Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thực hiện chuyến công du 3 ngày tới Armenia, hơn một năm sau khi ngài gọi các vụ giết hại người Armenia dưới tay người Thổ Nhĩ Kỳ triều đại Ottoman là “vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”, một phát biểu đã gây phẫn nộ tại Ankara.
Tổng thống Serzh Sargsyan và Đức Thượng Phụ Karekin thuộc Giáo hội Chính Thống giáo Tông đồ Phương Đông đã ra nghênh đón Đức Giáo Hoàng khi ngài tới thủ đô Yerevan của Armenia chiều 24/6.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên lên án vụ thảm sát các Kitô hữu do các phần tử cực đoan Hồi giáo ở Trung Đông thực hiện. Ngài nói rằng các cuộc tấn công bữa bãi nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo là một “phong trào đại đoàn kết bằng máu”, một hành động tử vì đạo dựa trên niềm tin vào sự hợp nhất của giáo hội Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên, mới đây Đức Giáo Hoàng nói ngài thích dùng từ “tử vì đạo”, thay vì từ “diệt chủng” khi mô tả chính sách đàn áp các tín đồ Kitô.
Theo dự kiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng trước Tổng thống Sargsyan và các giới chức Armenia tại Dinh tổng thống vào xế ngày 24/6.
Hoạt động chính của Đức Giáo Hoàng trong ngày đầu là cuộc đi thăm nhà thờ Tông đồ Armenia ở Etchmiadzin, nơi ngài sẽ lưu lại trong tư cách là khách của Đức Thượng Phụ Chính Thống giáo.
Trong những ngày tới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cầu nguyện tại Đài tưởng niệm vụ diệt chủng Armenia, thả một con bồ câu, biểu tượng của hòa bình, tại một địa điểm gần biên giới bị phong tỏa với Thổ Nhĩ Kỳ, và cầu nguyện cho hòa bình tại một thánh lễ cùng với Đức Thượng Phụ Karekin.
Các sử gia ước lượng có tới 1,5 triệu người Armenia bị người Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Ottoman giết hại trong những năm từ 1915 tới 1917, và nhiều học giả coi sự kiện này là vụ diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20.
Armenia từ lâu vận động để quốc tế công nhân vụ thảm sát đó là một vụ diệt chủng, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận hàng trăm nghìn người Armenia đã chết, nhưng không nhận là cái chết của các nạn nhân cấu thành một chiến dịch diệt chủng.