Đường dẫn truy cập

Hậu Đồng Tâm và rúc gối dư luận viên


Một cảnh sát cúi đầu cám ơn dân Đồng Tâm sau khi được thả ra hôm 22 tháng Tư. (Hình: REUTERS)
Một cảnh sát cúi đầu cám ơn dân Đồng Tâm sau khi được thả ra hôm 22 tháng Tư. (Hình: REUTERS)

Một bầu không khí tủi nhục rúc gối bất thường phủ trùm trên phần lớn các trang mạng dư luận viên và báo đảng, sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chính thức ký tên và điểm chỉ vào bản cam kết lịch sử ngày 22 tháng Tư năm 2017 tại “làng kháng chiến” Đồng Tâm.

Tâm trạng và tâm lý thất vọng nơi giới dư luận viên có thẻ nhà báo lẫn nặc danh là hoàn toàn có thể “thông cảm” được đến từng chân tơ kẽ tóc.

Trước đó, còn hung hãn và tàn bạo hơn cả những kênh truyền thông của chính ngành công an, các dư luận viên đa phần nặc danh đã thổi bùng một chiến dịch công kích, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm và quy chụp chính trị hết sức nặng nề đối với toàn bộ 6 ngàn người dân Đồng Tâm. Một lần nữa tương tự nhiều lần trong quá khứ xa và gần, những điều luật hình sự 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ…), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 79 (âm mưu lật đổ chính quyền) lại được ném lên các diễn đàn dư luận viên theo cách “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Một lần nữa, tương tự với chiến dịch tấn công chửi bới và chụp mũ chính trị đối với các giáo xứ miền Trung trong đợt phản kháng Formosa, các dư luận viên ăn lương của đảng chỉ nghiến răng muốn biến người dân Đồng Tâm thành một thế lực cần được chính quyền dùng chuyên chính vô sản để thẳng tay tiêu diệt.

Nhưng xét cho cùng, bối cảnh chính trị - xã hội giờ đây đã khác xa, khác rất xa hai cuộc “khởi nghĩa” bị đàn áp ở Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997. Thậm chí đã khác hẳn so với tình hình còn một ít điều kiện thuận lợi để chính quyền Hải Phòng đàn áp gia đình Đoàn Văn Vươn vào năm 2012. Dòng nước đã cuốn đi quá khứ và đương nhiên lịch sử chính trị của đảng cầm quyền không thể nằm ì mãi một chỗ.

Lịch sử sắp sang trang. Tất cả đang biến động, biến động dữ dội.

Rốt cuộc, đã không hiện hình một lực lượng quân đội nào dám tấn công vào xã Đồng Tâm, cho dù lợi ích của cái gọi là “dự án A1” tại khu vực này là quá thiết thân với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cùng cấp chủ quản là Bộ Quốc phòng.

Lại càng không một chút bóng dáng công an mang nặng truyền thống lấy thịt đè người tấn công vào làng, sau vụ cả một trung đội cảnh sát cơ động bị người dân bắt giữ.

Vào những ngày bi kịch Đồng Tâm dần lên đến cao trào, những dư luận viên hiếu chiến và hỗn xược nhất đã luôn hóng hớt thông tin và chủ trương của “trên”, mong đợi tín hiệu “đánh” hơn hẳn “đàm”. Không có gì phải đối thoại, đối thoại sẽ tạo tiền lệ xấu, quyền lực trong tay mà không biết dùng vào lúc này thì còn khi nào, bắt bỏ tù mẹ chúng nó đi…

Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử từ khi ra đời đến nay, giới dư luận viên của đảng lại phải chịu một thảm trạng ê chề bởi nạn suy nhược và ô danh quyền lực như thế. Rốt cuộc, đã không một lãnh đạo chóp bu nào - từ Tổng bí thư Trọng, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng công an Tô Lâm, đến Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải dám liều mình quyết định về phương án “đánh”. Thậm chí trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, đã không có bất kỳ một nhân vật nào trong Bộ Chính trị đảng “đến với dân”. Tất cả cứ như chui cả xuống đất…

Toàn bộ nền chính trị Việt Nam đương thời chỉ còn cảnh sắc chợ chiều của ai người đó giữ, thân ai người đó lo.

Trong hoàn cảnh mất dạng lãnh đạo ấy, giới dư luận viên còn có thể làm gì khác ngoài chuyện kêu gào nhưng lại ẩn nấp danh tính thật kỹ?

Để sau khi Chủ tịch Chung “con” - người duy nhất bị “đẩy” ra để “đàm” - phải ký và điểm chỉ vào “hòa ước lịch sử” với người Đồng Tâm, nhiệm vụ rơi rớt còn lại của dư luận viên chỉ là cố múa bút làm sao để người đọc hiểu rằng các cảnh sát cơ động đã rất kềm chế, tự nguyện để bị dân bắt giữ chứ không đàn áp dân; người dân Đồng Tâm đã biết ăn năn hối cải và chính quyền đã đại lượng khoan hồng; rằng bản cam kết với Đồng Tâm cho thấy một chính quyền thực sự “của dân, do dân và vì dân”…

Nhưng chưa phải hết, và còn lâu mới hết. Ý chí phục thù nhân dân sau cái tát khiến tê liệt thần kinh tuyên giáo vẫn còn sôi sục trong não trạng dư luận viên và giới công an trị. Lại đang bắt đầu luận điệu “ông Chung không đủ thẩm quyền cam kết không truy cứu hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm”. Thậm chí đang manh nha những lời đe dọa từ giới dư luận viên và có thể cho rằng phía sau đó là một số quan chức: "cứ để mọi chuyện êm vài tháng rồi sẽ bắt hết chúng nó…"

* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG