Ðức giáo hoàng Phanxicô nói về sự cần thiết của “lòng khoan nhượng” và tránh “thù oán” tại thánh lễ với hàng chục ngàn người tham dự ở thành phố Yangon của Myanmar.
Một lần nữa, ngài tránh nói trực tiếp đến nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp trong chuyến thăm Myanmar bốn ngày này, sau khi đã kêu gọi chung về lòng vị tha tôn giáo trong cuộc họp với các nhà ngoại giao hôm thứ Ba 28/11.
Khoảng 150.000 tín đồ Công giáo từ nhiều nơi trên cả nước đã tập trung về sân vận động Kyaikkasan để dự lễ, nhiều người đã đến đó từ đêm hôm trước để giữ chỗ.
Sơ Lucy, 22 tuổi, từ bang Chin xa xôi đã đến đây từ lúc 5 giờ sáng, nói: "Tôi được nhiều ơn phước, không chỉ riêng tôi, mà cả Myanmar. Chúng tôi chưa bao giờ mơ đến sẽ gặp được Đức thánh cha, nhưng hôm nay chúng tôi thực sự được gặp ngài.”
Trong thánh lễ đầu tiên tại Myanmar, Ðức giáo hoàng Phanxicô nói rằng nhiều người dân ở đất nước này “mang trong người những vết thương của bạo động, những vết thương bên ngoài có thể thấy được, và những vết thương hằn sâu trong trong lòng. Chúng ta nghĩ rằng trả thù sẽ chữa lành vết thương. Nhưng trả thù không phải là cách của Chúa Giêsu chữa lành vết thương.”
Ðức giáo hoàng Phanxicô, người thường lớn tiếng bênh vực người tị nạn, đã không chú ý đến sự trông đợi của nhiều người ở phương Tây muốn ngài công khai nói về cuộc khủng hoảng của người thiểu số Rohingya.
Hơn 620.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị ngược đãi đã trốn chạy sang Bangladesh sau một một chiến dịch đàn áp quân sự hồi tháng 8.
Myanmar nói những đồn đoán về hãm hiếp tập thể và giết người là phóng đại, và quân đội nước này phủ nhận mọi cáo buộc đàn áp.
Trước đây Ðức giáo hoàng Phanxicô đã từng lên tiếng bênh vực cho nhóm người thiểu số này và gọi họ là “các anh chị em Rohingya của chúng ta.”
Nhưng các nhà cố vấn khuyên ngài đừng nói về vấn đề này ở Myanmar vì sợ rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến 650.000 tín đồ Công giáo ở nước này.
Ông Robert Nathan, một tín đồ Công giáo Myanmar, nói: “Đây là lần đầu tiên Ðức giáo hoàng đến thăm Myanmar. Ngài không đề cập đến cuộc khủng hoảng người Rohingya là đúng. Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề đó.”
Nhưng những người bênh vực nhân quyền kêu gọi ngài nói lên vấn đề này cho người Rohingya, những người bị bị xem là di dân bất hợp pháp ngay trên lãnh thổ Myanmar.
Ông Mark Farmaner, người đứng đầu Cuộc vận động Miến Ðiện ở Anh, viết trên Twitter: “Nếu Ðức giáo hoàng không dùng từ Rohingya, những người phân biệt chủng tộc xem đó là một chiến thắng, cò nếu ngài dùng từ đó, họ sẽ thất vọng và chống đối. Đường nào tốt hơn.”
Nhiều người trong đám đông ở Yangon hài lòng là Ðức giáo hoàng đã chọn cách không đề cập đến cuộc khủng hoảng. Ngài đã nói rằng mục đích chính của chuyến thăm này là để ủng hộ giáo dân Công giáo ở quốc gia Ðông Nam Á vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican hồi gần đây.