Đường dẫn truy cập

Đông Nam Á: Lo ngại tăng cao về vaccine Trung Quốc


Vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
Vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

Biến thể Delta lây nhiễm cao đang nhanh chóng lây lan tại Đông Nam Á trong lúc người ta ngày càng quan ngại về hiệu nghiệm của vaccine Sinovac Biotech do Trung Quốc sản xuất vốn đã được dùng tại một số nước trong khu vực.

Nghi ngờ về hiệu nghiệm của vaccine Trung Quốc đã khiến một số chính phủ, trong đó có Thái Lan, tính tới chuyện cho những ai đã tiêm vaccine Sinovac tiêm tăng cường thêm một mũi vaccine nữa chẳng hạn như của AstraZeneca.

Sinovac là một trong bảy vaccine COVID được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp. Các cuộc nghiên cứu về tỉ lệ hiệu nghiệm của vaccine này đang được tiến hành, nhưng Sinovac dường như kém hiệu nghiệm hơn các vaccine khác.

Tại Indonesia đa số các liều vaccine được sử dụng cho tới nay-gần 90%-là Sinovac.

Lo ngại về Sinovac khiến cho một số người Indonesia do dự trong việc tiêm chủng. Một phần ba cư dân tại tỉnh Jakarta nói họ vẫn chưa quyết định là liệu có nên tiêm chủng hay không, theo một cuộc thăm dò gần đây.

Hiệp hội Y khoa Indonesia tháng trước nói có ít nhất 10 bác sĩ được tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine Sinovac đã chết.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ số ca COVID-19 hiện nay tại Indonesia, một cuộc thăm dò trong số các nhân viên y tế Indonesia hồi tháng 5 cho thấy vaccine của Sinovac có thể làm giảm nguy cơ phát triển triệu chứng COVID-19 khoảng 94% và hiệu nghiệm 96% trong việc làm giảm nguy cơ nhập viện.

Sinovac và một công ty sản xuất vaccine khác của Trung Quốc là Sinopharm loan báo đang nghiên cứu xem vaccine của họ tốt tới đâu trước biến thể Delta, nhưng chưa công bố dữ liệu, theo tờ The Wall Street Journal.

Nhìn chung, không có dữ liệu phối kiểm chéo của giới chuyên môn đối với vaccine Sinovac. Chỉ có thông tin cho thấy là vaccine này yếu hơn những vaccine COVID-19 khác, dù vẫn cung cấp cho người sử dụng một sự bảo vệ đáng kể.

Vào tháng 6, chính phủ Uruguay công bố dữ liệu cho thấy Sinovac giảm lây nhiễm COVID-19 khoảng 61%, giảm nhập viện 92% và giảm tử vong 95%.

Tạp chí Y khoa New England công bố một cuộc nghiên cứu vào đầu tháng 7 dựa trên kết quả một chiến dịch tiêm chủng mở rộng bắt đầu hồi tháng 2 tại Chile. Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy Sinovac giảm lây nhiễm COVID 65,9%, hiệu nghiệm 87,5% trong việc ngừa nhập viện và 86,3% trong việc ngừa tử vong.

Trong khi đó, WHO nói vaccine Pfizer hiệu nghiệm 95% trong việc ngừa lây nhiễm có triệu chứng và vaccine Moderna hiệu nghiệm 94%.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh tháng trước cho biết cuộc phân tích của họ về độ hiệu nghiệm của vaccine trước biến thể Delta cho thấy vaccine Pfizer hiệu nghiệm 96% chống lại các ca nguy kịch phải nhập viện, so với 92% của vaccine AstraZeneca.

Tại Campuchia, vaccine Sinovac vẫn chiếm phần lớn trong chiến dịch tiêm chủng vốn đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho khoảng 5 triệu người.

Quốc vụ khanh Bộ Y tế Or Vandine nói với ban Khmer Đài VOA là các vaccine dùng để tiêm chủng rộng rãi tại Campuchia gồm Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca đều hữu hiệu trong việc ngừa bệnh nặng và tử vong, nhưng những người tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tôn trọng những biện pháp chống COVID như mang khầu trang và giãn cách xã hội.

Vaccine Sinovac là một phần quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng COVID-19 tại Philippines và Thái Lan, nhưng cả hai nước này cũng trông cậy vào vaccine của các công ty dược khác như Pfizer và AstraZeneca.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG