Một nhóm luật sư nổi tiếng ở Hà Nội vừa kiến nghị quân đội và chính quyền chứng minh ranh giới đất quốc phòng nhằm giải quyết tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải cho VOA biết người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã ký hợp đồng với ông và 4 luật sư khác để đại diện cho họ làm việc với chính quyền về nhiều vấn đề đất đai.
Bản kiến nghị đề ngày 19/6 của 5 luật sư viết rằng nguồn gốc sâu xa của tranh chấp là một quyết định của thủ tướng Việt Nam năm 1980, cấp 208 hectare đất cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn. Vùng đất được cấp khi đó thuộc một tỉnh có tên cũ là Hà Sơn Bình, nay thuộc về Hà Nội.
Các luật sư nói cho đến nay họ chưa tìm thấy văn bản chính thức nào xác định ranh giới và tọa độ của khu đất 208 ha.
Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA rằng người dân xã Đồng Tâm về cơ bản, chấp nhận quyết định của thủ tướng giao đất làm sân bay Miếu Môn.
Tuy nhiên, theo ông Hải, người dân phản đối sự “lập lờ, nhập nhèm” của phía quân đội trong việc lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài “sử dụng cho mục đích quốc phòng”.
Bản kiến nghị dẫn lời người dân Đồng Tâm khẳng định 59 ha đất thuộc khu Đồng Xênh là đất nông nghiệp của họ “từ bao đời nay”, hoàn toàn không thuộc 208 ha đất kể trên.
Nhưng 59 ha đất này giáp với một khu đất khác có diện tích hơn 47 ha đã được tỉnh Hà Sơn Bình cũ giao cho Bộ Quốc phòng như là một phần của 208 ha. Người dân Đồng Tâm cho rằng một số cán bộ địa phương “lập lờ” về hai khu đất này trong các báo cáo, khiến cho nhà chức trách cấp cao hơn “nhầm lẫn” rằng khu đất người dân khiếu kiện cũng trùng với khu đất hơn 47 ha.
Nếu họ đi thực địa, tôi nghĩ rằng trong nửa ngày, một ngày thôi là có thể hiểu ra vấn đề. Nhưng họ không có đủ thời gian cho việc đó. Cho nên chính việc không sát với khiếu nại, tố cáo của người dân, chính họ - chính quyền Hà Nội - đã làm phức tạp hóa vấn đềLuật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Hải nói hiện nay các quan chức chính quyền Hà Nội, kể cả Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, vẫn “chưa hiểu” về sự “nhập nhèm” này. Luật sư cho rằng các quan chức cần dành một chút thời gian ở địa phương thì sẽ nhìn thấy rõ được vấn đề:
“Nếu họ đi thực địa, tôi nghĩ rằng trong nửa ngày, một ngày thôi là có thể hiểu ra vấn đề. Nhưng họ không có đủ thời gian cho việc đó. Cho nên chính việc không sát với khiếu nại, tố cáo của người dân, chính họ - chính quyền Hà Nội - đã làm phức tạp hóa vấn đề”.
Bản kiến nghị của các luật sư đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức một cuộc họp gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, UBND huyện Mỹ Đức, đại diện nhân dân xã Đồng Tâm, và các luật sư, để làm rõ về các khu đất đang trong vòng tranh cãi.
Người dân và luật sư đòi các cơ quan, đơn vị trình các văn bản chính thức và bản đồ, nếu có, xác định 59 ha đất nông nghiệp của dân là thuộc đất quốc phòng. Họ cũng đòi hỏi nhà chức trách nêu ra cơ sở pháp lý của các văn bản, bản đồ đó.
Bản kiến nghị cũng đề xuất trong trường hợp cần thiết, các bên liên quan thực hiện kiểm tra các cột mốc trên thực địa, so sánh các sơ đồ, bản đồ liên quan để xác định rõ 59 ha đất người dân đang khiếu kiện có trùng với hơn 47 ha đã giao Bộ Quốc phòng hay không.
Luật sư Hải nói nếu phía chính quyền và quân đội có thiện chí giải quyết, việc này sẽ “nhanh và đơn giản”:
“Các bên, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, quân đội phải đưa ra các bằng chứng. Đấy là họ được nhà nước giao đất quốc phòng vào năm nào, được bàn giao như thế nào, ra làm sao. Còn người dân Đồng Tâm họ nói ‘chúng tôi ở đây hàng ngàn đời nay rồi. Chúng tôi chưa bao giờ giao cho quân đội. Cho nên các anh nói đất quốc phòng là không đúng’. Theo tôi, họ có lý của họ. Quân đội nói họ đã nhận được bàn giao thì phải chứng minh thôi. Còn không chứng minh được thì rõ ràng lại trở về đấy là đất tổ tiên để làm nông nghiệp của họ”.
Việc giữ đất nông nghiệp là điều quan trọng với dân Đồng Tâm do họ ngày càng ít đất canh tác. Thông tin không chính thức từ người dân và các luật sư cho thấy ở xã này hiện chỉ có 480 ha đất nông nghiệp, kể cả 59 ha đang tranh chấp. Nếu mất nốt khu đất 59 ha, người dân chỉ còn 50% đất nông nghiệp so với trước đây, trong khi dân số ước tính tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua.
Chính vì quý trọng phần đất canh tác ít ỏi còn lại nên người dân đã chống lại cuộc cưỡng chế đất mà họ xem là vô lý hồi giữa tháng 4.
Người dân đã bắt giữ gần 40 cán bộ, cảnh sát trong nhiều ngày và chỉ thả họ ra sau khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về xã đối thoại, ký một cam kết làm rõ vấn đề sử dụng đất tại xã. Cam kết của ông Chung có đoạn nói ông không “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”.
Mới đây, chính quyền Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra việc “bắt người trái luật” ở Đồng Tâm. Quyết định này làm người dân trong xã phẫn nộ và cho rằng ông Chung đã “lật lọng”.