh mà bay, chưa kể dòng tiền lên đến 500 ngàn tỷ đồng của các thành viên PVN “chạy” vào OceanBank.
Chi tiết đáng chú ý là vào tháng 2/2017, tại phiên tòa sơ thẩm xử “Hà Văn Thắm và đồng bọn…” đã không hề hiện ra văn bản trên. Tuy nhiên vụ án này đã bất ngờ được “trên” chỉ đạo cho điều tra bổ sung, đặc biệt liên quan đến vụ 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank. Quả nhiên sau đó, vụ Hà Văn Thắm đã được Bộ Công an “mở rộng giai đoạn 2” và lôi Đinh La Thăng vào cuộc.
Không loại trừ một khả năng: ở thế đường cùng và bị đề nghị án tử hình, Nguyễn Xuân Sơn buộc phải khai báo về trách nhiệm của Đinh La Thăng.
Cũng không loại trừ khả năng luật sư của Nguyễn Xuân Sơn đã được “ai đó” chuyển cho văn bản trên do ông Thăng ký để trưng ra trước tòa nhằm chứng minh Sơn chỉ là “thừa hành”, còn Thăng mới là “vua”.
Cùng với phát ngôn của một quan chức về “không có vùng cấm trong vụ Hà văn Thắm”, báo chí nhà nước đã nhanh nhẹn công bố văn bản trên với chữ ký của Đinh La Thăng - một hiện tượng rất đồng điệu việc nhiều tờ báo nhà nước đã công bố các văn bản của Bộ Công thương, Ban Tổ chức trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang nhằm “thu xếp” cho Trịnh Xuân Thanh từ Công ty PVC lỗ 3.300 tỷ đồng về “an dưỡng” tại Bộ Công thương và sau đó trở thành Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Sắp tới “bước 2”
Công luận đã được “xới lên”, theo một cung cách rất truyền thống của đảng: đã là báo nói thì phải kiểm tra.
Vài tháng trước trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Trọng cũng đã nhắc đến việc “đã kiểm tra vụ việc Trịnh Xuân Thanh sau khi báo Thanh Niên nêu”…
Nhưng vào lần này, vụ Đinh La Thăng hẳn không còn là “kiểm tra” nữa. Vì kết quả kiểm tra vụ PVN và trách nhiệm ông Thăng đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương âm thầm làm trong vài năm trước và bất thần công bố vào cuối tháng Tư năm 2017, để ngay lập tức hất bật Đinh La Thăng khỏi cái ghế ủy viên bộ chính trị cùng chức vụ bí thư thành ủy TP.HCM, sau đó ông Thăng được đưa về Ban Kinh tế trung ương để “nhốt chung quyền lực vào lồng” cùng cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Có thể xem đó là “bước 1”.
Vấn đề của Đinh La Thăng hiện thời đang là… Hội nghị trung ương 6, sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2017. Nếu Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 mang ẩn ý chính thức bỏ phiếu bất tín nhiệm với Đinh La Thăng trong Bộ Chính trị, thì Hội nghị trung ương 6 rất có thể sẽ là việc Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu thêm một lần nữa để loại ông Thăng khỏi “trung ủy”, sau đó Thăng đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội. Đây có thể được xem là “bước 2”.
Nhìn lại, Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu “sấm” bán trời không văn tự, đã bị 90% ủy viên trung ương nhất trí “cách” khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5.
Cũng cần nhắc lại, vụ Bạc Hy Lai - Bí thư Trùng Khánh ở Trung Quốc - khi bị Tập Cận Bình “xử” vào năm 2012, cũng đã tuần tự trải qua các bước bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, sau đó bị khai trừ đảng rồi bị bắt giam, cuối cùng bị xử án bóc lịch chung thân.
Với cường độ bắt bớ dồn dập giới quan chức PVN và ngân hàng từ đầu tháng Chín đến nay, một khả năng có thể là Tổng bí thư Trọng đang sốt ruột đôn đốc thúc đẩy nhanh hơn chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của ông, trong đó ngay trước mắt là “tất toán hồ sơ Đinh La Thăng”. Nếu giả thiết này là đúng, cơ chế xử lý ông Thăng có thể được “đốt cháy giai đoạn”, tức không cần tuần tự như trường hợp Bạc Hy Lai mà có thể xảy ra gần như đồng thời hai công đoạn bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Ban chấp hành trung ương ở Hội nghị trung ương 6, đồng thời tiến hành khai trừ đảng.
Trong hệ thống đảng Cộng sản, rất thường là một khi quan chức đã bị khai trừ khỏi đảng thì đương nhiên mất quyền “bất khả xâm phạm”. Khi đó, quan chức cũng đương nhiên bị luật pháp hình sự “sờ gáy”.
Còn “trai Kim Cự, gái Kim Tiêm”?
Từ cuối tháng Bảy năm 2017 khi bắt đầu có tin Trịnh Xuân Thanh “đã về” cho đến nay, không một lần nào người ta nhìn thấy ông Đinh La Thăng xuất hiện trên truyền thông, thậm chí có nhiều đồn đoán về việc ông Thăng đã bị quản thúc hoặc bị “canh theo” rất rát - một hình thức mà công an rất thường áp dụng đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng Đinh La Thăng không phải là “người đấu tranh dân chủ”. Cho tới lúc này, đã có thể hình dung vào tháng Mười tới, Đinh La Thăng sẽ hoàn tất thêm hai bước: mất “trung ủy” và bị khai trừ đảng.
Dấu hỏi còn lại là sau hai bước trên, liệu Đinh La Thăng có tiến thêm hai bước còn lại như Bạc Hy Lai đã từng hay không…
Lại nhớ Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - vào giữa năm nay đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn “hình sự ta đang làm”.
Xem ra Đinh La Thăng khó thoát “bước 4” - hình sự hóa.
Nhưng trái ngược với “hoàn cảnh” của Đinh La Thăng, hai nhân vật của đảng bị dân gian làm vè “Trai Kim Cự, gái Kim Tiêm; kẻ thì giết biển đứa chuyên giết người” cho tới nay vẫn nhơn nhơn ung dung “ăn chơi nhảy múa” ngoài xã hội.
Nghe nói “lũ người quỷ sứ” trên - phỏng theo tựa đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Dostoievsky - đã được chiến dịch “chống tham nhũng thời kỳ trước” của “cụ Tổng” cho “hạ cánh an toàn”, bất chấp vô số nạn nhân biển Miền Trung và nạn nhân ung thư cứ chết dần mòn theo ngày tháng.