Đường dẫn truy cập

Dư luận bức xúc về việc hoãn chuyến bay để ‘chờ 1 hành khách’


Một máy bay của Vietnam Airlines đón khách tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Chuyến bay VN31 của hãng hàng không quốc gia từ TP HCM đi Frankfurt, Đức, hôm 28/5 bị trì hoãn để chờ 1 hành khách gây bức xúc trong dư luận.
Một máy bay của Vietnam Airlines đón khách tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Chuyến bay VN31 của hãng hàng không quốc gia từ TP HCM đi Frankfurt, Đức, hôm 28/5 bị trì hoãn để chờ 1 hành khách gây bức xúc trong dư luận.

Một chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đi châu Âu bị trì hoãn với lý do được cho là chờ một hành khách hạng thương gia theo yêu cầu của phó tổng giám đốc Vietnam Airlines và điều này đang làm dư luận bức xúc.

Chuyến bay VN31 của Việt Nam Airlines từ TP Hồ Chí Minh đi Frankfurt, Đức, đêm 28/5 bị dời thời gian khởi hành đến hơn 30 phút vì “nhận được yêu cầu delay chờ 1 khách nối chuyến” theo “yêu cầu của Phó tổng giám đốc Lê Hồng Hà,” theo biên bản sự việc được VietTimes trích dẫn.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hôm 30/5 đã giải thích lý do cho việc chậm giờ là vì phải chờ một hành khách có thời gian nối chuyến ngắn trên chuyến bay VN279 đến từ Hà Nội.

“Chuyến bay VN31 từ TP Hồ Chí Minh đi Frankfurt ngày 28/5/2019 đã phải lùi thời gian cất cánh hơn 30 phút để hỗ trợ khách nối chuyến do chuyến bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng của thời tiết xấu, hạ cánh muộn 25 phút,” Việt Nam Airlines nói trong một thông cáo gửi cho báo chí tối ngày 30/5.

Có khả năng đây là vấn đề tình cảm, hoặc liên quan đến vấn đề khác. Qua thông tin như vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt hãng hàng không và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều tra, kiểm tra để xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc.
Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội

Tuy nhiên, một nguồn tin của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội cho biết thời tiết tối 28/5 không có diễn biến bất thường và lý do Vietnam Airlines đưa ra là “không thuyết phục.”

Theo Vietnam Airlines, việc điều chỉnh thời gian chuyến bay để chờ hành khách nối chuyến bị ảnh hưởng do chuyến bay trước đó đến chậm là thông lệ được các hãnh hàng không trên thế giới áp dụng.

Vị khách đặc biệt đã khiến cả chuyến bay với 216 hành khách phải chờ có tên Do Truong Minh, một doanh nhân có ghế ở hạng thương gia, theo VietTimes.

Nhiều người trên mạng xã hội cho rằng hành khách này là ông Đỗ Trường Minh, tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam và hiện do Bộ Tài chính sở hữu 72% vốn điều lệ.

Theo VietTimes, tạp chí điện tử của Hội Truyền thông số Việt Nam, một tạp chí dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt phủ nhận thông tin Tổng Giám đốc Đỗ Trường Minh là một người đi trên chuyến bay VN31, vị này khẳng định ông Minh vẫn ở Hà Nội. Thông tin này sau đó đã được hàng loạt tờ báo dẫn lại. Nhưng khá bất ngờ là chỉ ít tiếng sau, nó đã được các báo đồng loạt gỡ bỏ và điều này lại càng hướng sự chú ý của dư luận vào vị lãnh đạo của Bảo Việt.

Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều người không có cảm tình với lãnh đạo và những quan chức các tập đoàn tổng công ty nhà nước, nên dù một sơ suất nhỏ cũng khiến dư luận bức xúc.
Bùi Sơn, người dân

Dư luận đã nêu ra nhiều vấn đề băn khoăn xung quanh câu chuyện. Không chỉ là trên mạng xã hội, câu chuyện cũng đã được đưa tới cả hành lang Quốc hội.

“Có khả năng đây là vấn đề tình cảm, hoặc liên quan đến vấn đề khác. Qua thông tin như vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt hãng hàng không và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều tra, kiểm tra để xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu tỉnh Bến Tre) chia sẻ với truyền thông bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, theo Gia đình & Xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ bê bối của các quan chức nhà nước có liên quan tới các chuyến bay của Vietnam Airlines làm dậy sóng dư luận.

Đầu tháng 1 năm nay, dư luận cũng đã bức xúc với việc một xe công vụ thuộc bộ Công thương được điều vào sát chân máy bay để đón vợ của người đứng đầu bộ này ở sân bay Nội Bài. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi dư luận thông qua một lá thư ngỏ gửi tới báo giới sau 4 ngày hứng chịu “bão dư luận.”

Việc coi thường khách hàng cũng do cơ chế độc quyền nên hành khách không nhiều lựa chọn. Cũng dẫn đến việc giám đốc lạm dụng chức vụ và quyền hạn mà làm những việc như vừa rồi.
Ngô Kim Hoa, người dân

Bùi Sơn, một người dân Hà Nội, nói với VOA rằng “Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều người không có cảm tình với lãnh đạo và những quan chức các tập đoàn tổng công ty nhà nước, nên dù một sơ suất nhỏ cũng khiến dư luận bức xúc.”

Một số người dân trong nước khác nói với VOA rằng việc hoãn chuyến bay vừa rồi của Vietnam Airlines là một thái độ xem thường khách hàng. Anh Lê Quang Huy nói đây là một việc làm “khó chấp nhận” và chị Ngô Kim Hoa cho rằng hành động này là sự “coi thường pháp luật” của ông Lê Hồng Hà.

“Việc coi thường khách hàng cũng do cơ chế độc quyền nên hành khách không nhiều lựa chọn. Cũng dẫn đến việc giám đốc lạm dụng chức vụ và quyền hạn mà làm những việc như vừa rồi,” chị Hoa nói với VOA.

Một số người dùng mạng xã hội đã lên tiếng kêu gọi ông Hà phải bị kỷ luật và đưa ra so sánh với việc Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mexico khi đột ngột từ chức hôm 25/5 sau khi sự chậm chễ của bà khiến phi hành đoàn cùng toàn bộ hành khách phải chờ hơn 30 phút.

VOA Express

XS
SM
MD
LG