Đường dẫn truy cập

Những cái tát


Đã có dư luận kêu gọi Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từ chức sau vụ cô giáo cho tát tai học sinh tại trường Duy Ninh.
Đã có dư luận kêu gọi Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từ chức sau vụ cô giáo cho tát tai học sinh tại trường Duy Ninh.

Để diễn tả một sự nhục nhã đến bất ngờ người ta nói: “như một cái tát vào mặt”. Nhưng khi có tới 231 cái tát vào mặt một đứa trẻ học lớp sáu do bạn cùng lớp tát theo lệnh của cô giáo thì những cái tát ấy không còn là một sự nhục nhã cá nhân, nó trở thành nỗi sĩ nhục cho nguyên một nền giáo dục, bất cứ nền giáo dục ấy của nước nào.

Câu chuyện xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Duy Ninh thuộc xã Duy Ninh, huyện Tân Ninh, tỉnh Quảng Bình khi em Hoàng Long Nhật lỡ nói tục trên sân trường, đội cờ đỏ nghe thấy và ghi lại. Giáo viên chủ nhiệm của em là cô Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt cả lớp học lần lượt lên tát vào mặt em Nhật, mỗi em phải tát đúng 10 cái nếu tát nhẹ phải tát lại.

Cái tát cuối cùng, như một phát súng ân huệ, do cô Thủy thực hiện, và kết quả là em Nhật phải nhập viện.

Trước tiên người dân lên án, sỉ vả và yêu cầu khởi tố cô giáo Thủy vì hành động độc ác phản giáo dục của một người có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ và làm gương cho lớp mầm non, lại có hành vi của một kẻ côn đồ ngay trên bục giảng. Hành vi này cho thấy nền giáo dục không còn cấp nào để mà xuống, và sự thể hiện của cô giáo lộ ra cái cốt lõi của giáo dục Việt Nam từ bao nhiêu năm qua không thoát ra được các lớp học trường làng của những ông giáo phong kiến thời xưa, dạy cho học trò với chiếc roi kè kè bên tấm phản.

Nhưng ông giáo ngày xưa dù có vụt roi vào tay học trò cũng không có một chút thù hận, sân si như hành vi của cô giáo Thủy.

Lòng thù hận của một cô giáo bị đồng nghiệp dè bỉu, nhà trường phê bình và điểm thi đua của riêng cô đánh mất vì có một em học sinh bị đội cờ đỏ báo cáo là chửi tục trong sân trường.

Thành tích một cách mù quáng này thể hiện qua lời của Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, khi trả lời báo chí về vụ việc đã thừa nhận toàn bộ sự việc và “xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu không, toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân.”

Còn nói về nguyên nhân dẫn đến hành động của mình, Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng: “Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong lúc lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực.”

Thành tích là tất cả. Nó biểu hiện cho thành công của một ngôi trường, từ đó sẽ có huy chương này bằng khen nọ, bất kể sự học thật sự của các em trôi nổi về đâu. 231 cái tát vào mặt một em học sinh lớp sáu là những cái tát vào thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương và bắt cả ngành thực hiện. Chính sách thi đua lập thành tích lâu nay bị dư luận lên án xem chừng không đủ lung lay nay bị một lúc hơn hai trăm cái tát không biết nó có tỉnh ra hay không. Tỉnh ra để thấy rằng hai chữ thành tích không khác gì một con nợ luôn đeo bám vào những con người đang hoạt động trong ngành giáo dục, nơi không có chỗ dành riêng cho nó, ngoại trừ ông Bộ trưởng Giáo dục không cảm thấy phản giáo dục khi tiếp tục theo đuổi nó.

Những cái tát này làm cho xã hội bừng tỉnh vì đã sống quá lâu trong một môi trường thụ động và an phận. Vai trò phụ huynh bị cha mẹ xem thường và tâm lý giao trọn gói cho thầy cô khiến học sinh tê liệt không dám phản ứng. Mỗi lần các em bị đánh một cách bất thường trong lớp cha mẹ thường cho rằng thầy cô giáo luôn luôn đúng, câu thành ngữ “Thương cho roi cho vọt” đã trở thành xương thịt của không ít người mặc dù bây giờ họ đã biết rằng từ lục địa này tới lục địa khác chỉ sau vài giờ bay, không như thời của cha ông họ, những người nghĩ ra câu nói này, từ Hà nội vào Sài gòn phải mất hàng tháng trời đằng đẵng.

Tuy nhiên những cái tát này trên hết phải dành cho luật pháp nước CHXHCN Việt Nam, bởi hệ thống pháp luật xứng đáng được nhận những cái tát như thế.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc cô giáo bắt học sinh tát tai tập thể một học sinh khác.

Trước đây câu chuyện cô giáo cho hơn 40 bạn cùng lớp tát vào mặt học sinh từng xôn xao dư luận nhưng hệ thống pháp luật hình như không để ý tới. Cô giáo D.T thuộc Trường Tiểu học Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội đã cho 43 học sinh trong lớp tát vào mặt em Đỗ Tuấn Linh vì em này đã cãi nhau với một em lớp trưởng. Cô cho biết đây là biện pháp kỷ luật là cho các em ý thức sự sai trái của mình.

Mới đây nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế mất trật tự, nói chuyện riêng trong lớp, một cô giáo trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình đã áp dụng hình phạt bắt học sinh tự tát vào mặt theo cấp số cộng.

Do phụ huynh học sinh quá bức xúc các cô giáo vi phạm đã bị nhà trường kỷ luật nhưng chưa có một cô giáo nào bị khởi tố áp dụng bộ luật hình sự Việt Nam về tội chà đạp nhân phẩm và ngược đãi, bạo hành trẻ vị thành niên.

Cơ quan điều tra của công an, Viện kiểm sát hoàn toàn làm ngơ trong những vụ này với lý luận cho rằng một vài cái tát tai không đủ để khởi tố vụ án. Họ quên rằng sang chấn tinh thần và những vết thương không thể lành trong tâm hồn của trẻ sẽ làm cho chúng sống trong mặc cảm và sợ hãi đám đông suốt đời chưa phải là hành vi cần khởi tố hay sao?

Một đứa trẻ dù bị chính cha mẹ chúng đánh vẫn bị khởi tố tại các nước tiên tiến, không lẽ trẻ con Việt Nam ít giá trị nhân phẩm cần bảo vệ hơn trẻ con các nước khác?

Hai trăm ba mươi mốt cái tát nhìn theo lăng kính tích cực sẽ là những cái tát không chỉ dành riêng cho cô giáo mà còn dành chung cho tất cả chúng ta, những công dân không từng tát tai ai bao giờ nhưng lại an lòng chấp nhận những cái tát vô cớ vào đời sống tinh thần của mình và gia đình, con cái.

  • 16x9 Image

    Mặc Lâm

    Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG