Ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017 lại khởi sắc và phát triển mạnh. Theo các số liệu của Cục thống kê Việt Nam, lượng du khách nước ngoài trong nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số đến từ châu Á. Riêng du khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng gần gấp đôi. Báo Xinhua của nhà nước Trung Quốc hôm 30/10/17 tường thuật rằng tính cho tới tháng 10, Việt Nam đã tiếp đón hơn 3 triệu 200,000 khách du lịch Trung Quốc, tăng 45.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các số liệu của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 10 năm nay lên tới 1.024.899 lượt, tăng 5% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 10 tháng năm 2017, ước đạt 10.473.230 lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng liệu du khách nước ngoài có an toàn ở Việt Nam? Gần đây, một số vụ tấn công nhắm vào du khách nước ngoài được báo chí quốc tế chú ý tường trình, đã khiến một số người đặt nghi vấn về sự an toàn của khách du lịch tại Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn, từ Việt Nam du lịch một vòng các nước Bắc Mỹ, cho rằng nói chung, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn dù ông thừa nhận đã xảy ra một vài cuộc tấn công lẻ tẻ nhắm vào người nước ngoài. Tuy nhiên trong khi vấn đề an toàn cá nhân, theo ông, không phải là vấn đề, du khách nước ngoài cần chú ý tới an toàn thực phẩm và an toàn giao thông.
Tại thời điểm cuối tháng 10, ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 10,5 triệu khách nước ngoài, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và đang trên đà đạt được chỉ tiêu là thu hút 13 triệu du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam trong năm nay, trong số đó có 4 triệu du khách Trung Quốc. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đã tăng cường các chương trình quảng cáo tại các thành phố lớn bên Trung Quốc để quảng bá các địa điểm du lịch ăn khách ở Việt Nam.
Một khách du lịch từ Việt Nam ghé ngang qua thủ đô Washington trong một chuyến du hành quanh các nước Bắc Mỹ, Bác sĩ Nguyễn, thừa nhận là có những vụ tấn công nhắm vào khách du lịch nước ngoài, nhưng ông nói đây chỉ là các cuộc tấn công ‘lẻ tẻ’ và so với nhiều nước khác, Việt Nam vẫn an toàn đối với du khách nước ngoài.
Bác sĩ Nguyễn nói:
“Điều đầu tiên mà du khách ngoại quốc đến Việt Nam thì họ cảm thấy an toàn bởi vì họ không lo tới vấn đề khủng bố; thứ hai có những trường hợp lẻ tẻ bị mất tích, tai nạn hay là bị cướp, bị kẻ xấu trấn lột, cướp dây chuyền hay cướp bóp này kia, thì chuyện đó có xảy ra chứ không phải không, nhưng theo tôi biết, những trường hợp du khách ngoại quốc mà bị làm phiền như thế thì công an Việt Nam họ rất nhanh chóng tìm ra thủ phạm.”
Bác sĩ Nguyễn nói có nhiều trường hợp, công an đã tìm ra thủ phạm nội trong 12 hoặc 24 giờ, và đòi kẻ cắp trả lại những món đồ bị đánh cắp.
“Cái nước Việt Nam mình thì nói thật ra thì phải nói như thế này, công an Việt Nam rất là giỏi trong vấn đề tìm thủ phạm, tôi không nói về vấn đề chính trị, nhưng mà trong các vấn đề liên quan tới du khách thì tôi cho là công an Việt Nam rất là giỏi, thành ra chẳng có lý do gì mà du khách ngoại quốc phải e dè cái chuyện này hết. Rõ ràng là như vậy.”
Báo chí nước ngoài gần đây ra khuyến cáo về những trường hợp du khách bị tấn công, có trường hợp phụ nữ nước ngoài bị sách nhiễu, tấn công tình dục. Bác sĩ Nguyễn nói ông có nghe về các trường hợp này, nhưng vấn đề phải được đặt trong bối cảnh của nó.
“Tôi có nghe nói, nhưng mà số du khách mà bị quấy nhiễu về tình dục hay bị cướp giật thì cái tỷ lệ đó nếu mà so với các nước khác, thì rất là ít. Không phải tôi đề cao sự an toàn của Việt Nam, nhưng mà những vấn đề đó thì các nước đều có, thí dụ như Ấn Độ chẳng hạn, vấn đề quấy nhiễu tình dục thì quá sức tưởng tượng, so với Việt Nam thì nó gấp 10 lần, 100 lần!”
Bác sĩ Nguyễn nói ngoài vấn đề an toàn cá nhân, mà theo ông, không phải là một vấn đề lớn, du khách nước ngoài, đặc biệt là những người lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, nên lưu ý tới một số vấn đề như:
“Thứ nhất là, an toàn thực phẩm là du khách phải chú ý. An toàn giao thông, du khách cũng phải chú ý, tại vì ở Việt Nam vấn đề giao thông nó kinh khủng! Cái thứ ba mà tôi nghĩ du khách nên làm là tìm hiểu tập quán của người Việt Nam một chút, lý do là vì ở Việt Nam ý thức về văn hóa cũng như phép lịch sự nói chung, chưa đạt mục tiêu đề ra. Rõ ràng là như vậy, tại vì người dân Việt Nam hãy còn đông quá, và nền giáo dục Việt Nam hãy còn…chưa đồng bộ, thành ra rất là khó. Muốn cho nó hoàn hảo thì chắc phải 5, 10 năm nữa chứ không thể nào một ngày một bữa mà có thể giải quyết được vấn đề.”
Bác sĩ Nguyễn và các bạn đồng hành của ông đơn cử một ví dụ nhỏ: ở Việt Nam “không có văn hóa xếp hàng chờ tới phiên mình”, như ở các nước phương Tây, và một vấn đề nghiêm trọng hơn, là nhiều du khách nước ngoài dễ bị nhiễm độc thực phẩm vì cơ thể của họ “chưa quen” với tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam:
“Thực tình mà nói vấn đề đó là một vấn đề rất là hóc búa. Nếu mà du khách lần đầu tiên đến Việt Nam mà ăn ở các quán ăn ngoài đường hay là những quán ăn bình dân thì nguy cơ họ bị nhiễm độc rất là cao. Thứ hai là du khách ngoại quốc đến thăm Việt Nam, cơ thể của người ngoại quốc “chưa làm quen” được với cái ô nhiễm của Việt Nam, thành ra họ dễ bị nhiễm độc hơn là người Việt Nam. Người Việt Nam họ đã được “sống chung” với cái ô nhiễm đó lâu thì họ có những sự miễn nhiễm, còn anh ngoại quốc đến thì sự miễn nhiễm đó thấp lắm và do đó dễ bị nhiễm độc hơn. Cũng món ăn đó người Việt Nam ăn không sao, nhưng mà anh ngoại quốc ăn thì nó lại đau bụng.”
Bác sĩ Nguyễn khuyến cáo về vấn đề thực phẩm Trung Quốc có chích hormone để kích thích tăng trưởng tràn sang Việt Nam và được “đội lốt” hàng sạch Việt Nam.
“Khoai tây Trung Quốc đầy, họ đem lên Đà Lạt, xong rồi nó phủ một lớp đất mịn ở Đà Lạt xong họ chở về Sài gòn, thì họ nói đó là khoai tây Đà Lạt và nhiều người bị mắc lừa. Thì ai cũng biết rằng hàng Trung Quốc đẹp, to, rẻ.. nhưng mà độc vì lý do nó trồng bằng những thuốc hormone, kích thích tăng trưởng này nọ, thành ra rất là nguy hiểm.”
Bác sĩ Nguyễn nói Bộ Y tế có kiểm soát hàng hóa ở biên giới, nhưng nạn nhập lậu hàng Trung Quốc quá tràn lan không sao kiểm soát được, và do đó nếu có chặn cũng chỉ chặn lại được một phần nhỏ.
Ông nói:
“Nếu Bộ Y tế kiểm soát thì tôi nghĩ chỉ được 20% thôi, còn lại 80% là hàng nhập lậu, phần lớn hàng hóa nhập lậu qua biên giới được hải quan tham nhũng cho qua. Thế thành ra điều đó theo Việt Nam mình nói là ‘bó tay’, chịu, không làm được. Thành ra ở Việt Nam nhiều gia đình gọi là có hiểu biết, có điều kiện, thì họ bắt buộc phải đi mua hàng hóa ở siêu thị để có hàng sạch, hay là mua ở những người tin cậy, quen biết. Tốt nhất là ăn cơm nhà thôi!.”
Bác sĩ Nguyễn nói du lịch Việt Nam phát triển chưa được như ý muốn vì nhiều lý do, nhưng ông khẳng định rằng Việt Nam vẫn là một nơi an toàn cho du khách nước ngoài.
“Vấn đề ô nhiễm, vấn đề tiếp xúc, vấn đề an toàn thực phẩm này kia thì hãy còn nhiều khiếm khuyết lắm, nhưng về vấn đề an toàn, thì tôi cho rằng Việt Nam an toàn hơn nhiều nước.”