Đường dẫn truy cập

Dư luận Việt lại dậy sóng về ‘chuyến bay giải cứu’ trục lợi hàng nghìn tỉ đồng


Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".
Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".

Các bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” bị cho là đã thu lợi hàng nghìn tỉ đồng, theo thông tin mà một đại diện của Bộ Công an Việt Nam đưa ra với báo giới mới đây. Điều này lại làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam.

Trong một cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm 4/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, đã trả lời về một số vụ bê bối gần đây, trong đó có vụ “chuyến bay giải cứu”.

Trung tướng Xô dẫn lại kết quả điều tra cho biết mỗi “chuyến bay giải cứu” sau khi trừ các chi phí đem lại số tiền lợi nhuận là “hàng tỷ đồng”, và ông nói thêm rằng “chúng ta biết là có gần 2 nghìn chuyến bay giải cứu”.

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, công an Việt Nam đã bắt giam một thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nữ cục trưởng Cục Lãnh sự của bộ, và ít nhất 7 người khác về các tội danh “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch COVID-19, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.

Vụ bê bối này xảy ra trong giai đoạn hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch làm các nước đóng cửa biên giới với nhau, và vì vậy, các công dân Việt Nam đã phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.

Thông tin của người phát ngôn Bộ Công an về việc các bị can đã chia chác số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong vụ bê bối “chuyến bay giải cứu” một lần nữa làm bùng lên những lời chỉ trích trong công chúng Việt Nam, theo quan sát của VOA.

Nữ doanh nhân trực ngôn Lê Hoài Anh, với trang Facebook có gần 1 triệu người theo dõi, gọi các bị can trong vụ án là “Toàn những kẻ khốn nạn lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào”. Bà Hoài Anh đặt vấn đề rằng “vụ này chắc còn liên quan đến các đại sứ quán, các lãnh sự quán Việt Nam, hàng không Việt Nam … nữa nhỉ?”

Một người khác cũng có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, bà Phương Ngô, với hơn 58.000 người theo dõi trên Facebook, gọi hành động giả danh hoặc lấy mác “giải cứu” để trục lợi là “hút máu chính đồng bào”. Cũng như bà Hoài Anh, bà Phương nghi ngờ rằng còn có nhân vật cấp cao hơn đứng trên những người bị bắt khi bà đặt câu hỏi “Trùm cuối là ai?” trong bài viết của bà.

Viết về vụ “chuyến bay giải cứu” gắn với các bê bối khác xảy ra thời đại dịch nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung, võ sư Đoàn Bảo Châu đưa ra nhận xét trên trang cá nhân có hơn 114.000 người theo dõi rằng: “Các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi ‘đồng bào’ của họ khốn cùng nhất”.

Ông Hà Phan, có hơn 38.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng “chính sách bị trục lợi, ý nghĩa chiến dịch ‘giải cứu’ bị bóp méo, uy tín quốc gia bị tổn thương, tình cảm đồng bào bị lợi dụng và nỗi lo của dân chúng bị biến thành tiền cho một nhóm cấu cào”.

Dùng các từ “ăn quá dã man”, “số tiền khổng lồ”, “khủng khiếp”, “trắng trợn” để nói về vụ việc, ông Hà Phan khẳng định người dân sẽ “vỗ tay” nếu các bị can phải nhận sự trừng trị nghiêm khắc.

Nhiều người nổi tiếng khác trên mạng xã hội và các người dân nói chung cũng đưa ra các quan điểm, đánh giá tương tự. Các ý kiến đó nhận được hàng nghìn phản ứng và lời bình luận ủng hộ, cũng như được nhiều người lan tỏa tiếp qua chức năng “share” của Facebook.

VOA Express

XS
SM
MD
LG