Đường dẫn truy cập

Đợt lạnh sâu tàn phá hệ thống nước cũ kỹ ở miền nam nước Mỹ


Một căn nhà bị hư hại vì vỡ ống nước trong đợt lạnh vừa qua ở San Marcos, Texas, 17/2/2021.
Một căn nhà bị hư hại vì vỡ ống nước trong đợt lạnh vừa qua ở San Marcos, Texas, 17/2/2021.

Hiện nay, trời lại nắng và băng đã tan. Nhưng hơn một tuần sau đợt lạnh sâu đến mức đóng băng ở khắp miền nam nước Mỹ, nhiều cộng đồng vẫn còn đang vật lộn để cấp nước sạch cho người dân của họ.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã cảnh báo cần phải nâng cấp các hệ thống cấp nước đã cũ kỹ và thường bị bỏ mặc. Giờ đây, sau khi thời tiết băng giá làm nứt đường ống dẫn nước chính của khu vực, làm đóng băng các thiết bị và hàng triệu người bị mất nước, rõ ràng là có rất nhiều việc cần phải làm.

Các gia đình đứng xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để có nước uống. Họ đun sôi lên cho đảm bảo an toàn để uống hoặc đánh răng. Họ xúc tuyết và để nó tan trong bồn tắm. Các bệnh viện phải chắt chiu từng xô nước để dội nhà vệ sinh.

Brian Crawford, giám đốc hành chính của Hệ thống Y tế Willis-Knighton ở thành phố Shreveport, tây bắc Louisiana, cho biết: “Bạn sẽ không nhận thức được là mình dùng nhiều nước thế nào cho đến khi không có nước”. Ở thành phố này, chỉ có một bệnh viện có nước trở lại như bình thường hôm 24/2. Người ta điều xe bồn đến cung cấp nước cho bệnh viện từ tuần trước.

Các vấn đề vẫn đang xảy ra hàng ngày cho thấy có nhiều điểm yếu và bất cập. Nhiều hệ thống nước có các đường ống cũ kỹ đến hàng chục năm, giờ đây thật mỏng manh và dễ bị vỡ. Sự ra đi của những người da trắng làm giảm nguồn thu thuế ở một số thành phố và việc thiếu đầu tư đã khiến các vấn đề trở nên phức tạp hơn, tốn kém hơn khi phải khắc phục. Nhiều hệ thống ở miền nam nước Mỹ được xây dựng không tính đến nhiệt độ thấp như vậy. Nhưng với sự biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn, những vấn đề như đã thấy tuần trước có thể còn tiếp tục xảy ra.

Một cuộc khảo sát năm 2018 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ước tính cần 473 tỷ đô la trong 20 năm để duy trì và cải thiện cơ sở hạ tầng về nước. Trong một báo cáo năm 2020, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ cho biết trung bình cứ hai phút lại có một công trình dẫn nước bị vỡ ở Hoa Kỳ và mô tả rằng “sự thiếu đầu tư là một tình trạng kinh niên và kéo dài”. Báo cáo cảnh báo rằng "sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế quốc gia sẽ gặp rủi ro".

Trên thực tế, nó đã xảy ra.

Người dân xếp hàng lấy nước ở công ty Meanwhile Brewing ở Austin, Texas, 19/2/2021.
Người dân xếp hàng lấy nước ở công ty Meanwhile Brewing ở Austin, Texas, 19/2/2021.

Thủ phủ Jackson của bang Mississippi đã phải vật lộn để khắc phục hệ thống lưới điện bị hư hỏng, với hàng nghìn người vẫn đang phải đối mặt với tình trạng mất điện. Ở Memphis, thành phố có 650.000 người, trong gần một tuần, người ta khuyên cáo cư dân đun nước và giữ cho nó sôi trong vòng 3 phút nếu họ định dùng để ăn uống hoặc đánh răng. Hơn 40.000 người ở bang Louisiana vẫn bị mất nước tính đến vào hôm 24/2, và hàng trăm nghìn người khác vẫn thuộc diện cần đun sôi nước để sử dụng.

Ở bang Texas, hơn 2 triệu người vẫn trong diện cần phải đun sôi nước tính đến ngày 24/2, và 40 hệ thống nước công cộng “không hoạt động”, ảnh hưởng đến 25.000 người, các quan chức bang cho biết. Khi vấn đề lên đến đỉnh điểm hồi tuần trước, ít nhất 7 triệu người Texas đã được khuyên hãy đun sôi nước. Khuyến cáo này cuối cùng đã được dỡ bỏ hôm 21/2 ở Houston, nơi mà hàng triệu người đã bị mất điện và mất nước ở thành phố lớn thứ tư của Mỹ, nơi hay có bão mùa hè hơn là bão mùa đông.

Khi nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng trên khắp miền nam nước Mỹ, người dân mở vòi nước và cứ để nước chảy để ngăn đường ống bị đóng băng. Nhưng nhu cầu gia tăng đã tạo gánh nặng lớn lên các hệ thống vốn đã gặp khó khăn, và nước chảy yếu cũng đồng nghĩa là người dân vẫn cần phải tiếp tục đun sôi nước cho đến khi người ta hoàn thành các xét nghiệm về độ an toàn.

Charles Williams, giám đốc phụ trách các công trình công cộng của thành phố Jackson, cho biết khi máy móc bị đóng băng tại nhà máy nước rồi sau đó bắt đầu tan băng khi nhiệt độ tăng, hàng chục đường ống dẫn nước đã bị vỡ.

Các đường ống cũ kỹ trong thành phố này từng bị vỡ sau khi có thời tiết lạnh giá, nhưng vì tiền thu thuế ngày càng giảm khiến cho thành phố Jackson phải chật vật trong việc duy trì cơ sở hạ tầng. Trong thời gian qua, các gia đình da trắng giàu có chuyển đến vùng ngoại ô, mang theo tiền thuế của họ. Giờ đây, hơn một phần tư cư dân ở thủ phủ của Mississippi, với đa số dân là người da đen, sống trong cảnh nghèo đói.

James Williams, 67 tuổi, đã không có nước tại nhà của mình 8 ngày qua. Ông cho rằng vấn đề về nước của Jackson là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

“Những người đóng thuế giàu có đã bỏ đi, vì vậy họ bỏ lại Jackson phải chịu khổ sở”, nhân viên bộ phận công trình công cộng đã nghỉ hưu nói. "Đó không phải là mối quan tâm của họ vì họ không còn sống ở đây nữa", vẫn theo lời ông.

Với tỉ lệ phiếu áp đảo, hồi năm 2014, các cử tri đã chấp thuận tăng thuế doanh thu thêm 1% để có tiền cho việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, nhưng 15 triệu đô la huy động được mỗi năm chẳng thấm vào đâu so với những gì Jackson cần. Thị trưởng Chokwe Antar Lumumba cho biết cần có gần 2 tỷ đô la để hiện đại hóa hệ thống nước của thành phố.

Ông nói: “Những người thợ đã chui xuống sửa chữa mô tả về những đường ống này là chúng giống như hạt lạc giòn. Họ sửa một đường ống ở một nơi và rồi họ ngồi đợi, và đôi khi y như rằng sẽ có sự cố xảy ra gần như ngay lập tức cách đó vài thước”.

Bang Texas hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong cơn bão mùa đông vừa qua.
Bang Texas hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong cơn bão mùa đông vừa qua.

Hôm 22/2 là lần đầu tiên trong tuần, người dân có thể xếp hàng lấy nước bên ngoài Madonna Manor, khu chung cư 13 tầng dành cho người cao niên và người khuyết tật. Mọi người mang theo thùng giặt, bát, xô và thùng đựng rác.

Bà Helen Scott, 68 tuổi, lấy nước trong một thùng rác màu hồng. Bà cho biết những người có ô tô có thể đi xa để lấy nước, nhưng những người nghèo khó nhất đang gặp khó khăn nhất.

“Những người yếu ớt, nghèo khó bị bỏ lại phía sau”, bà nói.

Tại Shreveport, nơi có khoảng 200.000 người thuộc diện cần đun sôi nước, Thị trưởng Adrian Perkins nêu mấu chốt của vấn đề là “cơ sở hạ tầng cũ kỹ, giống như hầu hết các thành phố khác của Mỹ”.

Hồi năm 2019, các cử tri từ chối đề xuất của Perkins về phát hành trái phiếu để huy động 186 triệu đô la cho cơ sở hạ tầng, bao gồm sửa chữa và nâng cấp hệ thống nước.

Tại Tennessee, hãng Memphis Light, Gas & Water cho biết giá lạnh đã dẫn đến các sự cố tại các trạm bơm và làm đứt vỡ đường ống dẫn nước chính và các đường ống dịch vụ. Các đội thợ đang sửa chữa và kiểm tra về mức độ nhiễm bẩn, nhưng chưa thể xác định ngày giờ nào hệ thống sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Có các vấn đề nảy sinh tại một số trong số 140 giếng nước của thành phố cung cấp nước đến các hồ chứa tại tám trạm bơm chính. Có các giếng bị sự cố, một số hồ chứa bị đóng băng, trong khi đó, động cơ, máy móc ở các trạm bơm lại bị quá nóng vì chạy nhiều. Nhiệt độ lạnh đến mức đóng băng kéo dài đã làm bộc lộ các vấn đề tại các trạm bơm và các bộ phận khác của hệ thống, trong đó, có những máy móc, thiết bị đã có từ những năm 1930.

Cơ sở này hiện đang ở trong năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm, trị giá 105 triệu đô la, để nâng cấp và củng cố cơ sở hạ tầng. Tại một cuộc họp báo hôm 23/2, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty này, J.T. Young, cho biết kế hoạch sẽ được đánh giá lại trong bối cảnh xảy ra tình trạng lạnh đến mức đóng băng vừa qua, để đảm bảo nó phù hợp với các nhu cầu nảy sinh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG