Các nước Đông Nam Á hôm 19/10 nhất trí về các quy tắc quản lý các vụ chạm trán bất ngờ giữa các máy bay quân sự của họ. Nước chủ nhà Singapore nói đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới và cho biết họ sẽ khuyến khích các đối tác quốc tế của họ tham gia.
Hiệp định, được các bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết trong một hội nghị ở Singapore, cũng bao gồm một thỏa thuận trên toàn khu vực về trao đổi thông tin về các nguy cơ khủng bố.
Bộ quy tắc có tính chất tự nguyện, không ràng buộc về các cuộc chạm trán trên không là bước phát triển tiếp theo từ một bộ quy tắc hiện hành về quản lý các chạm trán biển được ASEAN thông qua năm ngoái, cùng thông qua là các đối tác Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ .
“Tôi vui mừng thông báo rằng bộ quy tắc đa phương đầu tiên về các chạm trán trên không giữa các máy bay quân sự đã được thông qua”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu trong một cuộc họp báo. "Đây là một thành tựu có ý nghĩa", ông nói.
Các bộ trưởng ASEAN sẽ gặp 8 đối tác quốc tế của họ hôm 20/10 và ông Ng nói các bộ trưởng sẽ "tìm cách đạt được sự đồng ý của các đối tác" về bộ quy tắc.
Văn kiện khung về bộ quy tắc nói rằng cần phải có một thỏa thuận như vậy vì châu Á ngày càng tăng trưởng và thịnh vượng nên đã thúc đẩy sự gia tăng lưu lượng tàu thuyền và máy bay trong khu vực.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một thỏa thuận về đường dây nóng và các quy tắc quân sự để quản lý các cuộc chạm trán trên không.
Nhưng ngay cả với các quy tắc hiện có, căng thẳng vẫn tồn tại, đặc biệt là ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về hầu như toàn bộ tuyến đường thủy bận rộn, trong khi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền về một phần vùng biển giàu năng lượng. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về vùng biển này.
Vào tháng 8, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã thông qua một khung đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên bình diện rộng lớn hơn ở Biển Đông.
Các quốc gia ASEAN cũng đồng ý đưa sáng kiến “mắt của chúng ta” làm nền tảng để trao đổi thông tin về “khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các mối đe dọa phi truyền thống khác”.
(Reuters)