Việt Nam, một nước có khoảng 93 triệu dân, có tới 50 triệu người sử dụng Facebook và 64 triệu người truy cập internet ít nhất một lần mỗi tháng, đang nhắm đến thực thi một luật an ninh mạng mới.
Dự luật sẽ được thảo luận tại Quốc hội và có nhiều khả năng sẽ được thông qua. Nếu vậy, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6.
"Nhà chức trách tin rằng một luật mới, có trọng tâm hơn là cần thiết để xử lý các vấn đề an ninh công cộng, bao gồm cả thực tế là Việt Nam nằm trong số những quốc gia trên thế giới dễ bị tấn công trên mạng, căn cứ vào các nghiên cứu và thống kê", ông Trịnh Ngọc Tú và Waewpen Piemwichai, chuyên viên hãng Tilleke & Gibbins viết trong một bài blog gần đây.
Tuy nhiên nhiều nhà lập pháp và các nhà phân tích tin rằng một số điều khoản của dự luật là không cần thiết hoặc vênh với Luật An toàn Thông tin Mạng và Luật Công nghệ Thông tin hiện hành.
Chẳng hạn một số quy định trao cho chính phủ quyền kiểm soát lớn hơn đối với những hãng quốc tế khổng lồ về kỹ thuật số như Google và Facebook.
Các bản thảo trước đó của dự luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet như Google và Facebook, phải đặt máy chủ của họ ở Việt Nam. Đòi hỏi đó đã bị hủy bỏ trong các bản thảo sau này, nhưng luật quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải có văn phòng đại diện, hoặc hiện diện ở Việt Nam và phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam.
Quy định này đã gây quan ngại cho các nhà lập pháp, vận động hành lang và ngoại giao Mỹ.
Đại diện thương mại Mỹ Jeremy Gerrish nêu lên “mối quan ngại của Mỹ về đề án luật an ninh mạng của Việt Nam, bao gồm tác động của các yêu cầu về địa phương hóa và các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới tới sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam”, theo một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Theo Hiệp hội Truyền thông Kỹ thuật số Việt Nam (VCDA), bản thảo mới nhất của dự luật an ninh mạng, nếu nó có hiệu lực, có thể làm giảm 1,7% GDP của Việt Nam và làm mất đi 3,1% đầu tư nước ngoài.
Dự luật còn cho phép chính phủ siết chặt quyền kiểm soát đối với người dùng trong nước đăng “những nội dung tuyên truyền chống chính phủ, có tính cách phỉ báng hay vu khống”.
Dự thảo luật cấm các nội dung có tính vu khống, “tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” và kích động các cuộc bạo loạn hoặc gây rối trật tự công cộng.
Nếu được thông qua, luật an ninh mạng mới sẽ quy định rằng các công ty truyền thông xã hội phải xóa nội dung vi phạm khỏi nền tảng của họ trong vòng 24 giờ, khi có yêu cầu của Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Công an của Việt Nam.
(Asian Correspondent, The Straits Times)