Đường dẫn truy cập

TT Duterte bị chỉ trích vì ‘tống tiền’ Mỹ để duy trì thỏa thuận VFA


Tư liệu- Phó Tổng thống Philippine Leni Robredo tại một cuộc họp báo ở Quezon city, miền Nam Manila ngày 5/12/2016. (AP Photo/Bullit Marquez, File)
Tư liệu- Phó Tổng thống Philippine Leni Robredo tại một cuộc họp báo ở Quezon city, miền Nam Manila ngày 5/12/2016. (AP Photo/Bullit Marquez, File)

Các chính khách Philippines mạnh mẽ chỉ trích Tổng Thống Duterte vì đã đòi Hoa Kỳ trả tiền để duy trì Thỏa thuận Thăm Viếng Quân Sự (VFA) với Mỹ, truyền thông Philippines cho hay.

Phát biểu trước các binh sĩ tại căn cứ không quân Clark hôm 12/2/2021, Tổng Thống Duterte nói:

“Tôi muốn thông báo trong trường hợp có một nhân viên hoạt vụ Mỹ ở đây, là từ giờ trở đi, nếu các ông muốn duy trì thỏa thuận thăm viếng quân sự VFA, thì phải trả tiền.”

Ông Duterte nói thêm:

“Đây là trách nhiệm chung, nhưng phần trách nhiệm của các ông (Mỹ) không miễn phí bởi vì, chung cuộc, nếu chiến tranh bùng nổ, tất cả chúng ta đều phải trả giá.”

Duterte đòi 16 tỉ để duy trì VFA

Báo Philippine Daily Inquirer số ra ngày 16/2/2021 dẫn lời điện Malacanang, Phủ Tổng thống Philippines, hôm thứ Hai 15/2 nói rằng để đánh đổi VFA, Mỹ phải trả Philippines 16 tỉ USD, số tiền mà Pakistan được Hoa Kỳ hỗ trợ để chống chủ nghĩa khủng bố từ năm 2001 tới năm 2017.

Người phát ngôn của TT Duterte Harry Roque nói rằng so với Pakistan, Philippines chỉ nhận được tổng cộng 3,9 tỉ USD trong cùng thời gian.

Để bênh vực đòi hỏi của mình, ông Duterte tố cáo rằng Mỹ đang toan tính biến Vịnh Subic thành một căn cứ quân sự, và đang trữ vũ khí trên đất Philippines.

Ông không trưng ra bằng chứng nào về những cáo buộc này mà chỉ cho biết ông nhận thông tin từ các lực lượng vũ trang Philippines.

Một bài báo trên trang mạng Benar News hôm 17/2 trích lời một quan chức Philippines phản bác cáo buộc Mỹ biến Subic thành căn cứ quân sự.

Bà Wilma Eisma, Chủ tịch Cơ quan Đô thị Vịnh Subic (SBMA), khẳng định rằng các cuộc viếng thăm của các tàu quân sự tới Vịnh Subic theo thỏa thuận VFA chỉ kéo dài vài ngày, “đủ để binh sĩ đổ bộ và lên tàu trở lại, hoặc ghé vài ngày để mua đồ tiếp tế.

Người lãnh đạo cảng biển Vịnh Subic nhấn mạnh:

“Những cuộc thăm viếng của Mỹ không có cách nào để biến đổi cảng Freeport của Vịnh Subic thành một căn cứ quân sự.”

Bà nói thêm rằng tàu bè của nhiều nước khác cũng được tiếp cận Vịnh Subic như vậy, kể cả Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn quốc và Indonesia.

Bà Eisma không bình luận về các cáo buộc của ông Duterte rằng Hoa Kỳ trữ vũ khí tại Philippines.

Phản ứng trong nước

Báo Asian Journal trích lời Phó Tổng Thống Philippines Leni Robredo, chỉ trích ông Duterte rằng những lời lẽ của ông “nghe giống như một kẻ tội phạm tống tiền người khác.”

“Thật là xấu hổ. Nghe như chúng ta đang tống tiền. Nếu chúng ta không muốn gia hạn VFA, thì hãy nêu ra những lý do vì sao. Thỏa thuận này không có lợi cho chúng ta như thế nào. Tiền bạc không nên được cân nhắc.”
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo

Phát biểu trên chương trình phát thanh Biserbisyong Leni của bà hôm chủ nhật, bà Robredo nói rằng tuyên bố của ông Duterte làm bà cảm thấy “xấu hổ”, và nói nếu muốn hủy VFA, lẽ ra chính phủ Philippines phải liệt ra những lý do, thay vì nói tới tiền bạc.

Phó Tổng Thống Robredo nói thỏa thuận đó được dựa trên lợi ích chung giữa hai bên, chứ không phải “Chúng ta là bạn chỉ vì các ông trả tiền cho chúng tôi”.

Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Quốc phòng, đồng ý với quan điểm này, ông nói đòi Washington trả tiền tạo ra cảm tưởng là Philippines là “nước của những kẻ tống tiền.”

Ông viết trên Twitter:

“Để minh định cho rõ, xin thông báo chúng tôi không phải là một quốc gia của những kẻ tống tiền. Philippines không phải là một nước chỉ biết có tiền. Ít ra không phải tất cả chúng tôi đều như vậy.”

Dòng tweet này đã bị xóa, Thượng nghị sĩ Lacson giải thích:

“Tổng thống Duterte có lẽ đã dùng những lời lẽ nặng nề để truyền thông điệp tới người Mỹ. Nhưng rõ ràng là có một cách lịch sự và tương xứng hơn với phong cách của một chính khách để yêu cầu một đồng minh lâu năm đền bù, qua các kênh ngoại giao, để đạt được kết quả mong muốn.”

Phủ Tổng thống Philippines đã lên tiếng bênh vực ông Duterte, nói rằng yêu cầu của ông phù hợp với lợi ích quốc gia, chứ không phải là tống tiền Mỹ.

Người phát ngôn của TT Duterte, Harry Roque, nói hôm 15/2:

“Đối với những người nói như vậy là tống tiền, đây không phải là tống tiền mà là vì lợi ích quốc gia bởi vì chúng ta phải chi ra rất nhiều cho dịch Covid-19.”

Theo lời ông Roque, số tiền từ Mỹ có thể được dùng để tài trợ thêm cho chương trình Chăm sóc Y tế quốc gia (UHC) để đối phó với dịch Covid-19, cung cấp thức ăn miễn phí cho học sinh…

Ông Roque nhấn mạnh VFA sẽ bị hủy bỏ nếu Hoa Kỳ từ chối yêu cầu của TT Duterte.

VFA là gì?

VFA – ‘Thỏa thuận về các lực lượng Thăm viếng’, hay ‘Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự’ là một thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Philippines ký kết vào năm 1998, cho phép các lực lượng Mỹ tới Philippines tập trận chung với binh sĩ Philippines, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai. Nói cách khác, VFA trao tư cách pháp lý cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ trên đất Philippines, tạo điều kiện cho Mỹ phản ứng cấp kỳ trước một cuộc khủng hoảng hay các tình huống khẩn cấp khác, cũng như để thực hiện các trách nhiệm theo Hiệp ước Phòng thủ chung.

Ngoài cho phép binh sĩ Mỹ hiện diện trên đất Philippines, VFA còn cho phép chính phủ Mỹ duy trì quyền tài phán đối với các công dân Mỹ, kể cả các binh sĩ, trong trường hợp họ phạm tội ở Philippines.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn được coi như một lực đối trọng thiết yếu chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc, và các hành động hung hăng hơn của nước này, tiếp tục lấn át các nước láng giềng nhỏ hơn để giành chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế năm 2016, trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện do chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Benigno Aquino khởi kiện tại Tòa án Quốc tế chống lại Trung Quốc và những yêu sách chủ quyền quá đáng của nước này.

VFA còn hiệu lực đến bao giờ?

Hồi năm ngoái, Tổng thống Duterte ra lệnh chấm dứt thỏa thuận quân sự này sau khi Mỹ hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” Dela Rosa, vì vai trò của ông, lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đẫm máu tại Philippines.

Nhưng quyết định này được hoãn thi hành nhiều lần. Lần mới nhất là vài ngày sau khi ông Biden đắc cử. Lúc đó, Philippines loan báo Manila gia hạn thêm 6 tháng ngày áp dụng quyết định hủy bỏ VFA. Điều đó có nghĩa là nếu không được gia hạn hoặc ký kết lại, thỏa thuận VFA sẽ chấm dứt vào ngày 9/8/2021.

Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Teodoro Locsin gửi cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien để loan báo quyết định tái gia hạn quyết định hủy VFA, ông Locsin viết:

“Tình hữu nghị và liên minh Mỹ-Phi muôn năm!”

Ngoại trưởng Locsin trước đó nhấn mạnh rằng sự hiện diện thường xuyên của lực lượng quân sự Mỹ đã ngăn Trung Quốc thực hiện những hành động quyết liệt hơn ở Biển Đông, mà người Philippines gọi là Biển Tây Philippines.

Phản ứng của Mỹ

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận trực tiếp về những cáo buộc mới nhất của Tổng Thống Dutertem mà chỉ tái khẳng định rằng “Hoa Kỳ trân trọng liên minh lâu dài nhất của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.”

“Đối thoại cởi mở giữa các đồng minh là điều thiết yếu để duy trì sức mạnh của liên minh, vốn là điều có tầm quan trọng quyết định cho an ninh của cả hai nước,” Bộ Ngoại giao nói về thỏa thuận VFA với Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG