Đường dẫn truy cập

Dù bị bắt, Hà Văn Nam được nhiều người ủng hộ vì chống BOT bẩn


Ảnh chụp màn hình trang Facebook của Hà Văn Nam
Ảnh chụp màn hình trang Facebook của Hà Văn Nam

Một đơn vị công an tỉnh Bắc Ninh hôm 5/3 bắt giữ ông Hà Văn Nam để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng” tại một trạm thu phí nằm trong tỉnh.

Một số nhà hoạt động, nhà báo, luật sư cho rằng ông Nam là “người hùng” chống các trạm thu phí BOT bẩn, và vì vậy ông đã bị “vu oan”.

Theo các báo Việt Nam, trong đó có Công An Nhân Dân và Tiền Phong, công an Bắc Ninh đã bắt ông Nam, 38 tuổi, tại nơi ông cư trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tin cho hay công an cũng đã khám nhà của ông.

Ông Hà Văn Nam bị nhà chức trách cáo buộc “có liên quan đến vụ án gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại xảy ra hôm 31/12/2018.

Trước khi bắt ông Nam, nhà chức trách đã khởi tố bị can đối với 6 người khác cũng bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng ở trạm kể trên.

Báo chí nhà nước nói khoảng 100 người cùng nhiều ô tô đã “tập trung dừng đỗ” trong trạm thu phí Phả Lại vào ngày cuối cùng của năm 2018, họ “không chịu mua vé”, đồng thời “cản trở” các phương tiện giao thông khác đi qua trạm. Ngay cả khi đơn vị vận hành trạm mở thanh chắn cho xe cộ đi qua miễn phí, còn gọi là “xả trạm”, những người đó cũng không chịu rời đi, theo các bài tường thuật.

Trong những năm qua, nhiều đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân xây mới hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Để thu hồi vốn, họ được nhà nước cho phép lập trạm thu phí cho các công trình đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, công chúng Việt Nam trở nên bất bình từ mùa hè 2017, sau khi những cuộc điều tra độc lập của một số nhà báo và người dân cho thấy một số trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép. Trên mạng xã hội, những trạm như vậy bị gọi là các “BOT bẩn”.

Nhiều tài xế đã phản kháng tại nhiều nơi trên cả nước bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí, hoặc dừng xe tranh cãi với nhân viên thu phí, gây ùn tắc.

Theo quan sát của VOA, các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí trên các quốc lộ nóng lên thêm trong những ngày của nửa đầu tháng 2/2019, cả tại hiện trường lẫn trên mạng xã hội.

Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc
Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc

Sau khi ông Hà Văn Nam bị bắt, vợ ông, bà Trần Thị Nhài, đã sử dụng trang Facebook mang tên ông có hơn 35.000 người theo dõi để “kêu cứu”. Bà Nhài viết rằng việc công an bắt chồng bà với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” là “hoàn toàn vô lý”.

Theo bà Nhài, việc ông Nam làm chỉ là “thắc mắc” và “yêu cầu được giảm giá” tại trạm thu phí. Bà cũng nói thêm rằng hồi cuối tháng 1, ông Nam đã bị một số “kẻ giả danh công an” đánh đập dã man khi ông đấu tranh chống một trạm BOT bẩn ở thành phố Hồ Chí Minh. Bà Nhài nói chừng nào mà những kẻ đó “chưa bị bắt” thì ông Nam “không thể bị kết tội vô lý”.

Bà kêu gọi công chúng chung tay giúp đỡ để chồng bà “sớm được tự do” để tiếp tục “tìm công lý cho bản thân và xã hội”.

Luật sư Trần Thu Nam, được gia đình mời làm đại diện cho ông Hà Văn Nam, nói trong một bài báo được đăng trên Tiền Phong hôm 6/3 rằng ông Hà Văn Nam khẳng định “không dùng xe của mình để gây tắc đường hoặc gây rối, cản trở giao thông”, mà ông ấy “chỉ muốn trạm BOT Phả Lại đứng ra đối thoại như ở Nam Định hay Thái Bình”.

Nhà hoạt động Bạch Cúc viết trên Facebook cá nhân có hơn 70.000 người theo dõi rằng ông Hà Văn Nam là một người “dũng cảm” chống BOT bẩn, và ông cũng như những người cùng đấu tranh không phải là những người “chống chế độ” hay “phản đối chính quyền”.

Việc họ làm chỉ là “vạch mặt đám doanh nghiệp lợi ích ngày đêm ăn bẩn đồng tiền xương máu của nhân dân”, Facebooker Bạch Cúc viết, và cho rằng ông Nam “bị bắt và bị khép tội một cách oan uổng”.

Theo bà, nhà nước cần phải “dẹp bỏ các trạm BOT bẩn ngày đêm bóc lột người dân”. Bên cạnh đó, bà bày tỏ quan điểm thêm rằng chính quyền cần “đối thoại”, “biết lắng nghe”, và “hành xử một cách công bằng, công tâm” với nhân dân trong vấn đề dân sinh công cộng.

Nếu nhà nước “vẫn cố ý sử dụng pháp luật để đối phó với dân, sử dụng nhà tù để giam giữ những người dân dám hành động cao đẹp vì lợi ích dân sinh công cộng”, Facebooker Bạch Cúc viết, thì điều đó “chỉ gây thêm nhiều bất mãn và gieo oán hận trong lòng dân”.

Nhà hoạt động nữ nhấn mạnh việc nhà nước phải làm ngay để an lòng dân là “trả ông Nam về lại với gia đình”, hay nói rộng hơn là “trả người công chính về với xã hội”.

Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)
Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh, một người cũng nổi tiếng về chống các trạm BOT bẩn, có chung quan điểm như Facebooker Bạch Cúc. Viết trên trang cá nhân, ông Danh đối chiếu điều luật về gây rối trật tự công cộng trong Bộ luật Hình sự và đưa ra ý kiến rằng việc ông Nam bị bắt, bị khởi tố “có nhiều dấu hiệu oan sai, mang tính suy diễn”.

Ông Danh cũng nêu ra thắc mắc rằng tại sao cho đến nay những “đối tượng xấu” đã đánh đập ông Nam hôm 28/1 vẫn chưa bị “điều tra làm rõ, khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử”.

Vụ bắt giữ ông Nam diễn ra giữa lúc đang có nhiều nhóm công dân tiến hành đếm xe qua lại tại các trạm BOT để bảo đảm tính minh bạch của việc thu phí ở các trạm.

Lâu nay, đã có nhiều nghi ngờ từ người dân và báo chí rằng một số trạm thu phí có nhiều kiểu gian lận khác nhau trong việc thu phí BOT như dùng lại vé để bán cho nhiều người, kê khống giá đầu tư hoặc báo cáo doanh thu thấp hơn thực tế nhằm kéo dài thời gian thu phí…

Việc đếm xe là nhằm chống lại những gian lận kể trên. Một số luật sư, nhà hoạt động mới đây nói với VOA rằng việc làm đó chính là hành vi giám sát xã hội trực tiếp của công dân, rất nên được cổ vũ khuyến khích.

VOA Express

XS
SM
MD
LG