Đường dẫn truy cập

Dòng tiểu chậm


Thính giả Ngô Chí Trung, 66 tuổi, ở Việt Nam, hỏi:

“Thưa Bác sĩ

Xin Bác sĩ cho tôi lời khuyên về bệnh của tôi như sau:

Tôi đi xe đò từ Đalat về Sài Gòn. Xe dừng để ăn cơm trưa ở Madagoui. Cơm xong tôi uống 1 ly nước cam. Thông thường xe chạy chừng 2 tiếng nữa thì đến trạm dừng chân tiếp theo để khách xuống tiểu tiện. Lần này mới chạy khoảng 1 tiếng rưỡi thì tôi đã muốn đi tiểu. Cố nhịn chờ đến trạm nhưng không thể được, nên tài xế phải ngừng nửa chừng cho tôi xuống giải quyết. Đang vội là thế nhưng lúc này dòng chảy rất chậm, rặn thêm cho nhanh cũng không được.Thật đáng ghét!

Hôm sau tôi đi bệnh viện thì bác sĩ cho tôi siêu âm và làm xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả sau đó thì tất cả đều tốt hết.( Xét nghiệm /Hóa sinh/Điện giải đồ: Na+ 140 (bình thường 135-150) ; K+ 3.77 (BT 3.5-5.5) ; Cl- 104(BT 95-108). Nước tiểu: LEU negative, NIT negative v.v. tất cả về xét nghiệm đều có chỉ số trong mức bình thường hoặc negative).

Về Siêu âm: Gan không to, nhu mô đồng nhất; tiền liệt tuyến: cấu trúc đồng dạng, bờ đều, thể tích không to v.v. Kết luận là Siêu âm không phát hiện bất thường.

Bác sĩ kết luận vì tuổi đã lớn các cơ quan trong người cũng không còn như lúc trẻ nên thôi thì đi xe đò thì hạn chế uống nước.Vậy là bệnh của tôi không có thuốc chữa. Nay tôi muốn chuyển qua điều trị bằng y học cổ truyền thì bệnh có cải thiện được không ạ?

Trân trọng cảm ơn.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Dòng tiểu chậm

Tôi xin có một vài nhận xét như sau:

Dòng tiểu chậm
please wait

No media source currently available

0:00 0:21:40 0:00
Tải xuống

1) Về câu hỏi bịnh của ông có chữa bằng y học cổ truyền hay không, tôi không trả lời được vì trước hết phải biết đích xác ông bị bịnh gì, nói một cách khác phải chẩn đoán chính xác là bộ phận nào bị bịnh, ví dụ tuyến tiền liệt bị lớn quá, hay nhiễm trùng, và sau nữa y học cổ truyền gồm nhiều loại chữa bịnh khác nhau, từ châm cứu cho đến thuốc nam, thuốc bắc, thuốc Ấn độ, phép dưỡng sinh, không thể gộp chung với nhau được.

2) Đối với người đàn ông trên 50 tuổi, nếu nín tiểu lâu không được, và đi tiểu chậm, nếu chuyện này chỉ xảy ra mới gần đây, một vài lần thôi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ thuốc men đang dùng: thuốc thông thường như thuốc cảm, trong đó có chất là kích thích hệ giao cảm (sympathomimetics); phenylephrine, ephedrine, pseudoepherine; thuốc kháng histamin như cyproheptadine, chlorpheniramine; thuốc an thần; thuốc trị rối loạn nhịp tim (dysopyramide); thuốc chống trầm cảm. Một số người viêm tuyến tiền liệt mãn tính (chronic prostitis) có thể khó đi tiểu sau khi uống rượu hay bia, mà nước tiểu thử vẫn bình thường.

Trong trường hợp này, phân tích nước tiểu bình thường cho nên bác sĩ không nghĩ đến những nguyên nhân do nhiễm trùng tuyến tiền liệt, bọng đái hay niệu đạo (ví dụ bịnh lậu, gonorrhea), hay do sạn trong bọng đái, tiền liệt hay niệu đạo.

