Đường dẫn truy cập

Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ tại thủ đô Washington


Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State
Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State

Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền lần thứ 22 tại thủ đô Washington hôm 17/5/2018.

Trong một thông cáo hôm 17/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ Hoa Kỳ Michael Kozak thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dẫn đầu các phái đoàn hai nước dự đối thoại nhân quyền lần thứ 22.

Trong Đối thoại, hai bên trao đổi các vấn đề nhân quyền, bao gồm tầm quan trọng của những tiến bộ liên tục về cải cách pháp luật, thượng tôn pháp luật, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền lao động, quyền của người dễ bị tổn thương, hợp tác đa phương, cũng như các trường hợp cá nhân được quan tâm.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc thúc đẩy quyền con người là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đóng vai trò quan trọng cho cuộc đối thoại đang diễn ra trong mối quan hệ đối tác toàn diện của Hoa Kỳ-Việt Nam.

Cũng tại thủ đô Washington một tuần trước khi diễn ra buổi Đối thoại, Hoa Kỳ hôm 11/5 đã tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam năm 2018. Trong dịp này, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân đang bị giam cầm vì lý do chính trị hay tôn giáo trong cuộc đối thoại nhân quyền.

Ngoài ra, ông Scott Busby, còn cho biết ông sẽ nêu các vấn đề tự do tôn giáo và chỉnh sửa các điều luật mà ông cho là ‘mơ hồ’ của Việt Nam tại cuộc Đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước.

Ông cho rằng mặc dù quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển tốt đẹp và Mỹ đang cùng Việt Nam thúc đẩy nhiều ưu tiên như thương mại, an ninh khu vực, giáo dục đào tạo, nhưng vấn đề nhân quyền ‘vẫn đang là thách thức’ cho quan hệ song phương bởi vì ‘vẫn đang tiếp tục có nhiều vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam’.

Vấn đề tù nhân chính trị ở Việt Nam cũng khiến ‘phía Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc’ và sẽ nêu lên trong cuộc Đối thoại. Ông Busby cho biết Mỹ ghi nhận ‘tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp những người thực thi hòa bình quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội’.

Phái đoàn Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, ngày 17/5/2018. Twitter EAP DOS.
Phái đoàn Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, ngày 17/5/2018. Twitter EAP DOS.

Các nhà tranh đấu Việt Nam tỏ ra rất hoài nghi về hiệu quả các cuộc Đối thoại nhân quyền.

Ông Phạm Bá Hải, Điều hợp viên của Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam hôm 15/5 viết trên Facebook: “Liệu có nhà yêu nước nào được thả tự do trong số 96 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm sau Đối thoại nhân quyền? Liệu chính quyền VN có thực tâm tôn trọng các quyền tự do căn bản như tự do bày tỏ ôn hòa chính kiến của mình, hay quyền tự do tôn giáo của các giáo hội không chịu sự khống chế của nhà nước?”

Theo nhà tranh đấu này, Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ từng bị gián đoạn vì không có tiến triển nào sau những cuộc gặp mà Việt Nam “chỉ đưa ra các lời hứa.”

Đến chiều ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa ra thông cáo báo chí về cuộc Đối thoại ngày 17/5 tại thủ đô Washington.

Ngày 4/5/2018, khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.”

Năm ngoái Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 21 vào ngày 23/5 tại Hà Nội.

Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:13 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG