Đường dẫn truy cập

Doping kéo Nga tụt khỏi vi trí nhất bảng huy chương Olympic Sochi


Olga Fatkulina, huy chương bạc tại Olympic Sochi 2014, là một trong ba vận động viên Nga bị loại vì vi phạm doping tại Thế vận hội này.
Olga Fatkulina, huy chương bạc tại Olympic Sochi 2014, là một trong ba vận động viên Nga bị loại vì vi phạm doping tại Thế vận hội này.

Nga mất danh hiệu nhất bảng tổng sắp huy chương Olympic mùa đông Sochi 2014, Thế vận hội đắc tiền nhất trong lịch sử, khi có thêm hai vận động viên bị tước huy chương vàng vì dùng thuốc tăng lực, hay doping, vụ bê bối đã nhấn chìm thể thao Nga.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hôm thứ Sáu 24/11 quyết định đình chỉ thi đấu đối với Alexander Zubkov, vận động viên đoạt hai huy chương vàng đồng đội ở nội dung xe trượt băng hai người và bốn người, vì vi phạm quy định thuốc cấm. Vận động viên trượt băng tốc độ Olga Fatkulina, người đoạt huy chương bạc tại Sochi, là một trong ba vận động viên Nga cũng bị loại vì vi phạm doping tại Thế vận hội này.

Nga giận dữ và kiên quyết phủ nhận những cáo buộc doping. Tổng thống Vladimir Putin, người chỉ đạo công cuộc chuẩn bị Olympic Sochi tốn kém đến 50 tỉ đôla, tố cáo Mỹ dùng chiêu bài vận động viên Nga không được tham gia tranh tài Olympic để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm tới, mà ông dự trù sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Các giới chức Olympic sẽ họp trong tuần này để quyết định các hình thức kỷ luật đối với Nga tại Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2 tới.

IOC xem xét hồ sơ vận động viên Nga tại Sochi tiếp theo sau báo cáo của một ủy ban độc lập thực hiện hồi năm ngoái. Ủy ban này kết luận rằng các giới chức Nga tham gia vào một “chương trình có hệ thống” để che dấu các xét nghiệm thuốc cấm dương tính của khoảng 1.000 vận động viên trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Ủy ban do ông Richard McLaren đứng đầu tìm thấy Nga đã phát triển chương trình doping này sau khi các vận động viên Nga xếp thứ 11 trên bảng tổng sắp với chỉ 3 huy chương vàng tại Olympic Vancouver 2010, thành tích kém nhất của nước này kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

IOC trong tháng này đã kỷ luật 14 vận động viên Nga tranh tài ở Sochi. Hậu quả là 10 bộ huy chương Olympic, trong đó có 4 huy chương vàng, của Nga bị thu hồi. Khi kết thúc Olympic Sochi, nước chủ nhà Nga đứng đầu bảng tổng sắp với tổng cộng 33 huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, Na Uy đứng thứ hai với 26 huy chương tổng cộng, trong đó có 11 huy chương vàng, và Canada đứng thứ ba với 25 huy chương các loại, trong đó có 10 huy chương vàng.

Hãng thông tấn Interfax trích phát biểu của chủ nhiệm ủy ban thể thao, thanh niên và du lịch ở hạ viện Nga, ông Mikhail Degtyarev nói rằng tước huy chương và đẩy Nga ra khỏi vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương “phá hủy phong trào Olympic và giết chết Thế vận hội.”

Hãng thông tấn AP loan tin rằng Chủ tịch IOC Thomas Bach cảnh báo các âm mưu “gia tăng áp lực” lên IOC trước cuộc họp của cơ quan này vào ngày 5 tháng 12 sắp tới để quyết định về việc cho phép Nga tham gia Thế vận hội 2018 hay không. Cơ quan chống doping quốc tế, gọi tắt là WADA, tuần trước từ chối xác nhận các vận động viên Nga đã tuân thủ các quy định về thuốc cấm. Các diễn biến này tăng thêm nguy cơ Nga sẽ bị cấm tranh tài tại Pyeongchang vào tháng 2 năm tới.

Tổng thống Putin hồi tháng trước nói rằng IOC tìm cách buộc các vận động viên Nga tranh tài dưới màu cờ Olympic ở Olympic Pyeongchang, mà ông gọi đó là hành động “làm nhục” nước Nga. Ông Putin nói Nga chỉ đến Hàn Quốc tranh Olympic dưới màu cờ quốc gia của Nga mà thôi.

Trong lúc Tổng thống Putin ra lệnh thành lập một cơ quan chống doping mới để trả lời về các phát hiện trong cuộc điều tra của ủy ban đặc biệt, Nga nói không có chương trình doping được nhà nước bảo trợ. Tổng thống Putin lên án rằng thể thao đang bị lợi dụng để gây “áp lực địa chính trị” lên Nga.

WADA yêu cầu giới hữu trách Nga giao nộp các dữ kiện điện tử và các mẫu xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của cơ quan chống doping Nga ở Moscow. WADA cũng yêu cầu Nga phải công khai thừa nhận những phát hiện vi phạm doping theo báo cáo của ủy ban điều tra đặc biệt.

(Theo Bloomberg, AP)

XS
SM
MD
LG