3) Nếu chuyện mắc tiểu gấp rút và đi tiểu vòi nước chậm và yếu xảy ra nhiều lần, trong một thời gian dài, thì bác sĩ sẽ nghĩ nhiều nhất đến trường hợp tuyến tiền liệt phì đại lành tính (benog prostate hypertrophy, BPH). Tuyến tiền liệt (prostate) là một tuyến ngoại tiết (exocrine gland) của bộ phận sinh dục nam. Tuyến thể tích chừng 15-30 ml, cở chừng hột walnut hay trái banh chơi golf, nằm dưới và nằm ngay trước ngõ nước tiểu đi ra của bàng quang (bọng đái, bladder), từ đó được đặt tên khoa học là prostate, có nghĩa là “đứng [pro] trước [stat], giữ cửa”, từ tiếng Việt tiền liệt cũng theo nghĩa đó. Trước đây, chúng ta còn gọi là “nhiếp hộ tuyến”. Tuyến tiết vào tinh dịch một số thành phần giúp nuôi dưỡng các tinh trùng.

Tuyến tiền liệt bao quanh, ôm lấy niệu đạo (urethra) là ống dẫn nước tiểu thoát ra từ bọng đái.

1) Nếu tiền liệt lớn quá (phì đại, enlarged prostate, hypertrophic prostate) nước tiểu thoát ra khỏi bọng đái (bàng quang; bladder) khó khăn hơn, làm bịnh nhân đi tiểu nhiều lần mà không ra hết, dễ nhiễm trùng. Bọng đái phải làm việc nhiều hơn để đẩy nước tiểu ra ngoài, nên vách bọng đái dày ra. Nếu bọng đái gắng bóp mà nước tiểu không thoát ra được (urinary retention), phải thông tiểu.

Hoặc người bịnh bị són tiểu do nước tiểu đầy quá mới tràn ra trong lúc vẫn còn nước tiểu trong bọng đái (overflow incontinence)

Một nguyên nhân khác ít xảy ra hơn và nguy hiểm hơn là ung thư tuyến tiền liệt.
Thính giả cho biết siêu âm bụng thấy thể tích tuyến tiền liệt bình thường, chỉ về hướng không phải tuyến này phì đại. Tuy nhiên, nếu chi li hơn, chúng ta vẫn có thể nghĩ đến trường hợp hiếm hoi có những hạt của tuyến tiền liệt nằm vào trung tâm của tuyến (central nodules), sát với niệu đạo và đè lên đường nước tiểu thoát ra. Cũng như chúng ta cũng phải nêu lên điểm kết quả đọc siêu âm có thể chủ quan, tuỳ theo khả năng người chuyên viên làm siêu âm, có thể không phản ảnh chính xác thực tế của tuyến tiền liệt. Có 2 yếu tố không được nêu ra trong thư, là khám tuyến tiền liệt qua hậu môn/trực tràng như thế nào (digital rectal exam, DRE) có thấy nó lớn hay/và có đau hay không; và không biết bác sĩ có thử máu đo mức PSA hay không.

●DRE: Bác sĩ khám bằng ngón tay qua ngã hậu môn, tuyến tiền liệt nằm phía trước trực tràng, bác sĩ sở vào bằng ngón trỏ (digital rectal exam), cảm giác như lúc sờ vào chóp mũi, và bề mặt (phía sau) tuyến đều đặn đối xứng. Nếu sờ cứng, nổi cộm , to lên không đều thì bác sĩ nghi có bướu (DRE: digital rectal exam, ở đây digital là "dùng ngón tay", không phải kỹ thuật số).
●PSA viết tắt Prostate Specific Antigen (kháng nguyên đặc thù của tuyến tiền liệt). 13% người đàn ông trên 55 tuổi có PSA cao hơn 4ng/ml, tuy nhiên mức cao này không có nghĩa là bịnh nhân bị ung thư tiền liệt, PSA cũng lên cao do tuyến tiền liệt phì đại, nhiễm trùng hay viêm tuyến tiền liệt.

4) Nói tóm lại, theo như trong thư của vị thính giả, bác sĩ cũng không tìm ra bịnh nhân có bịnh gì chính xác mà bs thấy cần phải chữa. Thật ra, tránh uống nước nhiều trước khi đi xe đò có lẽ giảm nhu cầu đi tiểu quá nhiều lần, nhưng không giải quyết được vấn đề nước tiểu đi ra rất chậm. Nếu đi tiểu mà biết được một đám người trên xe đang chờ và số ruột bực mình , vị khách có thể tiểu chậm chỉ vì ngại ngùng và bị hối quá , "sợ" nên hệ thần kinh giao cảm bị kích thích quá mức lúc đo cũng có thể làm khó đi tiểu, càng rặn lại càng thấy kẹt. Tuy nhiên nếu đúng như vậy, thì chỉ xảy ra có lần đó thôi, hay chỉ những lần bị hối thúc, áp lực, còn nếu đi tiểu lúc ở nhà thoải mái thì không sao.

5) Nếu đi tiểu vẫn khó bất cứ ở đâu thì lại là một chuyện khác. Nếu không uống thuốc gì, uống nước gì có khả năng làm khó tiểu, nếu từ trước tới nay chưa có phẫu thuật, chấn thương trên đường tiểu, trên xương sống, mà triệu chứng vẫn tồn tại, nên đi khám bác sĩ gia đình có đủ thì giờ để phân tích toàn bộ vấn đề, nên khám tuyến tiền liệt (DRE) và thử PSA. Bác sĩ cũng sẽ để ý xem tuyến tiền liệt đụng vào có đau không, có vẻ căng, sung huyết (congested) hay không. Có một nhóm triệu chứng vùng xương chậu, dưới "đì" (perineum) xảy xa ở đàn ông gọi là "prostastism", hay "đau vùng xương chậu mãn tính ở đàn ông" (male chronic pelvic pain syndrome [CPPS] hay prostatodynia). Bịnh nhân cũng có những triệu chứng như tiểu khó, tiểu chậm; tuy ở người già đa số là do tuyến tiền liệt phì đại, bác sĩ có thể định bịnh là "viêm tuyến tiền liệt", thử chất tiết prostate có thể thấy có nhiều bạch cầu, vi khuẩn, tuy nhiên có nhiều trường hợp không có dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ có thể dùng kháng sinh một thời gian kéo dài để trị nhiễm trùng, dùng những thuốc giảm sung huyết tuyến tiền liệt (giảm kích thích giao cảm) như Flomax; tuy nhiên những trường hợp do sung huyết, các cơ vùng xương chậu co thắt, có thể cần chuyên viên vật lý trị liệu giải quyết. Giảm bớt các hoạt động như ngồi lâu, đi xe đạp nhiều, bón , cũng có thể có ích. Nếu bác sĩ gia đình tìm thấy những dấu hiệu bất bình thường và nghĩ rằng cần giới thiệu đi khám bác sĩ chuyên về niệu khoa, bác sĩ niệu khoa có thể đi vào chi tiết hơn như niệu động học (urodynamic testing), vd đo lưu lượng nước tiểu (uroflowmetry), đo lương nước tiểu còn sót lại sau khi tiểu (post void residual measurement), soi bọng đái (cystoscopy) nếu cần. Nên có bác sĩ gia đình theo dõi đều đặn và hướng dẫn cho mình vì những lý do ảnh hưởng đến vấn đề đi tiểu thông hay không rất nhiều, không chỉ giới hạn riêng gì trong các ống dẫn nước tiểu và tuyến tiền liệt, là lãnh vực của bác sĩ chuyên niệu khoa. Liệt kê các thử nghiệm này ở đây chỉ có mục đích thông tin,để bịnh nhân hiểu cách làm việc của bác sĩ; không phải để khuyến khích người bịnh đòi hỏi phải thử hết bao nhiêu chuyện tốn kém này. Chọn lựa những thử nghiệm cần thiết tối thiểu để kết luận chính xác tuỳ thuộc nghệ thuật của mỗi người chữa bịnh.

Xin nhắc lại, các nhận xét trên đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả cần hội ý với bác sĩ của mình.

Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 7 tháng 11 năm 2017

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG